Thôn Cậy xây dựng và gìn giữ danh hiệu văn hóa
Xã hội - Ngày đăng : 20:03, 29/08/2020
Giải bơi chải trên sông Cậy hằng năm luôn thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương (ảnh tư liệu)
Tôi đến thôn Cậy đúng thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp khi trên địa bàn huyện vừa phát hiện một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Loa phát thanh dồn dập phát đi thông tin dịch. Vừa nhắc bà con đeo khẩu trang, ông Hoàng Đức Hiển, Trưởng Ban Văn hóa xã vừa nói: “Làng Cậy còn là Long Xuyên còn, lúc này bà con phải phòng chống dịch thật tốt”.
Không phải ngẫu nhiên ông Hiển nói vậy, bởi thôn Cậy có diện tích lớn nhất xã Long Xuyên, dân số cũng thuộc diện “khủng”, với hơn 1.500 hộ, khoảng 4.700 nhân khẩu. Ngay ngày 12.8, trước diễn biến mới của dịch, thôn đã cử cán bộ đi nhắc nhở người dân phòng chống dịch. Với tinh thần ấy, chúng tôi hiểu vì sao thôn luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương.
Năm 2008, thôn Cậy mới được công nhận là làng văn hóa, muộn hơn làng đầu tiên của xã 9 năm. Trước đó, thôn luôn “thiếu đủ thứ”, điều kiện cơ bản nhất là nhà văn hóa thôn cũng thiếu. Đáng lo ngại nhất là tệ nạn cờ bạc, nghiện hút... trên địa bàn. Vì thế, thôn đã nhiều lần đăng ký danh hiệu làng văn hóa nhưng đều không đạt.
Năm 2006, thôn huy động tổng lực sự vào cuộc của cán bộ, nhân dân với mục tiêu đạt danh hiệu làng văn hóa. Một loạt kế hoạch được vạch ra gồm: xây dựng nhà văn hóa trung tâm; thành lập các tổ tư vấn, hòa giải; tổ tự quản từ gia đình tự quản, xóm tự quản, khu dân cư (KDC) tự quản… Đơn vị nào có người vi phạm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Năm 2007, nhà văn hóa thôn hoàn thành, rộng hơn 300 m2 trên tổng diện tích khuôn viên 9.000 m2, kinh phí xây dựng khoảng 1 tỷ đồng. Song song với đó, các tổ tự quản, tổ hòa giải đến từng gia đình vận động người dân chấp hành nghiêm quy định. Sau nhiều cố gắng, năm 2008, thôn chính thức được công nhận là làng văn hóa. Cả 6 đội của thôn đều có đội văn nghệ hoạt động sôi nổi, nhiều lần được chọn đại diện cho huyện Bình Giang dự thi các giải văn hóa - văn nghệ của tỉnh, đạt kết quả cao.
Nhờ kịp thời khôi phục giải bơi chải trong dịp hội làng hằng năm mà nay bơi chải đã trở thành “đặc sản” của thôn. Với những tay chèo lão luyện, đội tuyển liên tiếp đoạt giải cao ở các cuộc thi cấp tỉnh, cấp Trung ương.
Ở nhiều địa phương, giữ gìn vệ sinh môi trường là một việc khó, thì thôn Cậy lại chú ý đến tiêu chí này ngay từ cuối thập niên 90. Thời ấy, dù kinh doanh dịch vụ chưa phát triển nhưng làng đã có các đội thu gom rác. Đến nay, với đặc thù “phố trong làng”, ngoài thế mạnh về gốm, thôn Cậy phát triển mạnh các dịch vụ xay xát, kinh doanh vận tải, thương mại dịch vụ… Hộ kinh doanh nào cũng phải cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định bảo đảm vệ sinh môi trường.
Hiện tỷ lệ gia đình văn hóa của thôn Cậy đạt trên 90%. Đặc biệt, thôn đạt tiêu chí 5 năm liền an toàn về an ninh trật tự.
Với những thành tích ấy, đầu năm 2020, thôn là 1 trong 16 làng, KDC của tỉnh được công nhận làng, KDC đạt chuẩn văn hóa liên tục 5 năm (2015-2019), được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Ông Phạm Khắc Tuấn, Trưởng thôn Cậy cho biết: “Để thôn có diện mạo như hôm nay là kết quả của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Ban lãnh đạo thôn và nhân dân đã đoàn kết, phấn đấu bằng tất cả tinh thần, nguồn lực, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thôn”.
HUY AN