Năm nào cũng 98-99% tốt nghiệp thì thi làm gì?

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:47, 31/08/2020

Mỗi năm, cứ đến mùa thi tốt nghiệp THPT là cả xã hội lại bàn luận sôi nổi (và mất sức) về việc có nên tiếp tục kỳ thi này hay không khi kết quả đã biết trước: 98-99% học sinh đậu tốt nghiệp.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 (đợt 1) tại Hà Nội - Ảnh: MAI THƯƠNG

Năm nay, kỳ thi được tổ chức vào thời điểm đặc biệt - dịch COVID-19 và kết quả cũng kỷ lục: 98,34%, tăng gần 4% so với năm ngoái.

Khỏi phải nói kỳ thi tốt nghiệp này tốn kém như thế nào khi mỗi năm có gần một triệu thí sinh tham dự, kéo theo nó là việc ôn tập và chuẩn bị trong nhiều tháng trời của ngành giáo dục, thầy, trò và gia đình thí sinh. Sự tốn kém về thời gian, tiền bạc và sức lực này là nguyên nhân để những người phản đối kỳ thi này lên tiếng mỗi năm.

Trong khi đó, những người ủng hộ kỳ thi này, chủ yếu là những người làm trong ngành giáo dục, thường nhìn kỳ thi từ góc nhìn giáo dục khi cho rằng: Có học thì phải có thi. Không thi thì học sinh sẽ không học. Còn chuyện kỳ thi đó có cần thiết hay không thì... bàn sau.

Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ thi hay không lại do Bộ GD-ĐT quyết định, cơ sở cho các quyết định này không phải là chuyện kinh tế hay chuyện giáo dục, mà là Luật giáo dục và hệ thống các quy định, quy trình hành chính giáo dục hiện hành. Những điều này nhiều khi chẳng có liên hệ gì nhiều đến chuyện kinh tế hay chất lượng giáo dục, mà có thể đơn thuần chỉ là... đúng quy định.

Vì thế, bất chấp việc "đến kỳ lại kêu", kỳ thi vẫn diễn ra hằng năm.

Và để bù đắp phần nào chi phí tổ chức, kỳ thi này được khoác thêm một chức năng khác nữa: dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học. Nhưng ngay cả việc dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học này, đối với tôi cũng không thuyết phục. 

Tính chất của hai kỳ thi này khác hẳn nhau, việc thi đại học nên để các trường tự tổ chức. Chỉ bằng cách đó các trường mới chọn được học sinh phù hợp với trường mình.

Năm nay, do sự bùng phát của dịch COVID-19, những người phản đối kỳ thi này lại tràn trề hi vọng kỳ thi sẽ được hủy bỏ. Việc hủy bỏ này không chỉ đơn thuần căn cứ trên các phân tích về kinh tế như trước đây, mà còn có cơ sở khi cả nước đang ưu tiên chống dịch. 

Tôi cũng không ngoại lệ. Lý do là tôi thấy kỳ thi quá tốn kém mà không giải quyết được những vấn đề căn bản của giáo dục. Cá nhân tôi vẫn cho rằng nếu thi tốt nghiệp mà 98-99% đều đỗ như vậy thì không nên thi. Chỉ cần cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông là được. Còn việc thi tuyển đại học nên để các trường tự tổ chức.

Thực tế cho thấy do tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học đã bằng tổng học sinh lớp 12 nên các trường sẽ phải tự tổ chức tuyển sinh, thậm chí trước cả khi kỳ thi tốt nghiệp diễn ra. Và theo xu thế ấy, có thể dự đoán cuộc chạy đua tuyển sinh của các trường này sẽ ngày càng khốc liệt và ngày càng được đẩy sớm lên, có thể diễn ra ngay khi học sinh vừa vào lớp 10 hoặc 11, chứ không cần chờ đến lớp 12. 

Khi đó, không cần kết quả thi tốt nghiệp, các trường cũng sẽ phải tự chạy. Và nhờ việc cạnh tranh với nhau, tự lo tuyển sinh như thế, các trường đại học mới trở nên năng động và sáng tạo hơn.

Nói cách khác, việc "ốp" thêm chức năng xét tuyển đại học cho kỳ thi tốt nghiệp đối với tôi là khiên cưỡng và không cần thiết. Với việc tuyển sinh đại học, nếu để các trường tự làm, tôi tin sẽ tốt hơn và ít tiêu cực hơn rất nhiều.

Chúng ta hay nói về việc giáo dục kém chất lượng. Có rất nhiều nguyên nhân cần phải bàn về điều này. Nhưng trong lăng kính nhìn việc thi tốt nghiệp không thực sự làm cho việc học tốt lên thì có thể chính việc duy trì một kỳ thi hình thức, năm nào cũng kết quả như nhau, không loại trừ việc xảy ra thiếu trung thực và kém hiệu quả, là một trong những lý do làm giáo dục kém chất lượng.

Tôi cho rằng nếu cách thức tổ chức và kết quả thi vẫn cứ như hàng chục năm nay thì tốt nhất nên hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sẽ khó khăn và đột phá, song việc đổi mới giáo dục cũng cần sự đột phá như vậy.

Theo Tuoitre