Mỹ ''tuyên án tử hình'' Huawei, nền kinh tế Thâm Quyến sẽ lao đao
Bình luận - Ngày đăng : 16:20, 31/08/2020
Khi ông Nhậm Chính Phi thành lập Huawei Technologies tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến vào năm 1987, thành phố này đóng vai trò rất hạn chế trong nền kinh tế Trung Quốc, thua rất xa Hong Kong và các đô thị lớn khác. Hơn 30 năm sau, Thâm Quyến trở thành biểu tượng của "phép màu kinh tế Trung Quốc".
Tuy nhiên, khi kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đặc khu kinh tế vào cuối tháng 8, thành phố 13 triệu dân này đối mặt với tương lai ảm đạm. Mới đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cấm Huawei mua bán dẫn được làm từ thiết bị và phần mềm Mỹ từ tháng 9. Giới quan sát nhận định đây là "án tử hình" đối với Huawei ở thị trường quốc tế.
Theo South China Morning Post, nếu Huawei suy thoái hoặc chết yểu, nền kinh tế Thâm Quyến sẽ dính cú đòn nặng. Không chỉ vậy, niềm tin của giới đầu tư dành cho nền kinh tế và ngành công nghệ Trung Quốc cũng sẽ lao dốc nghiêm trọng.
Huawei đối mặt với "án tử hình" vì lệnh cấm của Mỹ. Ảnh: Reuters |
Cú sốc quá lớn
Chuyên gia Liu Kaiming, Giám đốc Viện Quan sát Đương đại ở Thâm Quyến, cho biết việc Huawei bị trừng phạt sẽ làm suy yếu toàn bộ chuỗi cung ứng điện tử của Trung Quốc.
"Không công ty nào tại Trung Quốc có thể thay thế Huawei để cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ trên thị trường toàn cầu. Nếu Huawei không chịu nổi lệnh trừng phạt của Mỹ thì không doanh nghiệp nào chịu nổi", ông nhấn mạnh.
Ông Liu cho rằng với nền kinh tế Thâm Quyến (vượt qua quy mô của nền kinh tế Hong Kong hồi năm ngoái), mất Huawei sẽ là cú sốc quá lớn. Đây là một trong những "viên ngọc" quý báu nhất của ngành công nghệ Thâm Quyến. Huawei đóng góp tới 7% tổng sản lượng kinh tế Thâm Quyến.
Năm 2016, Huawei là doanh nghiệp duy nhất đóng góp hơn 100 tỷ NDT (14,4 tỷ USD) vào nền kinh tế thành phố. Đó chỉ là đóng góp trực tiếp. Còn phải kể đến những ảnh hưởng gián tiếp của Huawei với nền kinh tế Thâm Quyến, bao gồm các nhà cung ứng và công ty dịch vụ từ nhà hàng đến hãng y tế.
Trụ sở Huawei Technologies ở Thâm Quyến. Ảnh: Getty Images |
Giai đoạn 2014-2016, Huawei đầu tư vào nghiên cứu phát triển ở Thâm Quyến nhiều hơn mọi doanh nghiệp khác, từ Tencent, DJI cho đến BYD. Năm 2018, Huawei quyết định xây một trụ sở mới ở thành phố Đông Hoản. Lập tức, cả Thâm Quyến chấn động.
Huawei giúp Thâm Quyến trở thành nơi thu hút nhân tài kỹ thuật hàng đầu Trung Quốc. Zhang Ji, 27 tuổi, vừa lấy bằng tiến sĩ ngành trí tuệ nhân tạo ở Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, được Huawei tuyển với mức lương khởi điểm 2 triệu NTD (291.000 USD) mỗi năm, cao gấp 10 lần mức lương trung bình của những người mới có bằng tiến sĩ. Huawei cũng là doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhất sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu tại Trung Quốc trong năm 2019.
Quốc tế không còn chào đón doanh nghiệp Trung Quốc
SCMP dẫn lời ông Peng Pen, PhóChủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Cải cách Hệ thống Quảng Đông, cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ đối với Huawei sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Đây là dấu hiệu cho thấy các tập đoàn Trung Quốc sẽ không còn được chào đón trên trường quốc tế như trước đây.
Chuyên gia Liu cũng đánh giá "cái chết" của Huawei sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Trung Quốc. Thời kỳ các doanh nghiệp Trung Quốc được coi là yếu tố quan trọng trong các chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu đã trôi qua. Ông dự báo nhiều công ty Trung Quốc có nguồn vốn nước ngoài đặt trụ sở ở Thâm Quyến sẽ rời đi.
"Các công ty điện tử có đầu tư nước ngoài thuộc ngành công nghệ cao, thiên về xuất khẩu. Việc nhóm doanh nghiệp này di dời sẽ tác động xấu đến cả Thâm Quyến và nền kinh tế Trung Quốc", ông Liu nhấn mạnh.
Đầu tháng 8, Catcher Technology - doanh nghiệp nhận đầu tư từ Đài Loan và là nhà cung ứng của Apple - tuyên bố sẽ bán toàn bộ cổ phần ở hai công ty địa phương cho Lens Technology với giá 1,43 tỷ USD. Hồi tháng 7, Wistron - cũng là nhà cung ứng của Apple - cho biết sẽ bán hai công ty con cho một doanh nghiệp địa phương.
Số phận của Huawei cho thấy doanh nghiệp Trung Quốc không còn được chào đón trên thị trường quốc tế. Ảnh: Reuters |
"Đầu thập niên 2000, các doanh nghiệp Mỹ yêu cầu nhà cung ứng Đài Loan và Hàn Quốc chuyển từ Đài Loan và Hàn Quốc sang Trung Quốc. Giờ cũng chính các công ty này yêu cầu nhà cung ứng rời bỏ Trung Quốc", ông nói.
Giới quan sát cho rằng ít nhất Huawei vẫn còn thị trường nội địa để cứu vãn tương lai. "Các công ty Trung Quốc như Huawei sẽ buộc phải rời bỏ thị trường Mỹ và châu Âu. Sẽ rất khó để dựa vào các thị trường này trong tương lai khi niềm tin không còn", ông Liu nói.
Theo Zing