Khó xử phạt hành vi ngoại tình
Tư vấn - Ngày đăng : 21:34, 31/08/2020
Từ ngày 1.9, Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã có hiệu lực. Điểm mới đáng chú ý của nghị định này là tăng gần gấp đôi mức xử phạt đối với hành vi ngoại tình so với quy định hiện hành.
Khoản 1, điều 59, Nghị định 82/2020 quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm một trong các hành vi đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ. Mức phạt với các hành vi trên theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP là từ 1-3 triệu đồng.
Hành vi ngoại tình nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc cả hai bên dẫn đến ly hôn, làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong 2 bên tự sát… thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 182, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chế tài xử lý hành vi này là vậy nhưng thực tế rất khó xử lý trường hợp vi phạm, nguyên nhân chủ yếu là khó xác minh căn cứ hành vi vi phạm.
Phát hiện chồng có quan hệ ngoài luồng với một người phụ nữ khác, chị H. ở xã Tân Hương (Ninh Giang) tìm mọi cách để khuyên can, níu kéo chồng chấm dứt mối quan hệ nhưng không có kết quả. Chồng chị vẫn qua lại với nhân tình. Chị H. đã định ly hôn nhưng lại nghĩ tới 2 con nên vẫn chấp nhận cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Người rơi vào hoàn cảnh như chị H. không phải là hiếm. Trong trường hợp này, chồng chị H. đã ngoại tình, không “chung sống như vợ chồng” mà chỉ lén lút qua lại với người khác. Hành vi này cũng để lại hậu quả không kém gì so với hành vi ngoại tình “chung sống như vợ chồng”. Những trường hợp này rất khó xử phạt vi phạm hành chính. Với những người là cán bộ, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước ngoại tình sẽ bị xử lý về mặt Đảng và chính quyền. Còn những người không phải cán bộ, viên chức thì rất khó xử lý.
Theo luật sư Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh, khoản 7, điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 định nghĩa “chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”. Thực tế, vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ về hành vi này như “tổ chức cuộc sống chung” là chung sống một cách toàn bộ, hay thỉnh thoảng chung sống. Hoặc chung sống là cùng nhau thực hiện những hành vi như thế nào, rồi “coi nhau là vợ chồng” thì cụ thể đối xử với nhau như thế nào?
Luật sư Trọng cho biết theo Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì "chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...”.
Mặc dù vậy, hiện nay Bộ luật Hình sự năm 1999 đã hết hiệu lực thi hành, được thay thế bằng Bộ luật Hình sự năm 2015. Thêm vào đó đây là góc nhìn của quan hệ pháp luật hình sự, không phải tính chất của quan hệ pháp luật hành chính như phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
Để bảo về các cuộc hôn nhân hợp pháp, cần nghiên cứu mở rộng phạm vi xử lý các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, không nên bó hẹp trong phạm vi "chung sống như vợ chồng" mới bị xử lý.
HN