Năm tháng không quên

Tin tức - Ngày đăng : 10:02, 02/09/2020

Trong Tổng khởi nghĩa năm 1945, đồng chí Nguyễn Văn Kha là Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Báo Hải Dương trân trọng trích đăng hồi ký của đồng chí Nguyễn Văn Kha về những ngày tháng tám hừng hực khí thế cách mạng ở Hải Dương cách đây 75 năm.


Tôi sinh năm 1922 ở tỉnh Hà Nam. Năm 1937, tôi lên Hà Nội học cao đẳng tiểu học Trường Thăng Long và gia nhập Đoàn Thanh niên dân chủ Hà Nội. Năm 1939, vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội (từ năm 1939-1942) và làm Bí thư Đoàn Thanh niên phản đế rồi Thanh niên Cứu quốc Trường Kỹ nghệ thực hành. Ngày 15.6.1941 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đầu tiên trong cuộc đời tôi. Tôi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1942, tôi bị Sở mật thám Bắc Kỳ bắt, rồi bị chính quyền thực dân Pháp kết án 15 năm tù và giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Chính trong ba năm ở nhà tù này, tôi đã được đào tạo thành chiến sĩ cộng sản.

Nhật đảo chính Pháp đêm 9.3.1945 thì đêm 11.3.1945 tôi và nhiều đồng chí vượt ngục Hỏa Lò, bắt được liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ. Tôi được phái đi hoạt động ở tỉnh Hải Dương. Anh Vũ Oanh đưa tôi về làng anh ở gần Kẻ Sặt (Bình Giang) gặp anh Vũ Duy Hiệu và hôm sau đưa tôi về tỉnh lỵ Hải Dương bắt liên lạc với anh Đỗ Văn Thanh.

Một tuần lễ sau, tôi chắp được mối với anh Nguyễn Công Hòa và anh Nguyễn Đình Văn ở Thanh Miện, anh Riệu, anh Huyến ở Tứ Kỳ, anh Điền ở Thanh Hà, anh Trần Cung ở Chí Linh, anh Hải Thanh ở Kinh Môn, anh Kiểm ở Vĩnh Bảo, anh Ba Béo ở Nam Sách và chị Ba Miễn ở Cẩm Giàng. Khoảng 25.3, tôi nhận được Chỉ thị của Thường vụ Trung ương “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Cuối tháng 3.1945, một cuộc họp bí mật được triệu tập tại một ngôi nhà phố Hàng Lọng, gồm các anh Vũ Duy Hiệu, Nguyễn Công Hòa, Trần Cung, Hải Thanh và tôi. Sau khi nghiên cứu Chỉ thị rất quan trọng nói trên, chúng tôi bàn làm thế nào để nhanh chóng phát triển các Hội Cứu quốc ở các phủ, huyện. Anh Hiệu nhận phụ trách ba huyện Chí Linh, Đông Triều và Kim Thành. Anh Hòa phụ trách huyện Thanh Miện. Tôi phụ trách các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang và TP Hải Dương. Chúng tôi tuyên bố thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Hải Dương do tôi làm Bí thư. Cuối tháng 4.1945, chúng tôi tổ chức cuộc họp có sự tham gia của đồng chí Trần Đức Thịnh, Xứ ủy viên được cử về để kiểm điểm, gây dựng phong trào lập Hội Cứu quốc. Chúng tôi thảo luận nhiều về việc phát triển Đảng, thành lập những chi bộ đầu tiên ở các phủ, huyện, thành phố. Đồng chí Trần Đức Thịnh tuyên bố công nhận và đổi Ban Cán sự thành Ban Tỉnh ủy, do tôi làm Bí thư (thành lập lại sau Ban Tỉnh ủy lâm thời 10.6.1940). Cuộc họp đã đề nghị lập Đệ tứ chiến khu (chiến khu Đông Triều) và được cấp trên chấp thuận.

Một sáng tháng 5, tôi xem báo “Đông Pháp” đăng tin quân Đức đầu hàng không điều kiện Hồng quân Liên Xô. Sau đó, Trung ương Đảng có chỉ thị cho các địa phương chuẩn bị khởi nghĩa khi thời cơ đến. Cuối tháng 5.1945, Tỉnh ủy họp tại một thôn ở huyện Tứ Kỳ, cách tỉnh lỵ 6 km, quyết định 4 việc quan trọng: Một là, phát triển rộng khắp các Hội Cứu quốc. Hai là, xúc tiến lập chiến khu Đông Triều, bao gồm huyện Đông Triều, huyện Chí Linh và phủ Kinh Môn. Ba là, các huyện phía nam tỉnh như Bình Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Ninh Giang, Vĩnh Bảo, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Hà... tùy điều kiện mà tổ chức tự vệ vũ trang, tước súng lính khố xanh huyện và huy động quần chúng phá kho thóc của Nhật để cứu đói. Bốn là, xúc tiến thành lập Huyện ủy.

Trong tháng 6.1945, Việt Minh ở một số huyện lãnh đạo nhân dân phá kho thóc của Nhật, chia cho dân nghèo. Tháng 7, Tỉnh ủy lại họp tại một thôn thuộc huyện Tứ Kỳ để duyệt lại công việc chuẩn bị khởi nghĩa và đặc biệt xem xét việc giành chính quyền ở TP Hải Dương. Đến lúc ấy, Việt Minh thành phố chắp nối được với Hai Lạng, viên quan hai chỉ huy Bảo an binh tỉnh, đã kiềm chế được lực lượng nhỏ thân Nhật và làm tan rã hoạt động tờ-rốt-kít nhỏ lẻ ở thành phố; cảnh sát thì tỏ ra trung lập; mật thám nằm yên, nghe ngóng thời cuộc. Ta cho người của ta là anh Bạch Năng Thi, một nhà giáo yêu nước, hội viên giáo giới cứu quốc đứng ra làm chủ tịch và anh Đỗ Văn Thanh, một đảng viên trẻ trung kiên, một thầy giáo có tín nhiệm đứng ra làm Tổng thư ký của Chi hội Thanh niên, để nắm tổ chức thanh niên công khai này.

Thành ủy Hải Dương do anh Đỗ Văn Thanh làm bí thư đã phân công những đảng viên dũng cảm và có năng lực khi nổ ra khởi nghĩa có trách nhiệm đến sở kho bạc tịch thu tiền, đến tòa đốc lý, dinh tỉnh trưởng, sở mật thám, sở cảnh sát tịch thu con dấu, treo cờ Việt Minh. Tôi cũng đã rà soát lại những đồng chí bí thư huyện ủy có năng lực thuộc những huyện ở gần thành phố để giao nhiệm vụ huy động quần chúng và tự vệ vũ trang kéo về hỗ trợ thành phố khi có lệnh, đặc biệt là đồng chí Đặng Tính, Bí thư Huyện ủy Chí Linh.

Đến giữa tháng 8.1945, Tỉnh ủy đang họp ở một thôn thuộc huyện Thanh Miện, thì trưa 17.8, nghe tin quân Nhật đầu hàng Hồng quân Liên Xô và quân đồng minh. Chúng tôi bàn vắn tắt một số việc phải làm ngay rồi mọi người ra về để chỉ đạo khởi nghĩa ở các huyện mình phụ trách. Những ngày này, tổ chức Chi hội Thanh niên thân Nhật ở TP Hải Dương định tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng, ta liền bố trí lực lượng biến thành cuộc tập hợp lực lượng quần chúng, để khoảng bốn trăm người tuyên truyền Việt Minh đánh đổ chính quyền thân Nhật. Với khí thế cách mạng sục sôi, chúng tôi đã cho người đến sở mật thám, sở cảnh sát, dinh tỉnh trưởng, tòa đốc lý cắm cờ Việt Minh, tịch thu con dấu, tuyên truyền giải tán chính quyền của Nhật... Câu lạc bộ bờ sông biến thành đại bản doanh của Thành bộ và Tỉnh bộ Việt Minh. Cả ngày 18.8, Thành bộ Việt Minh, có đủ các giới cứu quốc, đã bàn việc thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời thành phố do anh Bạch Năng Thi làm Chủ tịch.

Ngày 20 và 21.8, Tỉnh ủy họp mở rộng, có các đồng chí phụ trách huyện để bàn việc thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh và các huyện. Chúng tôi nhất trí nguyên tắc là chính quyền cách mạng của Việt Minh phải tiêu biểu cho khối đoàn kết rộng rãi, vừa có đảng viên cộng sản có năng lực và tín nhiệm làm nòng cốt, vừa có nhân sĩ, trí thức yêu nước tiêu biểu. Hội nghị đã chọn anh Vũ Duy Hiệu làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Hải Dương và 9 thành viên khác của Ủy ban, trong đó có 4 vị nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng.

Ngày 25.8.1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh ra mắt trước 5 vạn người trong một cuộc mít tinh gồm đông đảo quần chúng từ tất cả các phủ, huyện kéo về thành phố trong rừng cờ đỏ sao vàng để ủng hộ chính quyền cách mạng, ủng hộ Việt Minh. Những ngày cuối tháng 8.1945 thật là vô cùng hào hứng. Chúng tôi lần lượt trao đổi với các bí thư huyện ủy về nhân sự chủ chốt trong Ủy ban Cách mạng lâm thời các huyện. Sau đó, phân công nhau đi các huyện kiểm tra việc thành lập chính quyền cách mạng ở huyện và một số xã trọng yếu, rồi chia nhau đi đôn đốc việc đắp đê chống lụt, sản xuất cứu đói.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân đã diễn ra như thế. Cách mạng là ngày hội của quần chúng. Một ngày bằng 20 năm.

Tôi làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đến tháng 8.1946 thì Xứ ủy Bắc Kỳ điều động tôi đi làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 2.1947, Trung ương Đảng điều tôi lên Việt Bắc.

Từ những ngày tháng 8.1945 cho đến nay, hình ảnh Hải Dương vùng lên khởi nghĩa vẫn ở trong trái tim tôi. Hải Dương mãi mãi là quê hương thứ hai của tôi.

Đồng chí Nguyễn Văn Kha (1922-2018) tên thật là Nguyễn Văn Trủy, tham gia hoạt động cách mạng năm 1938; nguyên: Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim (nay là Bộ Công thương); đại biểu Quốc hội khóa VII; Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phó Ban Cơ khí Trung ương; Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước.