Chờ ngày sum họp
Đời sống - Ngày đăng : 12:31, 02/09/2020
Sáng sớm, bà Thoa lại gần cuốn lịch treo tường, lật giở từng tờ rồi bấm đốt ngón tay nhẩm tính, tự nói một mình: “Tết Độc lập năm nay vào thứ tư, có khi nhà mình tổ chức liên hoan vào cuối tuần cho thoải mái”. Bà quay sang ông Lãm đang ngồi nhâm nhi tách trà nóng trên phản, hồ hởi: “Ông này! Tôi tính thịt mấy con gà già cho con cháu chế biến các món, quá lứa rồi, để vợ chồng mình gây lứa khác”. Ông Lãm gật gù: “Phải đấy, lâu lắm rồi nhà mình chưa sum họp. Tôi nhớ bọn trẻ quá! Dịch Covid-19 được kiểm soát rồi. Để tôi gọi điện cho các con”.
Hai người con trai của ông bà đều công tác và định cư trên thành phố nên cuối tuần nào cũng cho các cháu về chơi với ông bà nội. Cả đại gia đình quây quần, sum họp hai mâm đông đủ rất vui. Nhưng từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì toàn thành phố phải cách ly ở mức độ cao, các con, các cháu không thể về quê thăm ông bà. Dịp lễ này, ông bà càng mong mỏi. Nói là làm, ông Lãm rút chiếc điện thoại “cục gạch” mà con trai cả sắm cho, bấm gọi. Cô con dâu cả nghe máy, lưỡng lự: “Chúng con chưa thể về quê dịp này được đâu bố ạ! Con đang thuộc diện F3, phải tự cách ly ở nhà cho an toàn. Bố mẹ thông cảm cho chúng con”. Ông Lãm cau mày: “F3, F4 thì sợ cái gì? Cứ về nhà liên hoan nhé!”. Chưa đợi con dâu trình bày nốt, ông Lãm tắt phụt máy, gọi tiếp cho con trai út: “Cả nhà về quê nhá, ông bà thịt gà đấy”. Anh con trai út giãy nảy: “Bố mẹ đợi thêm ít ngày nữa. Chúng con vẫn chưa dám đi lại. Vợ con làm ở chốt kiểm dịch nên vẫn trong thời gian cách ly”. Ông Lãm quả quyết: “Thế thì ba bố con đưa nhau về! Ông bà nhớ chúng nó lắm”. Ông Lãm không để con trai nói nốt, tính ông có phần gia trưởng, đã quyết việc gì là phải làm bằng được. Cũng vì tính cách ấy của bố mà khi lập gia đình, không người con nào muốn sống chung với ông bà. Các anh xin ra ở riêng, dù mấy năm đầu phải thuê nhà ở thành phố nhưng tránh được va chạm, mâu thuẫn giữa các thế hệ. Cuối tuần gia đình gặp nhau, ăn uống, vui vẻ, lòng ai cũng thoải mái.
Như kế hoạch đã dự tính, ông Lãm bắt hai con gà to nhất đàn đem thịt. Bà Thoa đeo khẩu trang, xách làn đi chợ mua sắm để làm mâm cơm liên hoan. Bà còn mua thêm rất nhiều đồ ăn vặt cho các cháu: từ bim bim, quẩy đến sữa chua, trái cây. Ông bà hì hụi chế biến, nấu nướng. Vừa đứng bếp, ông Lãm vừa lầm rầm: “Bây giờ chắc gì nhà chúng nó đã ngủ dậy. Hai thân già này thì lao đầu vào bếp, bọn trẻ chỉ việc ăn uống, hưởng thụ thôi. Đoảng quá!”. Bà Thoa bắc nồi xôi lên bếp xong, xua tay: “Thôi! Ông đừng than thở nữa. Bây giờ tôi chỉ mong chúng nó về ăn cho là tốt lắm rồi. Mình nghỉ hưu nhàn rỗi, các con đi làm bận rộn, ông trách chúng nó làm chi”.
Nấu nướng, bày biện xong xuôi, hai mâm cơm được dọn ra đầy ắp thức ăn thơm lừng, nóng hổi mà chưa thấy bóng dáng con cháu đâu. Ông Lãm ngấp nghé nhìn ra cổng ngóng. Bà Thoa lau dọn phòng bếp tinh tươm, sốt ruột, giục chồng: “Ông bấm điện thoại gọi cho các con xem nào. Sao chúng nó về muộn thế. Cơm canh nguội hết bây giờ”. Ông Lãm cau mày, bấm điện thoại cho con trai lớn, giọng to đến nỗi hàng xóm cũng nghe thấy: “Anh chị có cho con về ăn cơm không thì bảo? Chúng tôi nấu xong bày sẵn ra rồi”. Không biết anh con con trai lớn nói gì mà ông Lãm tắt phụt máy, gọi tiếp cho con trai út: “Cơm nước xong hết rồi. Ba bố con anh có về ngay không?”. Mặt ông đỏ rần lên vì tức giận. Bà Thoa hiểu tính chồng nên lại gần xoa dịu: “Có chuyện gì thì ông cứ bình tĩnh bảo ban các con. Ông nói to thế, hàng xóm tưởng nhà mình có chuyện gì. Huyết áp của ông mà bốc lên thì không tốt đâu”. Ông Lãm ngồi phịch xuống ghế, thừ người ra: “Mất công ông bà già này nấu nấu nướng nướng. Chúng nó bảo không về được, sợ Covid lắm, phải giữ an toàn cho bố mẹ già, ý là hôm trước tôi gọi điện nó đã nói thế rồi mà mình không nghe. Bực thật!”. Bà Thoa bê cốc nước cho chồng, xoa dịu: “Thôi! Đằng nào cũng nấu rồi, để tôi bê cho hàng xóm. Ông cũng phải rút kinh nghiệm, phải lắng nghe các con, đừng áp đặt quá. Chẳng qua chúng nó lo cho bố mẹ già thôi. Dịch bệnh sắp được đẩy lùi rồi. Khi ấy gia đình ta lại sum họp, ông ạ!”.
Ông Lãm uống xong cốc nước, dịu giọng: “Bà nói phải đấy. Xưa nay tôi vẫn nghĩ mình nói gì thì con cái phải nghe răm rắp, đã quyết là làm. Lần này tôi nghe bà và thấy các con có lý. Cứ cẩn thận, phòng bệnh là hơn. Nhà mình hoãn liên hoan, chờ ít ngày nữa rồi sum họp bà nhé!”.
TRẦN THỊ LÀNH