Mai một làng nghề chiếu cói Tiên Kiều
Kinh tế - Ngày đăng : 18:15, 02/09/2020
Người dân Tiên Kiều vẫn đang trăn trở giữ nghề
Nức tiếng một thời
Nói đến chiếu cói Tiên Kiều, người ta thường nghĩ đến những chiếc chiếu vừa đẹp, vừa bền được làm từ bàn tay khéo léo của người làng Tiên Kiều. Trước kia, cả thôn làm chiếu, nhà nhà làm chiếu, nhiều người ở thôn bên, xã bên cũng sang mua nguyên liệu về làm.
Theo các bậc cao niên của làng Tiên Kiều, nghề làm chiếu cói đã xuất hiện ở nơi đây từ nhiều đời nay. Thanh Hồng vốn là vùng quê chiêm trũng, rất phù hợp với sự phát triển của cây cói. Những năm trước đây, Thanh Hồng được xem là trung tâm chiếu cói của cả vùng, mỗi ngày có hàng trăm thương lái từ các nơi đổ về thu mua chiếu. Chiếc chiếu cói không chỉ là vật dụng thiết yếu, gắn bó với mỗi gia đình mà nó còn trở thành món quà tặng quý giá được gửi đi muôn nơi.
Ông Đào Văn Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hồng cho biết: "Thời kỳ cao điểm, cả xã có tới hàng nghìn go dệt, với khoảng 2.000 lao động làm công việc này. Tranh thủ những lúc nông nhàn, 2/3 số hộ trong xã đều tham gia làm chiếu. Khu vực chợ Bầu trước đây được coi là chợ chiếu của cả vùng, người mua kẻ bán vô cùng nhộn nhịp. Nhưng giờ đây, do tác động của kinh tế thị trường, nhu cầu sử dụng chiếu cói ít đi, nên những hình ảnh đó chỉ còn trong ký ức".
Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ ở thôn Tiên Kiều là một trong số ít hộ vẫn còn giữ nghề dệt chiếu
Ngày càng ít người làm
Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ ở thôn Tiên Kiều là một trong số ít hộ vẫn còn giữ nghề dệt chiếu từ nhiều đời nay. Gia đình bà trước đây có gần 1 mẫu trồng cói và nghề dệt chiếu được xem là thu nhập chính của cả gia đình. Tuy nhiên đến nay, khi nhu cầu của thị trường giảm mạnh, thu nhập từ nghề thấp, nên các thành viên trong gia đình đã đi làm những công việc khác cho thu nhập cao hơn, chỉ còn vợ chồng bà vẫn bám giữ nghề dệt chiếu của cha ông. Toàn bộ diện tích trồng cói trước kia của gia đình đã được chuyển sang trồng cây ăn quả. Bà Huệ chỉ nhập một lượng nhỏ nguyên liệu từ nơi khác về để làm cho những khách hàng có nhu cầu.
Bà Huệ nói: “Hiện nay già trẻ, trai gái trong làng đi làm ở các công ty, xí nghiệp cho thu nhập cao hơn. Bản thân tôi sức khỏe không đảm bảo nên vẫn cố bám nghề, chủ yếu là lấy công làm lãi mỗi tháng thu nhập cũng chỉ được từ 1,5 đến 2 triệu đồng.”
Theo tính toán của người làng chiếu Tiên Kiều, trừ mọi chi phí, mỗi ngày người làm chiếu thu về từ 50 đến 70 nghìn đồng. Đây là mức thu nhập quá thấp, để người yêu nghề có thể sống được với nghề.
Cũng giống như bà Huệ, bà Phạm Thị Minh, một trong những người vẫn còn giữ nghề dệt chiếu ở thôn Tiên Kiều cho biết: “Trước đây, trong một ngày tôi có thể dệt được 3 đôi chiếu. Nếu như nghề dệt chiếu mà cho thu nhập ổn định thì người dân chúng tôi cũng rất muốn gắn bó với nghề truyền thống này của cha ông".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những nguyên nhân chính khiến làng nghề chiếu cói ngày càng mai một là do diện tích trồng cói bị thu hẹp và thay vào đó nhường chỗ cho cây vải, cây bưởi đào. Chiếu cói bị canh tranh bởi chiếu gỗ, chiếu nhựa. Xu hướng lớp thanh niên trẻ không theo nghề truyền thống, mà vào làm tại các công ty, xí nghiệp cho thu nhập cao và ổn định hơn làm chiếu.
Ông Trịnh Xuân Dung, trưởng thôn Tiên Kiều chia sẻ: “Hiện nay, muốn khôi phục lại làng nghề truyền thống này thì phải có một hướng đi mới, có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc tiêu thụ sản phẩm của người dân. Khi có thị trường ổn định, sẽ tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho mọi người, từ đó giúp tăng thêm thu nhập cho từng gia đình, để họ gắn bó với nghề, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.”
Làng nghề không còn sôi động như xưa, go dệt được xếp gọn một góc. Trước nguy cơ mai một, người làng nghề chiếu cói Tiên Kiều vẫn hy vọng vào một ngày hồi sinh để người yêu nghề được sống với nghề truyền thống.
ĐỨC ANH