Đam mê vẽ tranh Bác Hồ

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 09:01, 03/09/2020

Họa sĩ Đỗ Chuyển chia sẻ để có thể vẽ về Bác một cách chân thực nhất, ông đã nghiên cứu, sưu tầm nhiều tư liệu về Người, đặc biệt là tìm hiểu sâu về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.


Bức tranh Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới được họa sĩ Đỗ Văn Chuyển rất tâm đắc

Sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên và có nhiều năm làm việc ở Hải Dương, họa sĩ Đỗ Chuyển đã nuôi dưỡng niềm đam mê, năng khiếu hội họa ngay từ khi còn nhỏ. Ông vẽ nhiều dòng tranh khác nhau, nhưng tranh vẽ về Bác Hồ chiếm vị trí đặc biệt trong các sáng tác của ông.

Bức vẽ đầu tiên về Bác

Họa sĩ Đỗ Chuyển (sinh năm 1951) không nhớ chính xác đã vẽ bao nhiêu tác phẩm về Bác, nhưng ước chừng cũng phải hàng trăm. Ông nhớ nhất bức tranh đầu tiên vẽ về Bác là sử dụng chất liệu màu nước vẽ trên giấy troki khổ A0, sau đó được UBND huyện Yên Mỹ treo trong buổi mít tinh để chào mừng ngày ký hiệp định Paris năm 1973. “Khi tranh được UBND huyện chọn để treo tôi mừng lắm. Bức tranh đó đã trở thành động lực giúp tôi bắt đầu tìm hiểu và sáng tạo các tác phẩm về Người sau này”, ông nói. 

Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), trong gia đình truyền thống làm ngành văn hóa đã nuôi dưỡng niềm đam mê hội họa của ông. Đặc biệt, những năm 1968-1975, bố ông làm Trưởng Phòng Văn hóa huyện Yên Mỹ nên ông khá may mắn khi được gặp, quen biết nhiều họa sĩ, qua đó thẩm thấu được nhiều kiến thức hội họa, giúp ông dần đi sâu vào con đường nghệ thuật.

Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Thể dục - Nhạc họa Trung ương, năm 1979 ông về dạy mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Hưng. Năm 1980, ông tiếp tục theo học Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Dù công việc giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Hưng và sau này là Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (nay là Trường Cao đẳng Hải Dương) rất bận nhưng ông vẫn dành thời gian sáng tác, nhất là đề tài về Bác.

Ông còn nhớ năm 2002, bức tranh Bác đi chiến dịch Biên giới của ông được trưng bày tại một cuộc triển lãm của tỉnh. Khi xem bức tranh của ông, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Kim Ngân (nay là Chủ tịch Quốc hội) rất thích và khen ngợi. Bức vẽ khổ lớn, dài 2 m, đã được triển lãm trong tỉnh và khu vực. 

Giai đoạn 1985-1990, những bức vẽ về Bác của ông được treo ở nhiều trường, bưu điện, nhà máy, xí nghiệp... trong tỉnh Hải Hưng. 

Vẽ Bác bằng lòng kính yêu

Họa sĩ Đỗ Chuyển chia sẻ để có thể vẽ về Bác một cách chân thực nhất, ông đã nghiên cứu, sưu tầm nhiều tư liệu về Người, đặc biệt là tìm hiểu sâu về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Năm 2001, họa sĩ vẽ bức tranh Bác làm việc ở Việt Bắc. Tranh này được triển lãm tại TP Hải Phòng và là một trong những bức tranh ông tâm huyết nhất bởi bối cảnh ở Việt Bắc giúp ông thỏa sức sáng tạo về Bác. 

Họa sĩ Đỗ Chuyển cho biết: “Tôi vẽ Bác bằng lòng thành kính bởi Người đã dành cả cuộc đời cho dân tộc. Bác không có gì cho riêng mình. Vì vậy, tôi đã bỏ ra nhiều thời gian để thể hiện được thần thái của Bác trong bức tranh”.

Với họa sĩ Đỗ Chuyển, vẽ Bác khó nhất là đôi mắt vì đôi mắt của Bác như biết nói. Khi vẽ Bác đứng trước vận mệnh dân tộc, đôi mắt Bác như có lửa, lúc Bác đi thăm bộ đội, nhân dân thì đôi mắt hiền từ, bao dung. Ông rút ra một điều là vẽ giống Bác không khó nhưng thể hiện thần thái của Bác mới khó.

Ông đã thành công ở nhiều chất liệu khác nhau nhưng thích nhất vẫn là vẽ Bác bằng sơn dầu. Theo ông, chỉ có sơn dầu mới thoải mái diễn tả được đặc điểm cũng như thần thái của Bác. Các chất liệu khác như bột màu, acrylic rất hạn chế khi muốn "đẩy" sâu tranh, nhất là vầng trán và đôi mắt Bác.

Năm 2009, ông về nghỉ chế độ tại quê nhà ở thị trấn Yên Mỹ nhưng vẫn sáng tác tranh cho Ban Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam phục vụ các triển lãm.

Tranh vẽ về Bác Hồ của ông được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đặt hàng. Ông rất vui vì những bức tranh ông vẽ đều được mọi người trân trọng và đón nhận.  

Họa sĩ Đỗ Chuyển đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng, nhiều bức tranh được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đặt hàng...

 THẾ ANH