Chứng khoán vượt 900 điểm: Lực đẩy nghìn tỷ, vượt ngưỡng kỳ vọng, chờ thời bứt phá
Thị trường - Ngày đăng : 05:40, 04/09/2020
Dồn dập bứt phá
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục bứt phá đi lên với chỉ số VN-Index lần đầu tiên trong 6 tháng lấy lại ngưỡng 900 điểm. Thanh khoản trên thị trường gần đây ở mức cao, quanh mức 6.000-8.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Như vậy, VN-Index chính thức lấy lại mốc 900 điểm sau khi để mất mốc này hồi cuối tháng 2. Đà tăng của sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong phiên giao dịch 3.9 mang đậm dấu ấn của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và bất động sản. Khối ngoại mua ròng hơn 400 tỷ đồng.
Thị trường duy trì sự hưng phấn sau ngày nghỉ Lễ 2.9 và đi lên nhờ nhóm cổ phiếu large cap, đáng chú ý là Vingroup (VIC), Vinhomes, Vincom Retail của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Trong nhóm ngân hàng, Vietcombank có mức tăng ấn tượng hơn 3,6%, trong khi HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng gần 4,6%. Đây là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng đáng kể trong phiên ngày 3.9. HDBank ghi nhận lợi nhuận 6 tháng tăng mạnh và sức khỏe tài chính tăng cao. Cổ phiếu Sacombank, ACB… cũng tăng ấn tượng.
Hai cổ phiếu thép đầu ngành Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long và Tôn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ tăng mạnh. Cổ phiếu Gelex tăng trần với khối lượng giao dịch tăng đột biến. Nhóm cổ phiếu ngành xây dựng, chứng khoán… cũng khởi sắc.
Tính từ đáy 23.3, chỉ số VN-Index đã tăng gần 38%. Vốn hóa thị trường chứng khoán tăng thêm vài chục tỷ USD.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, thị trường chứng khoán tăng liên tục trong những phiên gần đây và vượt ngưỡng 900 điểm nhờ nhiều yếu tố. Đó là sự hưởng lợi từ thời kỳ tiền giá rẻ, easy monney, một thời kỳ mà các loại tài sản như cổ phiếu sẽ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư vì đặc tính biến động mạnh và thanh khoản cao.
Cũng theo ông Huỳnh Minh Tuấn, chứng khoán Việt lên giá nhờ điểm rơi vaccine phòng Covid-19 ngày càng gần. Nhiều khả năng trong quý IV, thế giới sẽ chứng kiến nhiều loại vaccine uy tín được Mỹ và châu Âu đưa vào sản xuất.
Các chính sách hỗ trợ, sáng tạo và thích nghi tầm cấp chính phủ của Việt Nam cũng tạo ra kỳ vọng mới cho nền kinh tế trong nước.
Như vậy, trái với nỗi lo ngại thị trường chứng khoán không phản ánh giá trị thực của nền kinh tế, dòng tiền vẫn tiếp tục chọn chứng khoán làm chỗ trú ẩn. Chứng khoán tiếp tục đi lên và được dự báo có thể còn tăng tiếp.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, chỉ số chứng khoán VN-Index sẽ tăng lên vùng 900 - 920 điểm ngay trong tháng 9 khi tình hình dịch bệnh tạm thời được kiểm soát ở các ổ dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam và Hưng Yên. Các chính sách kích thích kinh tế như gia tăng đầu tư công đóng vai trò quan trọng hỗ trợ các nhóm ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, gồm thép, xi măng, đá,... phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm.
Dòng tiền tiếp tục đổ vào chứng khoán.
Triển vọng kinh tế tích cực
Theo dự báo của ông Huỳnh Minh Tuấn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể sẽ suy giảm mạnh trong năm nay, chỉ đạt khoảng 2-3% nhưng nội lực tốt để năm sau tăng trưởng tốt, có thể lên tới trên 8%. Thị trường chứng khoán có khả năng sẽ về mốc 1.000 điểm trong năm 2020, tương đương mức định giá khoảng 16 lần thu nhập của thị trường.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) cũng cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng tiếp trong thời gian tới nhờ dòng tiền mới và sẽ khởi sắc trong năm 2021.
Các nhóm ngành có triển vọng tốt bao gồm: nhóm bất động sản khu công nghiệp, nhóm hết room ngoại, nhóm turnaround (nhóm hồi phục nhanh sau suy thoái), nhóm hưởng lợi từ chính sách như hạ tầng…
Trên thực tế, cùng với Thông tư 08, các nỗ lực gần đây của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm chi phí vốn, thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng M2 và tín dụng bắt đầu phát huy hiệu quả. Đây là yếu tố tích cực đối với thị trường chứng khoán.
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ sớm hồi phục sau đại dịch. Theo Asia Times, các chuyên gia lạc quan về nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), mới có hiệu lực gần đây, sẽ thu hút đầu tư nước ngoài và một số công ty châu Âu sẽ thiết lập hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Trước đó, HSBC đưa ra dự báo cho rằng Việt Nam sẽ là quốc gia ASEAN duy nhất tăng trưởng dương năm nay và bứt lên 8,5% trong năm 2021 nhờ triển vọng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tích cực, khả năng kiểm soát ấn tượng trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và nỗ lực đầu tư, cải cách chính sách, tăng giới hạn sở hữu nước ngoài... HSBC dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2020.
Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG, Intel…
Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam thuộc nhóm mới nổi thành công nhất trên thế giới. Việt Nam có nhiều lợi thế để thoát khỏi "Bẫy kinh tế Covid-19".
Dù vậy, trên thị trường chứng khoán, tâm lý thận trọng vẫn còn. Nhiều nhà đầu tư quan tâm tới rủi ro điều chỉnh kỹ thuật bởi Covid-19. Hiện, dịch Covid chưa biến mất ở Việt Nam và thế giới và tiềm ẩn những đợt bùng phát mới trong tương lai.
VN-Index được dự báo sẽ rung lắc đáng kể quanh mốc kháng cự 900 khi thị trường đã tăng nhanh trong tháng 8 và kéo theo áp lực chốt lời. Gần đây, hoạt động bán ròng của khối ngoại gia tăng, gây áp lực cho VN-Index có thể tiến xa hơn.
Theo VietNamNet