Nhật Bản: Đã khép lại một triều đại?
Tin tức - Ngày đăng : 10:46, 05/09/2020
Ông Abe từ chức sau khi kiệt sức vì chuỗi ngày làm việc liên tục để đối phó với dịch Covid-19, xử lý các hậu quả do lũ lụt gây ra tại nhiều vùng của đất nước
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe 65 tuổi đột ngột tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe bằng câu nói nổi tiếng “Không nên để tình trạng sức khỏe kém của tôi dẫn đến những quyết định chính trị sai lầm” khiến không chỉ dư luận Nhật Bản mà cả khu vực và thế giới bất ngờ. Các thành tựu về chính sách đối nội, đối ngoại của ông Abe liệu có được người kế nhiệm duy trì hay thay đổi?
Shinzo Abe – người cầm quyền lâu nhất…
Ông Shinzo Abe sinh năm 1955 là thủ tướng Nhật trẻ nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, ông được dư luận Nhật Bản coi là dòng dõi chính trị gia thuần túy. Ông nội của Abe là Kishi Nobusuke thủ tướng Nhật Bản cuối những năm 50, chú ruột ông cũng là một nhà lãnh đạo Nhật trong 8 năm, cha đẻ của ông là Bộ trưởng ngoại giao và cũng có tranh cử thủ tướng nhưng không thành công. Tại Nhật Bản sau một thời gian ngắn bất ổn chính trị với 6 thủ tướng bị thay thế trong 6 năm (ông Abe làm thủ tướng lần đầu 1 năm sau đó từ chức vì lý do bệnh đường ruột để lại nhiều bất ngờ và tiếc nuối trên chính trường Nhật Bản). Nhật Bản bước vào thời kỳ ổn định chính trị khi ông Abe nhậm chức thủ tướng lần thứ 2 vào cuối năm 2012. Ông Abe đã nắm quyền trong 8 năm liên tục và trở thành vị thủ tướng có thời gian tại nhiệm lâu nhất tại Nhật Bản, vượt qua kỷ lục thủ tướng Esisaku Sato, người giữ chức thủ tướng trong 2.798 ngày liên tục (từ ngày 9.11.1964 - 7.7.1972). Trong thời gian tại nhiệm (thủ tướng lần 2), ông Abe phải đối phó với hàng loạt vấn đề quan trọng như nỗ lực phục hồi kinh tế sau trận động đất – sóng thần và thảm họa hạt nhân tàn khốc, đồng thời uyển chuyển ứng phó với các diễn biến không thuận của tình hình quốc tế nhất là với đồng minh thân cận nhất – nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Nhiệm kỳ của ông Abe gián đoạn khi các nguồn tin từ nội bộ đảng Dân chủ tự do cầm quyền (LDP) cho biết rằng ông Abe đã làm việc liên tục 170 ngày kể từ cuối tháng 1 đến tháng 6, chỉ nghỉ 3 ngày 23-25-26 tháng 7 trước kỳ nghỉ hè vừa qua và ông đã kiệt sức khi vừa tập trung đối phó với dịch Covid-19, vừa xử lý các hậu quả do lũ lụt gây ra tại nhiều vùng của đất nước. Trong cuộc họp báo thường kì ngày 28.8.2020, ông Abe nói: “Tôi xin lỗi từ tận đáy lòng mình rằng dù được sự ủng hộ của người dân Nhật Bản, nhưng tôi vẫn quyết định từ chức dù vẫn còn một năm nhiệm kỳ. Tôi không thể làm thủ tướng nếu tôi không thể không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân. Tôi quyết định từ chức.”
…và những thành tựu
Trong thời gian cầm quyền, thành tích nổi bật nhất của ông Abe về các chính sách đối nội – đối ngoại được người dân và chính giới ghi nhận nhưng cũng nhiều ý kiến chỉ trích âu cũng là lẽ thường tình:
Về đối nội: Chính sách kinh tế được gọi là Abenomics, một chiến lược kinh tế bao gồm sự kết hợp giữa nới lỏng định lượng, kích thích tài khóa thông qua chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới thoát khỏi vòng xoáy giảm phát để tăng trưởng liên tục trong 71 tháng, tỷ lệ thất nghiệp giảm thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Đặc biệt chỉ số thị trường chứng khoán Nikkei 225 đã tăng gấp đôi từ 10.000 điểm vào tháng 12.2012 lên hơn 20.000 điểm, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư. Ông Abe đã vượt qua nhiều cuộc bỏ phiếu tín nhiệm – giữ được vị thế của đảng cầm quyền. Mặc dù ông chưa thể sửa đổi điều 9 của hiến pháp (điều mà các thủ tướng đương nhiệm đều muốn làm nhưng không dám) nhưng ông đã thông qua được luật an ninh (năm 2015 gây tranh cãi) cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các nhiệm vụ ở nước ngoài cùng với các đồng minh. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong chính sách an ninh của Nhật Bản thời hậu chiến. Ông cũng mạnh dạn trao quyền cho phụ nữ (tỷ lệ lao động nữ vượt cả Mỹ và châu Âu) cải cách lao động, trợ cấp xã hội, minh bạch về giới… Ông Abe cũng nhận nhiều chỉ trích về việc hai lần tăng thuế tiêu dùng vào năm 2014 và 2019 bị cho là ảnh hưởng đến sức tiêu dùng nội địa. Đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát, ông bị chỉ trích đã không có những phản ứng kịp thời (có tới 58,4% người được hỏi thái độ không hài lòng)
Về chính sách đối ngoại: Nổi bật về chính sách đối ngoại của “thời đại Abe” là việc củng cố mối quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) các cuộc đối thoại ASEAN+1 (giữa ASEAN và Nhật Bản) đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của Nhật Bản đối với khu vực. Ông Abe thành công trong việc giữ và gắn kết chặt chẽ với các đồng minh thân cận của Mỹ cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump giảm quân số đồn trú tại Nhật để yêu cầu Nhật Bản chia sẻ gánh nặng tài chính. Quan hệ với đối tác Ấn Độ được đẩy lên cao tới mức đồng minh và giữ mối cân bằng với Trung Quốc. Những lời chỉ trích về đối ngoại của ông Abe tập trung vào mối quan hệ với nước Nga. Với Nga, mặc dù ông đã có 20 lần gặp Tổng thống Nga Putin nhưng chuyện “lãnh thổ phương Bắc” chưa thể giải quyết và chắc chắn vấn đề này còn lâu mới giải quyết được. Ông Abe cũng chưa thực hiện được lời hứa với người dân Nhật Bản về vấn đề Triều Tiên bắt các công dân Nhật Bản năm 1970. Quan hệ với Triều Tiên vẫn đang đóng băng và thêm vấn đề tranh chấp thương mại với Hàn Quốc và những vấn đề liên quan tới thời kỳ chiến tranh.
Đối với Việt Nam: Dưới thời Thủ tướng Abe, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiện, Nhật Bản là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, là đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam và là nước tài trợ ODA lớn cho Việt Nam. Và đúng như Giáo sư Rajaram Pancha nguyên là nghiên cứu viện cao cấp Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng IDSA (Ấn Độ) nhận xét rất đúng rằng: Dưới thời Thủ tướng Abe “quan hệ Nhật Bản – Việt Nam đã được đẩy lên hàng đầu”.
Chính sách của Nhật Bản không thay đổi
Tại Nhật Bản hiện đang diễn ra cuộc đua vào chức Chủ tịch đảng cầm quyền LDP để sau đó Quốc hội bầu làm thủ tướng (đến hết nhiệm kỳ) câu hỏi lớn được đặt ra là liệu các chính sách đối nội – đối ngoại của Nhật Bản có “bị” vị thủ tướng mới thay đổi hay điều chỉnh khác đi? Câu trả lời là: Không có sự thay đổi về chính sách đối ngoại đặc biệt là đối với Mỹ. Hai nước Nhật – Mỹ sẽ vẫn bảo tồn liên minh chính trị, quân sự giữa hai nước, nhưng sẽ có sự điều chỉnh về đối nội để phù hợp với điều kiện thực tiễn của Nhật Bản cho đến hết nhiệm kỳ bởi một núi công việc của ông Abe để lại cần phải xử lý đó là khống chế dịch Covid-19; vực dậy nền kinh tế, giải quyết vấn đề già hóa dân số, tổ chức Olympic và Para Lympic vào năm sau, cũng như sửa đổi Hiến pháp. Về đối ngoại, thủ tướng mới sẽ tiếp tục thực hiện việc đàm phán với Mỹ về chi phí đồn trú của binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản, giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc các công dân Nhật Bản trong quá khứ và đàm phán với Nga về các hòn đảo nằm ở phía Bắc nước này. Có một điều rất thuận lợi cho chính phủ mới là ông Abe vẫn là thành viên Đảng cầm quyền và đại biểu Hạ viện, do đó thủ tướng sẽ cùng chính phủ mới theo đuổi mục tiêu của mình. Mặt khác, không chỉ đảng cầm quyền mà cả cá nhân ông Abe đều phải tính đến cuộc bầu cử Hạ viện khóa tới. Thêm nữa tại Nhật Bản có một truyền thống mà ít nước nào có được đó là đối với những vị thủ tướng có nhiều chính sách cụ thể - hiệu quả thì khi hết nhiệm kỳ hay từ chức vẫn sẽ được đảng cầm quyền và vị thủ tướng kế nhiệm duy trì và phát triển.
Như vậy, việc ông Abe từ chức không có nghĩa là đã kết thúc một triều đại, với 2887 ngày chèo lái chính trường Nhật Bản, ông Abe và đảng LDP đã để lại thành tích rất tốt về kinh tế và đới sống dân sinh. Do đó, theo quy định tháng 10 năm tới là tiến hành tổng tuyển cử, việc đảng LDP của ông Abe thất bại là rất nhỏ và người kế nhiệm ông Abe trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ và nhiệm kỳ tiếp theo chắc chắn phải cùng lãnh đạo LDP tính toán để duy trì vị thế lâu dài của mình trước các đảng đối lập.
HẢI HÀ