Mỗi ngày tôi đưa 100 nghìn đồng đi chợ, vợ vẫn khó chịu kêu ca
Xã hội - Ngày đăng : 09:00, 06/09/2020
Tôi đang kinh doanh quần áo thời trang. Trước đây, tôi làm nhân viên sale bất động sản.
Từ khi tích lũy được số vốn nhỏ, tôi quyết định thuê mặt bằng, nhập hàng thời trang về bán.
Công việc bước đầu thuận lợi, doanh thu ổn định. Tuy nhiên, tôi vẫn còn một số khoản nợ mua nhà cần thanh toán nên chi tiêu hết sức tiết kiệm.
Hai vợ chồng và một đứa con chưa đầy tuổi, tôi hạch toán chi tiêu mỗi bữa ăn chỉ 50 nghìn đồng. Hai bữa là 100 nghìn đồng. Vì con vẫn uống sữa, ăn bột là chủ yếu.
Tôi không có thói quen ăn sáng nên bớt được một khoản. Tôi mua cho cô ấy mì tôm, bún, phở ăn liền.
Một tháng gia đình tôi chi tiêu như sau: Ba triệu đồng tiền ăn, 500 nghìn đồng tiền mua gia vị và dầu ăn. Một triệu đồng tiền điện nước, internet. Đồ ăn sáng của vợ khoảng 300 nghìn đồng.
Sữa bỉm, thức ăn của con gói gọn trong 2 triệu đồng . Tôi cho con dùng sữa Việt Nam, bỉm chỉ dùng ban đêm. Riêng gạo, mẹ tôi ở dưới quê gửi lên.
Ma chay, cưới xin, tôi cố gắng chắt bóp tiền ăn lại. Đám cưới nào thân quen mới đi, đám quan hệ xã giao tôi chỉ gửi tiền mừng 200 nghìn đồng.
Như vậy, mỗi tháng tôi chi phí cho gia đình 6,8 triệu đồng, tháng nào vung tay lắm cũng chỉ 7,5 triệu đồng. Tôi nghĩ như vậy là quá hợp lý.
Chắc hẳn nhiều bạn thắc mắc, tôi chi 100 nghìn đồng tiền ăn cho 1 ngày như thế nào?
Thịt lợn tăng giá, nhà tôi vào siêu thị mua thịt gà tây, chỉ 45 nghìn đồng - 50 nghìn đồng/khay. Một khay thịt gà đó hai vợ chồng ăn dè cũng được 2 bữa.
Ngoài ra, tôi bảo vợ mua đậu phụ, rau luộc, lạc rang. Đậu phụ tôi có thể chế biến thành nhiều món, thay đổi khẩu vị. Bữa ăn cũng tạm gọi là đủ dinh dưỡng. Thi thoảng cuối tuần tôi mới đổi bữa bằng thịt lợn.
Cuộc sống còn thiếu thốn, tiền làm ra không biết tiết kiệm rồi cũng hết nên tôi quán triệt với vợ phải tằn tiện.
Mọi thứ chi tiêu phải trong tầm kiểm soát, có vậy mới mau chóng trả hết nợ. Lâu dài còn tiết kiệm cho con học tiếng Anh…
Vợ tôi không hiểu, hôm nào chồng đưa tiền mua đồ ăn cũng làu bàu. Cô ấy kêu tôi là đồ ki bo.
Cô ấy cũng đi làm, lương tháng khoảng 4 triệu đồng. Từ ngày lấy nhau, tôi chưa bao giờ hỏi đến đồng lương của vợ. Tôi xác định mình là trụ cột gia đình nên mọi chi phí trong nhà tôi lo hết.
Nếu muốn ăn ngon hơn sao vợ tôi không chịu bỏ tiền túi ra. Phải chăng cô ấy quá chắc lép?
Hơn nữa, cả 2 đều xuất thân ở nông thôn ra thành phố lập nghiệp. Hoàn cảnh gia đình nghèo túng. Việc ăn kham khổ cũng đã quen. Tôi thấy so với ngày xưa ở quê, bữa cơm của gia đình tôi hiện tại quá tươm tất.
Gia đình khác, vợ chồng phải hỗ trợ nhau xây dựng gia đình. Ở đây, tôi một mình cáng đáng hết. Nhà mua bằng tiền trả góp, tôi tự trả nợ.
Những lúc khó khăn, ngân hàng réo gọi, chủ nợ giục, tôi chưa lúc nào để vợ phải lo lắng tiền bạc. Vậy mà sự cảm thông, lời hỏi han cũng không có.
Tôi chán nản, sinh ra cáu kỉnh. Mỗi khi vợ kêu ca, tôi quát tháo ầm ĩ. Từ những mâu thuẫn vụn vặt, vợ chồng tôi chiến tranh lạnh, cảm thấy rất bí bách.
Hôm qua trong lúc nóng nảy, tôi nói vợ là đua đòi, "con nhà lính tính nhà quan" rồi thẳng tay tát cô ấy. Vợ giận ôm con về quê, đòi ly dị.
Tôi ngồi nhìn lại mọi thứ, tâm trạng rất trống rỗng. Tôi không hiểu mình làm sai chuyện gì? Tại sao hôn nhân của mình lại đến thảm cảnh này?
Xin hãy cho tôi lời khuyên!
Theo Vietnamnet