Người nuôi gà đồi Chí Linh điêu đứng vì dịch

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:33, 06/09/2020

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại làm cho người nuôi gà đồi Chí Linh rơi vào cảnh lao đao, thua lỗ.


Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gà đồi Chí Linh tiêu thụ chậm, giá giảm khiến hộ nuôi thua lỗ

Dịch Covid-19 bùng phát lần 2 từ cuối tháng 7 đến nay tiếp tục làm cho người chăn nuôi gà đồi Chí Linh rơi vào cảnh điêu đứng, thua lỗ do không tiêu thụ được gà.

Tiêu thụ chậm

Gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi gà nhưng chưa bao giờ bà Trịnh Thị Khánh ở thôn Mệnh Trường, xã Bắc An lại thấy giá gà bấp bênh và khó tiêu thụ như thời điểm này. Trước Tết Canh Tý 2020, giá gà xuống thấp do tăng đàn ồ ạt. Sau đó người chăn nuôi liên tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều hộ chăn nuôi không thể cầm cự trước những biến động lớn của thị trường nên phải giảm đàn hoặc bỏ chuồng trại để chuyển sang làm nghề khác.

Trang trại của bà Khánh đang có 1.000 con gà lẩu sắp được xuất bán nhưng chưa có người hỏi mua, trong khi giá gà liên tục lao dốc làm cho bà hết sức lo lắng. Hiện gà loại đẹp mới bán được 46.000 đồng/kg, còn các loại gà có mẫu mã xấu chỉ hơn 40.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 - 7.000 đồng so với đầu tháng 7. Theo bà Khánh, do tiêu thụ chậm nên nhiều hộ phải chấp nhận "xé đàn" để bán lẻ. Việc này càng làm cho gà nhanh xuống mã, giá bán vì thế lại càng thấp.

Cũng như gia đình bà Khánh, ông Trần Văn Chữ ở khu dân cư Nẻo, phường Chí Minh cũng đang chịu cảnh thua lỗ. Ông Chữ cho biết: "Đợt dịch Covid-19 lần trước đã khiến người chăn nuôi lao đao, thị trường gần như "đóng băng" vì lệnh giãn cách xã hội ở tất cả các tỉnh, thành phố. Sau đợt ấy, gà tiêu thụ dễ dàng hơn trước, giá tăng nhẹ. Người chăn nuôi gà chưa kịp hoàn vốn thì nay lại tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch. So với đợt dịch trước, đợt dịch này có diễn biến phức tạp, giá gà giảm sâu hơn nên phần lớn các hộ chăn nuôi đều thua lỗ".

TP Chí Linh hiện có hơn 2.000 hộ chăn nuôi gà đồi với khoảng 3 triệu con, tập trung ở các xã, phường Chí Minh, Bắc An, Bến Tắm, Hoàng Hoa Thám... Gà đồi Chí Linh thường được cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, các đám cưới tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình... Từ sau khi dịch Covid-19 tái bùng phát, không ít nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa, người dân hạn chế các hoạt động tập trung đông người như lễ hội và cưới hỏi làm cho lượng gà tiêu thụ giảm mạnh.

Chi phí chăn nuôi tăng

Gà đồi tiêu thụ chậm, lượng gà quá lứa bị tồn đọng tại các trang trại, gia trại nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với các chi phí chăn nuôi tăng, người chăn nuôi càng rơi vào cảnh thua lỗ. Theo các hộ chăn nuôi gà ở Chí Linh, gà càng lớn, lượng thức ăn càng tăng. Trong khi gà là loại gia cầm nhạy cảm với thời tiết nên rất dễ bị chết. Do vậy, ngoài chi phí thức ăn tăng thì còn tốn thêm một khoản thuốc phòng bệnh cho đàn gà. 

Theo tính toán của người nuôi, mỗi lứa gà thịt từ khi nuôi đến lúc xuất chuồng kéo dài khoảng hơn 3 tháng. Thời điểm xuất chuồng gà đạt trọng lượng khoảng 1,5 - 2 kg/con. Nếu tiếp tục nuôi thì trọng lượng gà tăng thêm không đáng kể, chỉ khoảng 1-2 lạng/tháng, trong khi phải tiêu tốn thêm nhiều thức ăn nên chi phí tăng cao. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mỗi lứa gà phải nuôi kéo dài thêm cả tháng, đội chi phí từ 15 - 20 triệu đồng/1.000 con. Bên cạnh đó, do thị trường tiêu thụ chậm nên giá gà đang tiếp tục giảm. 

Đứng trước những khó khăn, nhiều hộ nuôi gà đang tìm mọi cách để duy trì như thay đổi khẩu phần ăn của gà, giảm lượng thức ăn công nghiệp bằng các loại thức ăn thô như rau, củ... Không ít chủ hộ đẩy mạnh tiêu thụ gà bằng cách rao bán qua mạng xã hội, vừa tiện lợi vừa hiệu quả. Để giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi, nhiều hộ đã không tái đàn dù giá con giống giảm nhiều so với trước.

Theo ông Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gà đồi Chí Linh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian tới, việc tiêu thụ gà đồi sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Giá gà giảm sâu khiến người chăn nuôi thua lỗ. Biện pháp tránh thua lỗ tốt nhất hiện nay là cắt giảm chi phí chăn nuôi không cần thiết, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm. Người chăn nuôi khi tái đàn cần tìm hiểu kỹ thị trường.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ đã khiến các hộ chăn nuôi gà đồi bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Để tránh những tác động tiêu cực từ thị trường, người chăn nuôi cần chủ động liên kết với các đơn vị tiêu thụ, đổi mới quy trình chăn nuôi, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng an toàn...

TRẦN HIỀN