Tiêu úng cho vựa rau ở Kim Thành

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:02, 08/09/2020

Mặc dù đã được đầu tư, tình trạng ngập úng giảm nhiều nhưng việc tiêu úng cho vùng trồng rau màu tập trung ở các xã khu C của huyện Kim Thành vẫn còn khó khăn.


Việc tiêu úng thuận lợi hơn trước nên diện tích trồng rau màu ở xã Liên Hòa được mở rộng

Bớt lo ngập

Nhiều năm liền bị thiệt hại do mưa úng nên bà Nguyễn Thị Triều ở thôn Đồng Xá Bắc, xã Đồng Cẩm không khỏi lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến. "Gia đình tôi có gần 1 mẫu rau màu. Hầu như năm nào cũng có một phần diện tích rau màu bị thiệt hại do ngập úng. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây thì giảm hẳn. Có nhiều đợt mưa lớn bị ngập nhưng nước tiêu nhanh nên rau chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, chăm sóc cẩn thận có thể phục hồi", bà Triều nói.

Bà Đỗ Thị Hằng ở thôn Cao Ngô có hơn 2 sào trồng ngô và ớt ở cánh đồng chuyên canh rau màu của xã Liên Hòa. Nằm gần đê sông Rạng, lại cạnh trục tiêu chính nên khu vực này thường xuyên bị ngập úng. Nông dân phải be bờ, gạn nước từ trong ruộng ra ngoài mương để cứu cây. Do không tiêu úng kịp thời nên nhiều diện tích rau màu bị chết. Nhưng từ năm 2019, thời gian bơm tiêu rút ngắn nên dù bị ngập rau màu cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Xã Liên Hòa có gần 400 ha đất sản xuất nông nghiệp với hơn một nửa là vùng bãi trũng, thường xuyên bị ngập úng. Nhiều năm xã phải thống kê diện tích lúa và rau màu bị thiệt hại của người dân để nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Nhưng nay tình hình đã khác trước. Vì vậy, diện tích trồng rau màu tập trung của xã ngày càng được mở rộng với hơn 60 ha.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện Kim Thành khẳng định việc tiêu úng nhanh hơn trước là do trạm bơm Đại Đức đã được đầu tư, nâng cấp. Trước đây, trạm bơm này bị xuống cấp nghiêm trọng. Trạm có 8 tổ máy, tổng công suất tiêu là 64.000 m3/giờ có nhiệm vụ tiêu cho 1.500 ha đất sản xuất nông nghiệp ở các xã khu C. Do thời gian sử dụng lâu nên hiệu suất tiêu giảm chỉ còn 2/3 so với trước, mỗi khi có mưa lớn, thường xuyên xảy ra ngập úng kéo dài, ảnh hưởng đến rau màu. Năm 2018, trạm được đầu tư thay 6 trong tổng số 8 tổ máy, công suất mỗi máy 8.000 m3/giờ nên hiệu suất tiêu tăng hơn trước, giảm tình trạng ngập úng kéo dài.

Vẫn cần đầu tư thêm

Trước đây, nông dân các xã ở khu C cấy lúa là chủ yếu nên trạm bơm Đại Đức bảo đảm tiêu úng cho cả khu vực. Tuy nhiên, khi phần lớn diện tích cấy lúa được chuyển sang trồng rau màu tập trung và trồng xen canh thì áp lực tiêu úng của khu vực này ngày càng lớn.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Liên Hòa khẳng định nếu lượng mưa trên 100 mm thì nhiều diện tích đất nông nghiệp của xã sẽ bị ngập do tiêu không kịp. Xã nằm ở vị trí thấp và là lưu vực tiêu nước chính của các xã Đồng Cẩm, Bình Dân nên lượng nước dồn về nhiều. Ngoài tiêu bằng động lực qua trạm bơm Đại Đức thì khu vực này còn tiêu tự chảy qua các cống dưới đê. Nhưng việc tiêu tự chảy cũng nảy sinh nhiều bất cập do không có sự phối hợp giữa các địa phương.

"Mặc dù tình trạng ngập úng giảm so với trước nhưng vẫn chưa thể bảo đảm trong trường hợp có mưa lớn kéo dài. Do lưu vực tiêu rộng lớn nên địa phương đề nghị xây dựng thêm 1 trạm bơm chuyên tiêu ở xã Liên Hòa, công suất khoảng 40.000 m3/giờ. Nếu được xây dựng, việc tiêu úng cho cả khu vực rộng lớn mới bảo đảm hiệu quả", ông Tấn nói.

Huyện Kim Thành có hơn 1.200 ha trồng rau màu, trong đó 700 ha tập trung ở các xã khuC gồm: Đồng Cẩm, Đại Đức, Liên Hòa, Tam Kỳ. Đây là vựa rau màu lớn, cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Tuy nhiên, đây lại là cây trồng dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên việc tiêu úng phải nhanh chóng, nếu không sẽ gây hậu quả lớn. 

Việc đầu tư, xây dựng trạm bơm mới là cần thiết, nhất là trong điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến bất thường như hiện nay. Mưa lớn có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

TRẦN HIỀN