Xét xử vụ Đồng Tâm: Đồng thuận với quyết định đổi tội danh
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 22:06, 09/09/2020
Chiều 9.9, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tiếp tục với phần tranh luận.
Sau khi đại diện Viện Kiểm sát công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo, trong đó có việc thay đổi quan điểm truy tố, chuyển tội danh từ “giết người” sang “chống người thi hành công vụ” đối với 19 bị cáo, phần lớn các luật sư bào chữa tại phiên tòa đã đồng thuận và đánh giá cao quyết định chuyển tội danh của Viện Kiểm sát đối với 19 bị cáo.
Các luật sư cho rằng tính khách quan trong hành vi của các bị cáo đã được Viện Kiểm sát quan tâm, ghi nhận.
Luật sư Bùi Đình Ứng (bào chữa cho bị cáo Bùi Văn Tiến) cảm ơn Viện Kiểm sát đã thay đổi quan điểm truy tố đối với bị cáo Bùi Văn Tiến và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, chấp nhận quan điểm của Viện Kiểm sát.
Tuy nhiên, luật sư cũng cho rằng bị cáo Bùi Văn Tiến đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, hợp tác tích cực với cơ quan tố tụng.
Bên cạnh đó, bị cáo Bùi Văn Tiến đang bị bệnh, bản thân không có tiền án tiền sự, chưa học hết tiểu học nên nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Do đó, luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét để quyết định mức án dưới mức Viện Kiểm sát vừa đề nghị.
Bên cạnh sự ghi nhận, đánh giá cao về quyết định chuyển tội danh của Viện Kiểm sát, nhiều luật sư đã đưa ra các luận cứ, tình tiết giảm nhẹ nhằm gỡ tội cho thân chủ của mình.
Các luật sư cũng trình bày về những mâu thuẫn giữa lời khai của các bị cáo tại phiên tòa với nội dung bản cáo trạng, cho rằng có nhiều chi tiết chưa phù hợp, cần được làm rõ.
Trên cơ sở đó, một số luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.
Trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Đào Thị Kim, luật sư Trương Chí Công cho rằng bị cáo Đào Thị Kim không phạm tội “chống người thi hành công vụ” khi không tham gia "Tổ đồng thuận" hay tổ chức nào liên quan đến Lê Đình Kình; không tham gia các hoạt động tranh chấp đất đai và cũng không hề biết, không được hứa hẹn chia lợi ích đất đai; bị cáo không trực tiếp góp tiền hay hiện vật cho “Tổ đồng thuận” nhằm mục đích chống đối lực lượng công an.
Khi cho chồng là bị cáo Nguyễn Quốc Tiến vay tiền, bị cáo cũng không hề hay biết mục đích vay tiền của Nguyễn Quốc Tiến là để đi mua lựu đạn.
Trong sự việc sáng 9.1, bị cáo Đào Thị Kim cũng không có mặt tại hiện trường, không tham gia tấn công lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, trước đó, vào chiều 8.9, khai tại tòa, bị cáo Đào Thị Kim đã thừa nhận có tham gia mua dây điện, mua xăng, làm bom xăng, làm bùi nhùi và xin lỗi gia đình các bị hại và mong được Hội đồng xét xử xem xét để được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Luật sư Bùi Hải Quảng cho rằng bị cáo Bùi Thị Đục đã tham gia chuẩn bị chai xăng và bê gạch đá lên nhà Lê Đình Kình, ném 1 que bùi nhùi xuống đường.
Tuy nhiên, khi thấy khói nhiều thì bị cáo Bùi Thị Đục sợ và chạy, như vậy hành vi của bị cáo Bùi Thị Đục đã bỏ giữa chừng.
Còn bị cáo Nguyễn Thị Lụa có tham gia làm bom xăng vì muốn chia sẻ công việc với hàng xóm mà không biết làm bom xăng với mục đích gì.
Bị cáo Nguyễn Thị Lụa có mặt tại nhà Lê Đình Kình vào tối 8.1 là để chơi với vợ của Lê Đình Kình và không tham gia chống đối lực lượng chức năng.
Cả hai bị cáo Bùi Thị Đục và Nguyễn Thị Lụa đều có học thức thấp, nhận thức pháp luật kém.
Tuy nhiên, trước đó, vào sáng 8.9, bị cáo Bùi Thị Đục và Nguyễn Thị Lụa đều khai tại tòa đã tham gia các công đoạn làm bom xăng, vận chuyển cũng như thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Bị cáo Bùi Thị Đục cũng thừa nhận có tập trung để làm bom xăng, có làm bùi nhùi tại nhà Nguyễn Quốc Tiến, có bê gạch đá lên trên mái nhà Lê Đình Kình vào đêm 8.1.
Bị cáo Nguyễn Thị Lụa cũng khai có mặt tại nhà Lê Đình Kình vào tối 8/1 để bàn bạc chuẩn bị cho sự việc rạng sáng 9.1 và bị cáo Nguyễn Thị Lụa đã tham gia làm bom xăng, nhặt gạch đá chống đối lực lượng chức năng.
Sáng 10.9, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Theo TTXVN