Nguy cơ đối đầu Trung - Ấn từ siêu dự án kênh đào ở Thái Lan
Bình luận - Ngày đăng : 15:16, 11/09/2020
Binh lính Trung Quốc và Ấn Độ chào nhau trong phiên gác tại cửa khẩu Nathu La giữa hai nước
Mắt xích "trong mơ" của "Chuỗi ngọc trai" Trung Quốc
Trung Quốc đang tìm cách “bao vây” Ấn Độ bằng một loạt liên minh và căn cứ hải quân, được biết đến với cái tên “Chuỗi ngọc trai”. Lỗ hổng lớn nhất trong chiến lược kiểm soát Ấn Độ Dương của Trung Quốc là eo biển Malacca, một dải nước hẹp ngăn cách Singapore và Sumatra, là huyết mạch thương mại đường biển của Trung Quốc, cũng là con đường để hải quân nước này tiến sang Nam Á và hướng xa hơn về phía tây. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Trung - Ấn, cộng với tham vọng của Trung Quốc ở châu Phi, Trung Đông hay Địa Trung Hải, thì việc giảm phụ thuộc vào các đối thủ tiềm tàng là điều có ý nghĩa quan trọng.
Và thứ đó chính là một con kênh vắt qua eo đất Kra ở miền Nam Thái Lan, điểm hẹp nhất của bán đảo Mã Lai, có tiềm năng mở ra tuyến đường biển thứ hai từ Trung Quốc đến thẳng Ấn Độ Dương.
Theo tạp chí Foreign Policy, con đường này có thể cho phép hải quân Trung Quốc nhanh chóng di chuyển tàu tới Ấn Độ Dương mà không cần vòng xa hơn 1.100 km về phía nam qua eo Malacca.
Vị trí đó khiến kênh đào Kra trở thành một tài sản chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc, khiến nước này sẵn sàng bỏ ra 30 tỷ USD để đào kênh.
Vốn gây tranh cãi từ lâu, dự án kênh đào Kra dường như đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của giới tinh hoa chính trị Thái Lan. Một ủy ban quốc hội dự kiến đưa ra các khuyến nghị về dự án trong tháng 9 này. Bất chấp mối quan hệ đồng minh trên danh nghĩa với Mỹ, Bangkok đã nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh kể từ khi Washington không công khai công nhận chính quyền quân sự tiếp quản quyền lực ở Thái Lan vào năm 2014.
Kênh đào của Thái Lan sẽ nằm gọn trong các kế hoạch tham vọng tại Ấn Độ Dương của Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh về phía tây vào Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương, mở căn cứ hậu cần Đông Phi ở Djibouti và tiến hành các cuộc tập trận chung trong khu vực với hải quân Myanmar, Bangladesh, Pakistan, Iran, thậm chí cả Nga. Hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng cảng do Trung Quốc tài trợ trong toàn khu vực cũng làm tăng thêm ấn tượng về một "vòng vây" với Ấn Độ.
Đáp lại, Ấn Độ đã phản ứng bằng cách chuẩn bị cho các cuộc đối đầu tiềm tàng trong tương lai với Trung Quốc trên biển. Trong tháng 8, tờ Hindustan Times đưa tin rằng New Delhi đang lên kế hoạch nâng cấp các cơ sở không quân và hải quân của mình ở quần đảo Andaman và Nicobar, trước nguy cơ từ Trung Quốc.
Thời cơ và nguy cơ từ Kênh đào Kra
Eo biển Malacca đã là một hành lang then chốt của thương mại toàn cầu trong nhiều thế kỷ qua. Mỗi năm có hơn 80.000 tàu đi qua eo biển. Đây là hành lang quan trọng đưa dầu đến Đông Á và hàng hóa trở ra. Sự thịnh vượng của Singapore hiện đại đã được xây dựng nhờ vị trí chiến lược của đảo quốc này ở cực Đông Nam rất hẹp của eo biển.
Hiệp hội Kênh đào Thái Lan lập luận rằng Thái Lan có thể chuyển hướng một phần sự thịnh vượng đó sang cho mình, với việc xây dựng các khu công nghiệp và trung tâm hậu cần ở cả hai đầu của con kênh, khi nơi này trở thành huyết mạch trung chuyển chính của châu Á. Mặc dù các chuyên gia trong ngành ước tính rằng việc xây dựng kênh đào sẽ không kinh tế với giá vận chuyển và chi phí nhiên liệu ngày nay, nhưng tuyến đường hiện tại qua Eo biển Malacca gần như đã đạt đến giới hạn an toàn về khối lượng vận chuyển mà nó có thể xử lý.
Đề xuất kênh đào Thái Lan hiện tại, được gọi là tuyến đường 9A, sẽ bao gồm hai kênh song song, mỗi kênh sâu 30 m, rộng 180 m, và chạy dài 102 km từ Songkhla trên Vịnh Thái Lan tới Krabi ở Biển Andaman.
Tuy nhiên, nếu dự án được chấp thuận, đất nước Thái Lan có nguy cơ bị chia cắt làm hai. Thái Lan từ lâu phải đối mặt với làn sóng bất ổn ở ba tỉnh cực Nam, nơi có đa số là người Hồi giáo Mã Lai. Con kênh có thể trở thành biên giới biểu tượng giữa "đất liền" Thái Lan ở phía Bắc và phong trào ly khai ở phía Nam. Nó có thể không cản trở chiến dịch chống phiến quân của quân đội Thái Lan, nhưng sẽ tạo ra sự chia rẽ kéo dài hàng thế kỷ.
Colombia từng có một eo đất phía tây bắc gọi là Panama. Khi những người ly khai Panama nổi dậy vào năm 1903, Hải quân Mỹ đã vào cuộc để bảo đảm nền độc lập của đất nước mới. Kênh đào Suez mở cửa vào năm 1869, là tâm điểm can thiệp quân sự của Anh và Pháp vào cuối năm 1956...
Ngày nay, sự toàn vẹn lãnh thổ của Thái Lan tương đối an toàn. Nhưng một dự án kênh đào thành công của Thái Lan sẽ định hình lại địa lý chính trị của Đông Nam Á. Nó sẽ đưa Trung Quốc trở thành một đối tác an ninh lâu dài không thể dễ dàng bị loại bỏ. Cùng với kế hoạch đầu tư vào các cảng tại Sihanoukville ở Campuchia và Kyaukpyu ở Myanmar, Trung Quốc sẽ coi kênh đào Thái Lan như một tuyến đường thủy chiến lược kết nối “chuỗi ngọc trai” của họ.
Có lẽ tỉnh táo trước những rủi ro từ con kênh, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Saksayam Chidchob gần đây cho biết ông thích xây dựng các tuyến đường sắt và đường cao tốc qua eo Kra thay vì một con kênh. Chính phủ đã dành ngân sách để nghiên cứu việc xây dựng hai cảng biển mới - ở mỗi bên của eo đất - cũng như một “cây cầu trên bộ” để vận chuyển hàng hóa giữa hai bờ.
THU HẰNG