Khan hiếm máu điều trị cho bệnh nhân

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 20:00, 12/09/2020

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu tháng 8 đến nay các đợt hiến máu tình nguyện không được tổ chức dẫn đến tình trạng thiếu máu điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh.


Tình trạng thiếu hụt máu chữa bệnh đã diễn ra tại các cơ sở y tế trong tỉnh từ đầu tháng 8 đến nay

8 người thân phải hiến máu

Đến ngày 9.9, sức khỏe bệnh nhân Mạc Văn Chằn, 68 tuổi ở phường An Lưu (Kinh Môn) điều trị tại khoa Nội 4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã dần ổn định. Ông Chằn nhập viện cấp cứu ngày 5.9 do nôn ra máu vì bị xuất huyết tiêu hóa. Ngay trong đêm, ông đã được truyền máu và cấp cứu kịp thời. Đến nay ông đã được truyền 4 đơn vị máu để bổ sung lượng máu thiếu hụt. Do tình trạng khan hiếm máu, các bác sĩ đề nghị gia đình ông hỗ trợ hiến đổi máu. Vì vậy, 4 người con của ông Chằn đã hiến 4 đơn vị máu vào kho dự trữ của bệnh viện.

Anh Vũ Văn Hoạt, 36 tuổi ở thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 2.9 trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Anh được truyền 12 đơn vị máu trong quá trình điều trị, trong đó có 2 đơn vị tại Trung tâm Y tế thị xã Kinh Môn và 10 đơn vị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Sau khi nhập viện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh truyền cho anh Hoạt 2 đơn vị máu, 8 đơn vị máu còn lại phải huy động từ anh em, họ hàng. "Chưa bao giờ con đi viện mà tôi vất vả như lần này. Sau khi đưa con vào viện cấp cứu, tôi phải nhờ rất nhiều anh em, họ hàng để hiến máu. Cháu mắc bệnh mạn tính nhiều năm, không biết còn duy trì được đến bao giờ, thôi thì còn nước còn tát", bà Phạm Thị Dương, mẹ anh Hoạt than thở.

Chỉ còn vài đơn vị máu

Đề nghị người nhà bệnh nhân hỗ trợ hiến, đổi máu là một trong những giải pháp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong thời điểm khan hiếm máu điều trị hiện nay. Cùng với đó, bệnh viện chủ động điều chỉnh, tạm hoãn các lịch mổ phiên, mổ theo kế hoạch, các kỹ thuật điều trị phức tạp sử dụng nhiều máu. Khoa Huyết học lâm sàng - truyền máu cử cán bộ, nhân viên y tế trực 24/24 để thu nhận máu hiến tình nguyện, nhưng từ tháng 8 đến nay gần như không có người đến hiến máu tình nguyên (HMTN). 

Nguyên nhân của tình trạng khan hiếm máu do các đợt HMTN không được tổ chức trong tháng 8 vì dịch Covid-19. Được biết nguồn máu dành để điều trị tại các cơ sở y tế của tỉnh có nguồn gốc từ các cuộc HMTN trong tỉnh, các trung tâm sản xuất máu và chế phẩm máu tại Hà Nội, Hải Phòng. Lần gần nhất, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được tiếp nhận máu hiến tình nguyện là ngày 24.7 với tổng số 235 đơn vị máu. Lượng máu này chỉ đủ sử dụng trong khoảng 1 tuần, trong khi bình quân mỗi tháng bệnh viện sử dụng và phân bổ cho các cơ sở y tế trong tỉnh khoảng 800-850 đơn vị máu. Đến đầu tháng 8, kho dự trữ máu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh chỉ còn vài đơn vị máu mỗi nhóm.

Hiện nay, việc thiếu máu cũng diễn ra trên toàn quốc nên việc mua máu hết sức khó khăn. "Cứ qua thêm 1 ngày là nỗi lo thiếu máu lại tăng vì không biết hôm nay có thêm bao nhiêu bệnh nhân cần truyền máu, bao nhiêu bệnh nhân cấp cứu, người nhà bệnh nhân hợp tác để hiến đổi máu hay không", Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Xuân Hoàng, Trưởng Khoa Huyết học lâm sàng - truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nói.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng thiếu máu là việc chưa ưu tiên tiếp nhận máu cho Bệnh viện đa khoa tỉnh so với các cơ sở y tế Trung ương. Chẳng hạn, ngày 28.7, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh tổ chức ngày hội hiến máu "Giọt hồng tỉnh Đông" và tôn vinh các điển hình tiên tiến giai đoạn 2018-2020 thu nhận được 1.470 đơn vị máu. Nhưng tất cả lượng máu này đều do Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận. 

Trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh cần quan tâm ưu tiên tiếp nhận máu hiến tình nguyện cho các cơ sở y tế trong tỉnh để sớm khắc phục khó khăn, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

VIỆT QUỲNH