Cuốn sổ tiết kiệm

Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:24, 13/09/2020

Tôi nắm chặt bàn tay ông Đức đang lạnh dần. Hình như ông vẫn còn muốn nhắn gửi điều gì nữa. Những câu nói cuối cùng của ông chỉ còn nghe như có tiếng gió.



Tôi không dám nhận mình là bạn, là em ông Đức. Bởi ông hơn tôi gần 15 tuổi. Nhưng ông Đức lại luôn coi tôi như bạn, như em. Xưa nay, tôi vốn kính trọng những người làm nghề có chữ “thầy” đứng trước. Chẳng hạn như thầy thuốc, thầy giáo… Ban đầu giao tiếp cũng ngại lắm. Ông thuộc giới trí thức, dù chỉ là giáo viên trường làng. Còn tôi, một anh thợ chuyên “ăn to nói lớn” giữa phân xưởng ầm ào tiếng đe, tiếng búa. Chúng tôi quen và thân nhau từ ngày tôi nghỉ hưu.

Một sáng, tôi đến quán nước của ông Đức khá muộn. Ông hồ hởi đón tôi, cứ như xa cách cả tuần. “Chú Hoàng bận gì mà ra muộn thế?”. Vừa nói, ông vừa trao tôi chén nước: “Chú uống đi cho nóng. Chè vừa pha đó”. Lúc này tôi mới để ý tới một cô gái trẻ, chừng 25 tuổi, da trắng, vóc dáng mảnh mai, má lúm đồng tiền, khá xinh. Bên trái cô là chiếc túi xách to và có vẻ nặng. Đi cùng với cô gái là một bé gái khoảng ba, bốn tuổi, giống nhau như hai giọt nước. Chắc hai mẹ con. Đứa trẻ ngồi trên lòng cô gái. Thỉnh thoảng, cô gái lại cúi xuống thơm vào mái tóc đứa bé. Cặp mắt cô buồn vời vợi. Cô gái cứ ngồi như thế cả tiếng đồng hồ. Vẻ như chờ đợi. Có lúc, cô thầm thì với đứa bé: “Chép có yêu mẹ Bống không?”. “Con có”. Chừng như ông Đức không giấu được vẻ sốt ruột. Ông hỏi: “Chị định tìm ai?”. Người mẹ trẻ lưỡng lự đôi chút mới trả lời: “Dạ, con chờ một người bạn thôi ạ”.

Đến trưa, cô chào ông Đức, rồi gọi xe ôm đi đâu không rõ. Sáng hôm sau, mẹ con cô lại đến quán và ngồi ở đó đến tận chiều muộn mới về. Lần này, người mẹ trẻ có vẻ vui hơn, nói chuyện với chúng tôi nhiều hơn. Con Chép chạy quanh quán tự chơi. Tôi lấy ra mấy cái kẹo đưa cho nó. Nó nhìn mẹ như xin phép. Người mẹ gật đầu. Nó đưa hai tay: “Con xin ông ạ”. Tôi xoa đầu nó, khen: “Cháu ông ngoan lắm”.

Ông Đức mở quán bán nước chè không phải vì mưu sinh. Lương hưu giáo viên tạm đủ, chi tiêu một thân một mình chả nhiều nhặn gì. Việc ông mở quán cho tuổi già đỡ buồn thôi. Vợ chồng ông Đức sinh được ba người con gái. Tất cả đều thành đạt, nhưng lại lấy chồng tận miền Nam. Thôi thì “đất thơm cò đậu". Lâu lâu, chúng mới về thăm bố mẹ được một lần. Vài ba tháng, chúng lại gửi về biếu bố mẹ dăm triệu “ăn quà”. Cũng có lần chúng mời bố mẹ chuyển vào trong Nam để được phụng dưỡng. Nhưng ông bà Đức không đi: “Mồ mả cha ông, tiên tổ bỏ lại ai trông?”. Chị cả bảo: “Thì bố nhờ chú hai trông đỡ”. Ông Đức bảo: “Bất tiện lắm, con gái à. Bố mẹ còn khỏe. Chỉ mong các con mạnh giỏi, hạnh phúc. Thế là bố mẹ mừng rồi”. Nhưng người tính không bằng trời tính. Năm năm trước, bà Đức qua đời vì đột quỵ. Buồn quá. Ông Đức mua một cái đài chạy pin, mở suốt ngày. Không có người cũng mở. Để khỏi lạnh nhà. Chị cả lại mời ông vào Nam. Lần này cái lý do ông đưa ra còn chắc chắn hơn lần trước: “Chẳng ai đi nhờ người khác trông nom mộ chí của vợ mình cả”.

Bẵng đi hai ngày không thấy mẹ con nhà Bống, Chép đến quán. Anh em tôi cho rằng cô gái đã gặp được người hẹn hò. Nhưng mọi dự đoán của chúng tôi đều sai. Mẹ con nhà Bống lại đến. Người mẹ có vẻ buồn hơn. Con Chép hôm nay ăn mặc đẹp hơn hai lần trước. Trên tay nó còn ôm một chú gấu bông to bằng nửa người nó. Tôi nói thay cho lời chào: “Chị chưa gặp được người nhà à?”. “Dạ. Con vẫn chưa gặp được”. Ông Đức ái ngại: “Khổ. Hai mẹ con vất vả quá. Mà người chị cần tìm tên là gì, ở làng nào? Biết đâu lại là người tôi quen. Xung quanh đây nhiều học trò của tôi lắm”. Người mẹ trẻ chỉ đáp khẽ: “Dạ. Con cảm ơn ông”, rồi ngồi im, mặt cắm xuống bàn, tay xoay xoay chén nước, vẻ nghĩ ngợi lung lắm.

Gần trưa, người mẹ quả quyết đứng lên, nói với ông Đức: “Ông à, con có công chuyện phải chạy đi một chút. Ông cho con gửi cháu Chép. Nếu con về muộn, nhờ ông cho cháu ăn bữa trưa. Con về, sẽ thanh toán đầy đủ”. Ông Đức ngạc nhiên: “Sao chị không mang nó theo?”. “Dạ, trời nắng quá, con sợ cháu bị cảm mất”. Không chờ ông Đức trả lời, chị ta quay sang con Chép ôm hôn rối rít lên khắp mặt, khắp người nó, rồi vội vã úp cái nón lên đầu, tất tả lao ra cái nắng chói chang. Như một kẻ chạy trốn.

Chiều muộn, Ông Đức nhắn người gọi tôi ra quán. Con Chép đang ngủ ngon lành trên tay ông Đức. Vừa thấy tôi, ông Đức nói ngay: “Tôi nghĩ chị ta bỏ con lại đây lắm. Chú Hoàng ạ”. Tôi giật mình: “Sao, anh bảo gì?”. Ông Đức nhắc lại câu nói. Im lặng. Mỗi người chúng tôi theo đuổi ý nghĩ riêng. Tôi cho rằng không một người mẹ nào bỏ con một cách dễ dàng như thế. Có thể chị ta vì công việc chưa xong nên về muộn thôi. Ông Đức trầm ngâm. Lâu lắm ông mới nói: “Có thể chị ta gặp chuyện khó xử nào đó. Chẳng hạn như người yêu, hoặc người chồng mới không chấp nhận con riêng của vợ. Dân gian có câu “Trăm tội, ngàn nợ không bằng vợ có con riêng” đó sao”. Tôi gật đầu đồng ý. Chợt nhìn thấy cái túi xách để dưới chân bàn nước, tôi nói: “Tôi và ông mở ra xem trong túi có gì, mới bàn tính tiếp được”. Cái túi được mở ra. Toàn áo váy của con Chép, rất mới. Có bộ còn nguyên nếp hồ. Tận dưới đáy là một lá thư, một tờ giấy khai sinh được cuộn tròn, bên trong là một ít tiền, chừng vài triệu. Theo ngày tháng ghi ở góc, lá thư được viết từ tối qua. Tôi đọc cho ông Đức cùng nghe.

“Kính thưa ông Đức. Qua mấy ngày đến quán của ông, con thấy ông là một người nhân từ nên con mạo muội gửi ông con Chép. Lẽ ra, con phải mang theo nó ra nước ngoài, nhưng người chồng mới của con không đồng ý. Đành thuyết phục dần thôi. Mong ông hiểu và đừng trách con chối bỏ giọt máu của mình để chạy theo tình riêng. Ơn này con xin ghi tạc. Con: Hà Thu”.

Từ ngày có con Chép đến ở, nhà ông Đức vui hẳn lên. Không còn phải mở đài từ sớm tinh mơ đến tận đêm khuya nữa. Mâm cơm đã thêm nhiều chất tươi như cá, thịt. Ông Đức cũng bận bịu hơn. Ngày nắng cũng như ngày mưa. Buổi sáng, cho cháu ăn xong, đưa đi nhà trẻ, rồi mới mở quán. Chiều, dọn quán sớm, đón cháu về, tắm rửa cho cháu sạch sẽ mới bắt tay làm bữa cơm tối. Thương ông, tôi sang thăm ông nhiều hơn. Có hôm tôi còn giúp đưa con Chép đi học, hoặc đón nó về nữa. Cũng từ đó, con Chép thân thiết với cả tôi. Nó hồn nhiên kể chuyện cô giáo, bạn bè cùng lớp. Nó gọi tôi và ông Đức là hai ông ngoại. Ông Đức cười hà hà: “Bé con mà khéo nịnh ghê”. Ơn trời, con bé chẳng ốm đau gì, cứ một mạch mà lớn. Một đôi lần nó nhắc đến mẹ: “Mẹ con đi làm ở đâu mà lâu về thế hả ông ngoại ơi?”. Lòng ông Đức nhói đau: “Mẹ con làm xa lắm, mãi tận miền Nam cơ, phải lâu lắm mới về. Con cứ ngoan, học giỏi là mẹ con vui và sẽ thưởng cho nhiều quà”.

Ông Đức gọi điện báo cho ba cô con gái biết chuyện ông nhận nuôi một cháu bé mới hơn ba tuổi. Các con ông kêu lên: “Bố nghĩ thế nào mà lại nuôi thêm người? Ở tuổi bố là an dưỡng, vui thú bạn bè cho bõ những ngày vất vả nuôi nấng, dạy dỗ chúng con. Nuôi một đứa trẻ bây giờ không dễ đâu”. “Ồ, các anh, chị nghĩ tôi chưa từng nuôi trẻ nhỏ sao?”. Câu này ông Đức chỉ mang tính trấn an cho các con ông khỏi lo lắng thôi. Ông Đức cũng như tôi, tuổi trẻ say mê làm việc, quên giờ quên giấc, ngày tháng xa xôi biền biệt. Nghỉ phép được hơn chục ngày, bế ẵm đứa con nhỏ chốc lát, cứ nghĩ nuôi con thật giản đơn. Đến khi được về công tác gần gia đình thì các con đã lộc ngộc. “Hay bố cho nó vào đây, con nuôi một thể”, chị ba nói. Ông Đức dứt khoát: “Ý tôi đã quyết, không bàn thêm gì nữa. Tôi chỉ thông báo cho các chị biết vậy thôi”. “Vâng. Tùy bố”.

Một năm, hai năm, rồi sáu năm, con Chép năm nay đã lên lớp bốn rồi. Mẹ nó vẫn bóng chim tăm cá. Con Chép là đứa trẻ ngoan, lễ phép. Được ông Đức kèm cặp, nó học rất giỏi, luôn đứng đầu lớp. Những tờ giấy khen của nó được ông Đức đóng khung cẩn thận, trân trọng treo trên tường. Mọi người khen ông mát tay nuôi trẻ. Tuy ông với con Chép không ruột rà, họ mạc, nhưng ông thương nó như máu thịt của mình. Nó là đứa trẻ bị ruồng bỏ. Những lúc ấy, ông Đức thường ngồi bất động. Từng đường gân trên cổ ông giật giật. Từ khi ông Đức nhận nuôi con Chép, tôi đến thăm nhiều hơn. Lúc chén tạc chén thù, khi dông dài chuyện phiếm. Sợ con Chép buồn, thi thoảng ông Đức lại nhờ chị ba gọi điện ra, giả làm mẹ nó, dặn dò nó đủ thứ.

Sức khỏe ông Đức dạo này giảm sút rõ rệt, hai má tóp lại, hàm răng nhô ra. Ông đi đứng chậm chạp, lừ khừ. Quán nước hôm mở, hôm không. Nhìn ông ôm ngực, ho những tràng dài đến thắt ruột. Ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Xóm giềng sang thăm, nắm tay ông động viên, an ủi. Ba người con gái ông Đức vội vã bay ra. Chị cả vẫn không quên đưa cho con Chép hai bộ váy mới: “Của mẹ con gửi cho con đó”. “Con cảm ơn bác”. Nó nhận, nhưng nét mặt chẳng vui lên chút nào. Mắt nó chăm chú vào từng hơi thở của ông Đức. Ba chị em ân hận vì những ngày bố ốm nặng không được chăm sóc. Ông Đức bảo: “Không sao cả. Sống chết là lẽ thường. Năm nay bố đã 81 tuổi rồi, có lẽ cái ngày đi gặp bà ấy chẳng còn bao xa. Bố hài lòng và yên tâm thấy các con thành đạt, hạnh phúc. Chỉ tiếc con Chép còn bé quá”. Ông Đức thở nặng nhọc.

Cảm thấy mình yếu quá, ông Đức cho người gọi tôi sang nhà. Ông cố nhỏm dậy, nhưng không nổi. Chị cả khẽ nâng ông lên dựa vào cái gối. Ông Đức nắm hờ tay tôi, như trăn trối, như trao gửi: “Hoàng à, anh mời em sang đây để thưa một chuyện. Chuyện về con Chép. Mẹ nó chẳng biết khi nào mới về. Mà có khi không bao giờ về nữa. Anh không muốn gửi con Chép đi theo các con gái anh. Sợ nếu mẹ nó về tìm nhau khó quá. Em hãy vì tình cảm của chúng ta bấy lâu nay mà nhận nuôi con Chép trưởng thành. Em có nhận lời, anh mới yên tâm nhắm mắt”. Tôi rưng rưng: “Em nhận, em hứa”. Những nếp nhăn trên trán ông Đức như giãn ra, môi khẽ mỉm cười, đôi mắt từ từ khép lại. Gần như cùng lúc, tiếng của ba chị em cùng thét lên: “Bố ơi, bố ơi”. Dường như còn vương vấn điều gì, chục phút sau, ông Đức mở mắt. Ông dồn hết sức chỉ vào cái tủ. Chị cả hiểu ý, nhanh chóng mở tủ. Chị cầm từng thứ đưa lên cao để ông Đức nhìn thấy. Ông Đức lắc khẽ. Khi chị cầm đến một cái phong bì, mắt ông Đức sáng lên, chớp chớp liên tục. Ông Đức chỉ vào tôi. Để tránh mọi sự hiểu lầm, tôi bóc ngay phong bì trước mặt mọi người. Bên trong gồm một tờ giấy khai sinh của con Chép, một lá thư của mẹ nó, một cuốn sổ tiết kiệm 150 triệu đồng và cuối cùng là một giấy ủy quyền cho tôi được toàn quyền sử dụng tất cả những thứ trên vào việc nuôi dạy con Chép.

Tôi nắm chặt bàn tay ông Đức đang lạnh dần. Hình như ông vẫn còn muốn nhắn gửi điều gì nữa. Những câu nói cuối cùng của ông chỉ còn nghe như có tiếng gió. Đêm ấy, trời đổ cơn mưa tầm tã, sấm chớp ùng oàng, ông Đức trút hơi thở cuối cùng.

Vắng ông Đức, tôi buồn hẳn, thời gian như dài ra. Tôi trồng thêm vài khóm hoa huệ trong cái vườn nhỏ của ông Đức. Mỗi sáng sang thắp hương cho ông, là mỗi lần tôi nhớ biết bao kỷ niệm về ông. Hương hoa huệ tràn ngập căn nhà. Ông thật xứng với cái tên cha mẹ đặt cho: Nguyễn Hữu Đức. Nghĩa là người có đức.

 Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN