The Beatles: ''Trùm cuối'' mà Taylor Swift, Justin Bieber, BTS luôn thèm đánh bại
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 14:27, 13/09/2020
Ban nhạc The Beatles năm 1964 (từ trái qua): Paul McCartney, John Lennon, Ringo Starr, George Harrison. Ảnh: Getty Images
Một ngày chớm hạ của 50 năm trước, Paul McCartney phát hành album solo đầu tiên và gửi đến báo chí một phần tự hỏi tự đáp, trong đó có câu: "Anh có thấy một tương lai nào đó khi Lennon - McCartney lại cùng nhau sáng tác không?". Lời đáp gọn lỏn: "Không". The Beatles đã kết thúc đột ngột và kỳ lạ như thế.
Trong một thước phim được cho là ghi lại hình ảnh Paul McCartney cùng George Harrison ký hàng xấp giấy tờ để chính thức rời khỏi ban nhạc, một phóng viên đứng bên ngoài nói: "Một cột mốc cho sự suy tàn của đế chế Anh, The Beatles tan rã".
Nhưng đó không phải là sự suy tàn của đế chế The Beatles, như thời gian đã chứng minh.
Ở MV của Dynamite, ca khúc giúp nhóm nhạc Hàn Quốc BTS vừa lập nên kỳ tích khi có 2 tuần liền đứng đầu Billboard Hot 100, người ta lại thoáng thấy tấm hình John, Paul, George, Ringo bước qua vạch kẻ đường.
Billie Eilish, sinh sau các thành viên của The Beatles khoảng 60 năm, cho biết bản nhạc đầu tiên mà cô học chơi năm 6 tuổi là I will trong album Trắng (White Album).
Sau ngần ấy thời gian, vậy mà cứ mỗi khi xuất hiện một hiện tượng âm nhạc nào đó, để chứng minh độ thịnh hành của ca sĩ/nhóm nhạc này nọ, báo chí lại so với The Beatles. Taylor Swift có xuất sắc hơn Lennon-McCartney? Justin Bieber phá kỷ lục của The Beatles. BTS lập lại thành tích của The Beatles. Họ luôn luôn là "trùm cuối" cần đánh bại.
Nếu khựng lại vài giây, ta sẽ thấy tất cả những cuộc chiến MV hàng tỉ lượt xem ngày nay có lẽ đã bắt đầu vào thời khắc bốn chàng trai đến từ Liverpool bước vào một khu vườn và ghi hình những video ca nhạc đầu tiên của nhạc pop, Paperback Writer và Rain - chúng còn chẳng phải những bài hát hay nhất của họ.
Một số thứ đã thành nghiễm nhiên trong ngành giải trí thế kỷ 21, như là ca sĩ nổi tiếng thì ắt phải biểu diễn trong sân vận động, nhưng khoảng nửa thế kỷ trước, đó là một điều gì đó kỳ vĩ chưa từng có khi The Beatles tổ chức một buổi hòa nhạc tại sân vận động Shea trước hơn 55.000 khán giả, bấy giờ điều kiện âm thanh tồi tệ tới mức tay trống Ringo nói anh phải giữ nhịp bằng cách quan sát nhịp đánh mông của ba người bạn.
Trước họ, cũng không có nghệ sĩ nào "thí nghiệm" những giới hạn của nhạc pop công phu đến vậy, và đây, những phút giây khải hoàn trong nhạc đại chúng: hợp âm Mi trưởng cuối cùng mà John, Paul, Ringo và các cộng sự đã chơi trong A day in the life, không khí tựa một bản nhạc của Debussy trong Strawberry fields forever, đoạn piano bắc cầu được nhà sản xuất George Martin tăng tốc để tạo ra âm hưởng tựa tiếng đàn harpsichord trong In my life...
Và rồi, như nửa thế kỷ trước âm nhạc Beatles đã "cứu thế giới khỏi sự buồn chán" trong một thập niên của chiến tranh và tan vỡ; ngay bây giờ, thứ âm nhạc ấy lại là thuốc giảm đau cho một thời đại không kém phần ảm đạm.
Một bệnh viện ở Mỹ mở Here comes the sun mỗi khi một bệnh nhân COVID được xuất viện, bản tình ca I Wanna Hold Your Hand (Anh muốn nắm lấy tay em) được cải biên thành I Gotta Wash My Hands (Anh phải đi rửa tay đây).
Có dạo, Paul bảo The Beatles hay hơn The Rolling Stones. Đáp lại, Mick Jagger nói, chí ít Rolling Stones vẫn còn là một ban nhạc. Phải, The Beatles không còn nữa.
Vậy cớ sao chúng ta vẫn vin vào một ban nhạc đã tan rã từ năm 1970 để chữa lành? Có lẽ bởi Paul đã đúng khi viết trong Yesterday rằng: "Ôi tôi tin tưởng vào ngày hôm qua".
Hãy nghĩ đến cửa hàng SMTown mới mở tại TP Hồ Chí Minh bày bán đủ mặt hàng liên quan tới các ngôi sao K-pop. Merchandising (thúc đẩy quảng bá) trong âm nhạc thực ra cũng đã khởi nguồn từ cơn sốt Beatlemania: một thời, 100.000 con búp bê Ringo cháy hàng trong 2 ngày. K-pop bán những gói trái cây sấy hiệu Red Velvet đã là gì, thậm chí người ta còn từng bán cả những chiếc hộp rỗng được quảng cáo là đựng... "hơi thở The Beatles" nữa! |
Theo Tuổi trẻ