Ngôi đình thờ Thành hoàng có công "âm phù" vua Lý đánh giặc

Di tích - Ngày đăng : 07:01, 14/09/2020

Đình Nhân Nghĩa thuộc khu dân cư Nhân Nghĩa, phường Nam Đồng (TP Hải Dương) thờ Thành hoàng làng Đào Công Tế, có công “âm phù” vua Lý Nam Đế đánh thắng giặc Lư­ơng, đem lại thái bình cho đất nước vào thế kỷ VI.


Toàn cảnh đình Nhân Nghĩa

Nhân Nghĩa nằm ở tả ngạn ven sông Thái Bình. Vào thời Lê trung hưng, Nhân Nghĩa là một làng thuộc xã Đại Phương, tổng Vũ La, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thôn Nhân Nghĩa thuộc xã Ái Quốc. Sau cải cách ruộng đất năm 1956, xã Ái Quốc tách thành 2 xã Ái Quốc và Nam Đồng. Năm 2008, xã Nam Đồng được sáp nhập về TP Hải Dương. Hiện Nhân Nghĩa là 1 khu dân cư thuộc phường Nam Đồng.

Theo sử sách để lại, Đào Công Tế có 5 anh em, là con ông bà tù trưởng Đào Nghĩa, vốn ăn ở hiền lành chất phác. Năm lên 6 tuổi, ngài đi học, thông minh giỏi giang, trong mấy năm đã thông hiểu kinh sử. Lên 10 tuổi ngài qua đời. Lúc bấy giờ vua Lý thân chinh dẹp giặc Lương, bị thua, về đến Nhân Nghĩa trang lập đàn cầu khẩn âm phù thần trợ để đánh giặc. Đến đêm vua nằm mộng thấy một người con trai đến quỳ tâu rằng: Bệ hạ không lo, ngày mai đem quân ra đón địch để tôi xem giúp sức thì giặc tan. Hôm sau, vua tin mộng ấy, cho quân ra đón đánh quân Lương, khiêu chiến thì quả nhiên trời tối sầm, lại mưa gió ầm ầm, nghe trên không có tiếng đọc 4 câu thơ rằng:

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư".


Quân Lương nghe thấy như thế lấy làm sợ hãi, tự nhiên tan vỡ. Vua rút quân về đồn ở trang Nhân Nghĩa khao quân thưởng tướng và cho dân làng 400 quan tiền để lập miếu thờ ngài, 800 quan tiền để sắm sửa đồ thờ; đồng thời miễn sưu thuế cho dân trang ấy 15 năm và phong mỹ tự cho ngài là Thượng Đẳng Phúc Thần, phong ngài làm Thành hoàng làng...


Ban thờ Thành hoàng Đào Công Tế

Do có công lao với dân với nước nên Đào Công Tế được vua Nguyễn ban nhiều sắc phong qua các triều đại Cảnh Thịnh thứ 1 (1893), Tự Đức thứ 6 (1853), 13 (1860), Đồng Khánh thứ 2 (1887), 3 (1888), Duy Tân thứ 3 (1909), Khải Định thứ 9 (1942). Song các sắc phong trên đã bị thất lạc trong kháng chiến chống Pháp. Hiện di tích chỉ còn giữ được 1 bản sao sắc phong thời Nguyễn.

Đình Nhân Nghĩa trước kia là một ngôi miếu được khởi dựng từ khá sớm trên nền đất cao ráo, bằng phẳng. Thời Nguyễn, ngôi miếu được nhân dân nâng cấp thành ngôi đình khang trang, to đẹp với kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung bằng gỗ tứ thiết. Khoảng năm 1976, đình bị phá hủy. Năm 1985, nhân dân khôi phục 1 gian đình để thờ cúng Thành hoàng. Năm 2006, xây dựng lại 3 gian hậu cung, năm 2012 làm 5 gian đại bái và 3 trung từ phía ngoài.

Hiện nay, đình Nhân Nghĩa có kiến trúc kiểu chữ công gồm 5 gian đại bái, 3 gian trung từ và 3 gian hậu cung, chất liệu bê tông cốt thép giả gỗ, móng tường xây bằng gạch chỉ. Sân đình lát ngạch bát đỏ, mái lợp ngói mũi, các góc mái đình có đắp đầu đao hình rồng, bờ nóc đắp nổi hình hổ phù đội mặt trời, hai bên bờ nóc đều đắp nghê, phượng trầu, vì kèo theo kiểu con chồng giá chiêng đậm phong cách truyền thống.

Đình Nhân Nghĩa có rất nhiều lễ tiết trong 1 năm theo lịch âm: lễ kỳ phúc (15 tháng giêng), lễ sinh nhật Thành hoàng (22 tháng 2), lễ hóa (15 tháng 9). Lễ hội chính được tổ chức 3 năm một lần vào 3 ngày 14, 15, 16 tháng giêng kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng, trong đó ngày 15 là trọng hội. Trong lễ hội có rước, tế lễ Thành hoàng, các trò chơi dân gian như bắt vịt, cầu thùm, đập niêu...

NGỌC TÂM ĐAN