COVID-19 gây thiệt hại gấp 4 lần so với khủng hoảng tài chính 2009

Thế giới - Ngày đăng : 14:27, 15/09/2020

Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết đại dịch COVID-19 gây tổn thất nặng nề hơn gấp bốn lần so với những tổn thất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.


Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Ấn Độ. Ảnh minh họa

Theo báo New York Times, trong báo cáo công bố ngày 14.9, OECD cho biết những tổn thất do đại dịch COVID-19 gây ra với các nền kinh tế lớn của thế giới đã nghiêm trọng hơn gấp bốn lần so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khoảng 11 năm trước.

Cũng theo OECD, đại dịch đã gây ảnh hưởng ở mức "chưa từng có tiền lệ" với sự phát triển kinh tế trong quý 2 của năm tài khóa 2020 tại hầu hết mọi quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc là nơi đầu tiên phát sinh dịch bệnh.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia thuộc nhóm G20 (gồm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu, chiếm 80% hoạt động kinh tế toàn cầu) trong từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay đã giảm kỷ lục 6,9%.

Mức giảm này lớn hơn nhiều so với mức giảm 1,9% từng là kỷ lục được ghi nhận ở cùng giai đoạn năm 2009, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ở mức đỉnh điểm. Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ các chính sách phong tỏa, hạn chế để phòng ngừa dịch bệnh.

Các số liệu thống kê về tỷ lệ tăng trưởng cho chính phủ các nước công bố. Tuy nhiên khi được thống kê lại trong báo cáo của OECD, người ta càng thấy rõ hơn quy mô tổn thất vì dịch bệnh ở phạm vi toàn cầu.

Theo đó, tỷ lệ tăng trưởng giảm mạnh nhất ở Ấn Độ (-25,2%) và Anh (-20.4%).

Tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm hơn 9% trong quý 2, khối đồng tiền chung euro giảm gần 15%. Trong thế tương quan so sánh, các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga có vẻ là những nước ít bị ảnh hưởng tiêu cực nhất vì dịch bệnh.

Báo cáo của OECD cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ còn tiếp tục suy thoái hơn nữa nếu làn sóng dịch bệnh thứ hai buộc nhiều chính phủ tái áp đặt các lệnh phong tỏa, cách ly diện rộng.

Nếu không có thêm các lệnh phong tỏa mới, tăng trưởng toàn cầu có thể giảm khoảng 6% trong năm nay.

Báo cáo của OECD cũng dự đoán làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai kéo theo những đợt phong tỏa mới có thể gây tình trạng thất nghiệp nhiều gấp đôi và phải mất ít nhất một năm nữa mới có thể hồi phục.

Theo Tuổi trẻ