Nghề làm giày da ở Hoàng Diệu
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 09:06, 16/09/2020
Thu nhập trung bình của người làm nghề giày da ở xã Hoàng Diệu đạt 80 triệu đồng/năm
Về cơ sở sản xuất giày da Đợi Bền của anh Vũ Văn Đợi, 41 tuổi, ở thôn Phong Lâm, chúng tôi thấy hàng chục lao động đang sử dụng máy móc để hoàn thiện những đôi giày dép đẹp mắt. Xưởng sản xuất tương đối rộng rãi với nhiều loại máy như máy gò, chặt, sấy, ép... đáp ứng yêu cầu sản xuất. Mỗi người thợ phụ trách một công đoạn như làm xương mặt giày, gò da vào phom, gò hậu, gò mũi, gắn đế, gắn gót, trang trí… Trước mặt mỗi người thợ là nguyên liệu của hàng chục đôi giày dép, xong mỗi công đoạn, họ xếp riêng để người khác tiếp tục công việc. Cứ thế quy trình sản xuất khép kín cho đến khi hoàn thành, sản phẩm được xếp ngay ngắn thành từng hàng để chờ mang đi tiêu thụ.
Anh Đợi cho biết đã theo nghề được gần 20 năm. Cơ sở của anh sản xuất cả giày nam và nữ, giá từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng/đôi, tiêu thụ chủ yếu trong nước. Trước khi theo nghề truyền thống, anh phải lên Hà Nội học nghề từ những người thợ Hoàng Diệu rời làng lập nghiệp. Từ sản xuất nhỏ, đến nay cơ sở của anh thuộc hàng lớn nhất xã, mỗi năm tiêu thụ từ 35-40 vạn đôi giày dép, thu lãi hơn 3 tỷ đồng; tạo việc làm cho 60 lao động có thu nhập từ 10-15 triệu đồng/người/tháng.
Những căn nhà khang trang xuất hiện nhiều trong xã
Rời thôn Phong Lâm, chúng tôi sang cơ sở sản xuất giày dép da của ông Phạm Gia Thiện, 65 tuổi, ở thôn Văn Lâm. Năm 1994, ông Thiện bắt đầu theo nghề truyền thống của gia đình. Ông nhớ lại, trước đây mọi công đoạn sản xuất giày dép đều làm thủ công, mỗi người thợ lành nghề chỉ sản xuất được trung bình 5 đôi giày/ngày, đến nay năng suất lao động đã cao gấp 10 lần nhờ máy móc hỗ trợ. Mỗi năm cơ sở sản xuất của ông bán ra khoảng 15vạn đôi giày dép. Hiện cơ sở tạo việc làm cho gần 60 lao động với thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Xã Hoàng Diệu là quê hương của ông tổ nghề giày da Việt Nam Nguyễn Thời Trung (1521-1592). Đến năm 2006, xã Hoàng Diệu đã có 4 làng nghề gồm Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm và Nghĩa Hy được công nhận là làng nghề giày da truyền thống với tổng số 400 hộ tham gia làm nghề, thu hút 1.600 lao động với thu nhập trung bình 80 triệu đồng/người/năm. Nghề truyền thống không chỉ đem đến cuộc sống sung túc cho người dân nơi đây mà còn kéo những lao động ở địa phương khác về làm việc ngay tại quê hương. Anh Lê Duy Tùng, 31 tuổi, ở thôn Phong Lâm chia sẻ: “Sau nhiều năm làm việc tại Quảng Ninh, tôi đã trở về quê làm ở cơ sở sản xuất giày da gần nhà từ 4 năm nay. Thu nhập của tôi bình quân được 14 triệu đồng/tháng, cao hơn ở những nơi khác, lại được gắn bó với quê hương, gìn giữ nghề truyền thống”.
VIỆT QUỲNH