Thích ứng trạng thái bình thường mới
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:11, 16/09/2020
Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Một số quốc gia như Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ... đang khẩn trương điều chế vaccine để phòng ngừa, dập dịch, nhưng kết quả còn hạn chế và cần có thời gian để khẳng định hiệu quả của các loại vaccine này.
Ở Việt Nam, đến nay cơ bản dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, đi đôi với phòng chống dịch vẫn phải đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vực dậy nền kinh tế đã bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề. Đã xuất hiện nhiều điển hình tốt vừa phòng chống dịch vừa thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chúng ta không thể ngồi chờ hết dịch rồi mới quay lại sản xuất, thúc đẩy đầu tư, xuất nhập khẩu...
Từ tình hình thực tiễn đang diễn ra như vậy, nên đòi hỏi mỗi người dân, doanh nghiệp, kể cả các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội đều phải có những thay đổi, tư duy mới, cách làm mới. Chúng ta vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ đề ra trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 hiện nay, đòi hỏi phải có cách làm, cách quản lý, điều hành thích ứng với trạng thái bình thường mới. Trạng thái bình thường mới cũng có nghĩa là thực hiện các nhiệm vụ đó trong bối cảnh vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Trong các cuộc họp gần đây của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cả nước chuyển trạng thái nhận thức mới cho mục tiêu kép. Đây là chiến lược dài hơi cần nội dung mới để các ngành, các địa phương có "kịch bản" cụ thể. Cần thay đổi cách quản lý để vượt qua khó khăn.
Nhìn lại thời gian qua, mặc dù phải dồn sức chống dịch Covid-19, nhưng sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn đạt hiệu quả cao, công nghiệp từng bước lấy lại trạng thái bình thường. Vốn đầu tư công 8 tháng năm 2020 tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu tăng 15,3%, nhập khẩu tăng 2,9%, xuất siêu 11,9 tỷ USD. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Chiều30.7.2020, tổ chức Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) công bố báo cáo với chủ đề trạng thái bình thường mới ở Việt Nam. WB dự báo năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng khoảng 2,8%, đứng thứ 5 thế giới.
Theo hướng đó, tỉnh Hải Dương cũng đang đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và các mặt hoạt động theo trạng thái bình thường mới. Nơi nào có dịch Covid-19 thì khoanh vùng, dập dịch, giãn cách, cách ly y tế. Các nơi khác tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, không giãn cách xã hội một cách tràn lan, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, lưu thông hàng hóa, buôn bán nhỏ lẻ. Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, chuyển phát hồ sơ qua bưu điện, họp trực tuyến ở các cấp, các ngành, giảm tiếp xúc trực tiếp.
Dịch Covid-19 vẫn ở quanh ta, thường trực trong môi trường chúng ta đang ở, chỉ chờ có cơ hội là bùng phát, lây nhiễm. Trước mắt, chưa có vaccine để phòng chống, chúng ta chấp nhận sống chung với dịch Covid-19 với sự bình tĩnh, khôn khéo, thông minh, tích cực phòng chống để chúng không lây nhiễm, xâm nhập vào cơ thể mỗi người. Cho nên mỗi người dân và cả cộng đồng xã hội phải chung sức đồng lòng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Trạng thái bình thường mới khác hẳn với bình thường trước đây nên mỗi người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần có "kịch bản" để ứng phó kịp thời khi có dịch Covid-19 xảy ra ở từng ngõ xóm, thôn, khu dân cư. Không hoang mang, lo sợ, nhưng cũng không thờ ơ, chủ quan, thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và các mặt công tác ở mỗi địa phương, cơ sở.
VŨ HOÀNG(Bình Giang)