30,8 triệu lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi đại dịch
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 08:22, 19/09/2020
Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Ngày 18.9, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp, nghe báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2021-2023 thuộc lĩnh vực lao động, xã hội, người có công.
Thông tin tại phiên họp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết trong 9 tháng đầu năm 2020, ngành lao động, thương binh và xã hội chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.
Đáng chú ý, 30,8 triệu lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi đại dịch và có thể nhiều hơn vào cuối năm. Số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019; bình quân mỗi tháng có 99.000 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Theo Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, trong bối cảnh đó, việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch COVID-19; thực hiện mục tiêu kép về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an toàn cho nhân dân trước đại dịch đã giúp tình hình kinh tế-xã hội nói chung dần ổn định trở lại, sản xuất kinh doanh được khôi phục, nhiều doanh nghiệp đăng ký mới hoặc trở lại hoạt động sau thời gian dài tạm ngừng do giãn cách xã hội đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
Bên cạnh những khó khăn chung do đại dịch COVID-19, việc thực hiện nhiệm vụ các tháng đầu năm 2020 thuộc lĩnh vực lao động, xã hội, người có công còn những tồn tại, hạn chế như các chính sách phát triển thị trường lao động thiếu đồng bộ, chưa thống nhất giữa các chính sách tăng trưởng kinh tế và việc làm, phát triển thị trường lao động; chưa kịp thời có những giải pháp ứng phó với những thay đổi trên thị trường lao động; hệ thống thông tin về lao động và việc làm của Việt Nam còn kém phát triển; kết nối cung-cầu lao động, điều tiết thị trường lao động còn hạn chế.
Bộ phận lao động không có giao kết hợp đồng chính thức trong thị trường lao động Việt Nam lớn, hầu như chưa tiếp cận các định chế kết nối cung-cầu lao động như các trung tâm dịch vụ việc làm và không nằm trong hệ thống thông tin thị trường lao động sẵn có (khoảng 39,9 triệu lao động không có giao kết hợp đồng chính thức, bao gồm khoảng 19 triệu lao động trong khu vực phi chính thức phi nông nghiệp)…
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết một số chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động-việc làm ước giảm, không đạt kế hoạch do chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo đó, trong 3 chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 85/2019/QH14, có chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 ước giảm còn dưới 3%, giảm từ 1-1,5% so với cuối năm 2019 (đạt kế hoạch).
Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị tính chung cả năm 2020 dự kiến trên 4% (không đạt kế hoạch). Tỷ lệ lao động qua đào tạo dự kiến đạt 64,5%. Trong đó, có bằng chứng chỉ đạt 24,5% (không đạt kế hoạch).
Trong 13 chỉ tiêu ngành có 2 chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch là giải quyết việc làm và tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động trong độ tuổi. Các chỉ tiêu còn lại dự kiến đều đạt kế hoạch.
Tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ băn khoăn khi nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao cũng như chỉ tiêu cụ thể của ngành thực hiện trong năm không đạt kế hoạch; đề nghị bộ cần có đánh giá, phân tích làm rõ tình hình, những khó khăn vướng mắc trong thực hiện các chính sách và có hướng giải quyết.
Thường trực Ủy ban nhất trí với nhiều nội dung báo cáo, cũng như ghi nhận những thành tích, nỗ lực, cố gắng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị bộ lưu ý một số vấn đề, trong đó công tác xây dựng pháp luật còn chậm; khi thiết kế và đề xuất nội dung chính sách thường không đánh giá, tổng kết chặt chẽ, nên khi trình, thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề.
Việc phát triển sử dụng công nghệ thông tin của ngành rất hạn chế và tác động của đại dịch COVID-19 càng làm lộ rõ hạn chế này. Năng suất lao động cũng là vấn đề hết sức quan tâm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng lực lượng lao động chuyển sang làm việc không ổn định dẫn đến năng suất không cao.
Chính sách an sinh xã hội chưa đồng bộ, chưa thống nhất một mục tiêu nhiều dự án, nhiều chương trình. Thực tế cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đều chỉ vì một mục tiêu tăng thu nhập. Việc phát triển thị trường đáp ứng xu hướng hội nhập cần hết sức quan tâm, kết nối cung-cầu lao động, trong đó vấn đề dự báo là hết sức quan trọng, ông Bùi Sỹ Lợi chỉ rõ.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo để trình tại phiên họp toàn thể ủy ban cũng như trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Theo TTXVN