Nikkei: Mỹ đang nhắm vào các tàu ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông

Bình luận - Ngày đăng : 14:41, 19/09/2020

Giới chức Mỹ và Nhật Bản lo lắng về việc Trung Quốc dùng chiến thuật "giương đông kích tây" để ngầm hiện thực hóa tham vọng chiến lược.


Cuộc tập trận ba bên giữa Hải quân Mỹ, Hải quân Hoàng gia Úc và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở biển Philippines ngày 21.7. Ảnh: Hải quân Mỹ

Từ tháng 7 tới tháng 9 năm nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều tổ chức các cuộc tập trận ở Biển Đông.

Giới quan sát quốc tế liên tưởng các cuộc tập trận diễn ra cùng thời gian này với căng thẳng leo thang giữa hai bên. Điều này đồng nghĩa dưới cái nhìn thông thường, đây là các màn tập trận nhằm tăng cường năng lực hoặc đơn giản "dằn mặt đối phương".

Nhưng dưới lăng kính quân sự, các chuyên gia đưa ra một bản phác thảo về bản chất của các đợt tập trận này, trong đó làm bật lên hai vấn đề: ý định của Trung Quốc và phản ứng tương ứng của Mỹ.

Về phần Trung Quốc, Nikkei Asian Review (Nhật Bản) ngày 18.9 nhận định rằng Bắc Kinh đang thực hiện chiến thuật "phân tán sự chú ý".

Cụ thể, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang có động thái đồng thời trên bốn mặt trận, gồm Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải và cả khu vực tranh chấp biên giới với Ấn Độ.

Tại khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép, nhánh Bộ Tư lệnh chiến khu phương Nam của PLA tổ chức tập trận từ ngày 1 tới ngày 5.7. Cũng trong giai đoạn đó, Bộ Tư lệnh chiến khu phương Bắc của quân đội Trung Quốc phụ trách tập trận ở biển Hoàng Hải.

Tại biển Hoa Đông, Bộ Tư lệnh chiến khu phương Đông cũng tổ chức tập trận. Và dĩ nhiên thời gian qua, quân đội Trung Quốc sa vào một cuộc đụng độ thực sự với Ấn Độ ở biên giới.

Như vậy, ở từng điểm nóng, các nhánh của PLA đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Nhưng đây không hẳn là một kiểu đối phó hay bố trí dàn trải. Ngược lại, đây có thể là một chiến thuật hẳn hoi.

Nikkei cho biết quan chức an ninh Nhật Bản lo rằng có khả năng Trung Quốc đang cố gắng thu hút sự chú ý của thế giới vào một khu vực, song thực tế lại dồn sức gặt hái mục tiêu chiến lược ở khu vực khác.

Chiến thuật đánh lạc hướng này thực ra từng được sử dụng trước đây. Nikkei dẫn lại trường hợp những năm 1950, khi Trung Quốc triển khai các hoạt động liên quan tới việc sáp nhập Tây Tạng, song song với bối cảnh can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên. Người ta đã gọi đây là một kiểu phân tán sự chú ý.

Cũng theo Nikkei, phía Mỹ dường như cũng nhìn ra kế sách của Trung Quốc, và câu trả lời nằm ở các cuộc tập trận ở Biển Đông. Khi hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan xuất hiện, đó là lần đầu tiên quân đội Mỹ tổ chức hai tàu này một lúc cho cuộc tập trận ở Biển Đông sau 8 năm.

Và việc Mỹ chọn Biển Đông cho thấy Lầu Năm Góc đã nhắm tới "trái tim" của quân đội Trung Quốc, nơi PLA có thể triển khai phương án cuối cùng: các tàu ngầm năng lượng hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Để bảo vệ "trái tim" này, Trung Quốc tích cực xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông và củng cố phòng thủ bằng tên lửa và chiến đấu cơ.

Trong bối cảnh đó, Mỹ phản ứng bằng các cuộc tập trận mô phỏng dùng máy bay cất cánh từ tàu sân bay và các lực lượng khác để phá hủy các đảo nhân tạo, tức đánh thẳng vào các căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc. Theo lý thuyết, sau đó Mỹ có thể triển khai các tàu ngầm để ra đòn chốt hạ.

Hồi giữa tháng trước, đã xuất hiện ảnh vệ tinh từ một công ty Mỹ chụp lối vào của căn cứ tàu ngầm Trung Quốc ở đảo Hải Nam. Đây không khác gì một tín hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng khiến tàu ngầm Trung Quốc không còn nơi trú ẩn nếu xung đột xảy ra, theo Nikkei.

Theo Tuổi trẻ