Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp, nên không?

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:50, 19/09/2020

Có giáo viên đề nghị chỉ đến giờ học học sinh mới được lấy điện thoại ra, thời gian còn lại, học sinh phải nộp điện thoại cho nhà trường giữ.


Cô Đồng Thị Kim Thủy hướng dẫn bài tập cho học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Hồ Chí Minh) thực hành trên smartphone. Ảnh: TỰ TRUNG

Trong khi nhiều học sinh reo hò vui sướng thì các hiệu trưởng, giáo viên và cả phụ huynh tỏ ra lo ngại với quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong trường THCS, THPT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành.

Một trong những điểm mới đáng chú ý trong điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông nhiều cấp học là học trò được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập với sự đồng ý của giáo viên. Điều chỉnh mới này xuất phát từ thực tế có các tình huống học sinh cần sử dụng những tính năng của điện thoại thông minh vào việc thực hiện yêu cầu học tập, tìm kiếm tài liệu tham khảo ngay trong thời gian diễn ra giờ học.

Phụ huynh ngỡ ngàng

Chị Nguyễn Bích Trang, phụ huynh có con học lớp 6, Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP Hồ Chí Minh, kể: "Năm nay con tôi vào lớp 6, nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường. Quy định mới của Bộ GD-ĐT làm phụ huynh chúng tôi rất ngỡ ngàng. Việc cho học sinh học tập với các loại máy móc hiện đại, trong đó có máy tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh, là một nhu cầu tất yếu của giáo dục hiện nay. Nhưng tôi cho rằng không nhất thiết phải cho học sinh mang điện thoại vào lớp mới có thể áp dụng được các hình thức dạy học hiện đại".

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay ở TP Hồ Chí Minh có khá nhiều trường tiểu học, THCS, THPT cấm học sinh mang điện thoại vào trường, nếu vi phạm sẽ bị tịch thu điện thoại.

Một lãnh đạo Trường THCS Trần Văn Ơn giải thích: "Khi nhà trường đưa ra lệnh cấm, một số phụ huynh cũng phản ứng rất dữ. Họ nói muốn cho con em mang điện thoại đi học để tiện liên lạc khi đưa đón. Để đáp ứng nhu cầu này, nhà trường đã bố trí 2 line điện thoại đặt ngay sảnh ra vào để học sinh tiện liên lạc với gia đình, nhưng điện thoại di động thì tuyệt đối không được mang vào trường vì phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh".

Tương tự, hiệu trưởng một trường THPT ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, phân tích: "Chúng tôi cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường vì lợi thì ít mà hại thì nhiều. Những cái hại thì rất kinh khủng: hẹn nhau chơi game, tán gẫu trên mạng, rồi khi mâu thuẫn các em hẹn gặp để đánh nhau. Có lần giáo viên của tôi phát hiện một nhóm học sinh ở trường khác sang tụ tập trước cổng trường tôi trong giờ tan học với thái độ khác thường. Điều tra một hồi thì được biết một học sinh trường tôi đã lên mạng "khiêu chiến" với nhóm học sinh này và hai bên nhắn tin sẽ gặp nhau sau giờ ra về để "giải quyết". Chưa kể, tình trạng học sinh lén vào Facebook, lén chơi game trong giờ học thì giáo viên rất khó quản lý vì sĩ số lớp quá đông".

Trường tư cấm, trường công mở

Trong khi đó, thầy Th. - giáo viên đã có kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm hơn 15 năm tại một trường THPT ở TP Hồ Chí Minh - nhận định: "Nếu có một cuộc khảo sát ở TP Hồ Chí Minh sẽ thấy 100% trường phổ thông tư thục cấm học sinh mang điện thoại vào trường, có lẽ vì họ đã nhận thức quá rõ những tác hại của việc này. Trường công lập thì có trường cấm, trường không. Tuy nhiên, những trường không cấm là những trường chưa xảy ra những vấn đề nghiêm trọng từ việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường hoặc sợ phụ huynh phản ứng, kiện cáo...".

Thầy Th. cho biết thêm: "Bản thân tôi cũng ủng hộ quan điểm cấm học sinh sử dụng điện thoại, bởi nó không phục vụ tốt cho việc học của học sinh. Giờ học mà các em lén lấy điện thoại ra làm việc riêng. Buổi trưa các em cũng không ngủ trưa mà mở điện thoại ra chơi game".

Thầy Th. đề nghị nếu cho học sinh sử dụng điện thoại để học tập thì chỉ đến giờ học học sinh mới được lấy điện thoại ra, còn tất cả thời gian còn lại học sinh phải nộp điện thoại cho nhà trường giữ, khi tan học mới được lấy về.

"Rồi những học sinh khó khăn, không đủ điều kiện mua smartphone thì sao. Những việc này Bộ GD-ĐT cũng cần nghĩ tới" - thầy Th. băn khoăn.

Cô Bùi Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cho rằng nếu cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường cần có quy chế hướng dẫn cụ thể chứ không thể nói chung chung.

Thậm chí, học sinh không mang điện thoại vào trường thì vẫn có thể học và thi trên mạng. Ví dụ, học sinh cần lên mạng để tìm tài liệu học tập thì mời vào thư viện truy cập trên máy tính của nhà trường. Học sinh cần học và thi online thì vào phòng máy tính...

Cho phép nhưng không tùy tiện

Trao đổi với phóng viên về những lo ngại của nhiều phụ huynh, giáo viên trước điểm mới cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, cho biết việc cho phép học sinh dùng điện thoại thông minh trong lớp học có điều kiện đi kèm chứ không phải tùy tiện có thể dùng điện thoại thoải mái để giao tiếp, giải trí.

"Trường hợp học sinh phải học trực tuyến, học sinh phải có máy tính, điện thoại thông minh để thực hiện việc tương tác với giáo viên, nhận nhiệm vụ học tập. Hay khi dạy học trực tiếp một số môn học, bài học cụ thể, nhất là các bài học đòi hỏi học sinh phải tìm hiểu thực tế, tìm kiếm tài liệu, giáo viên có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại để thực hiện nhiệm vụ học tập" - ông Thành nêu ví dụ.

Phải đánh giá kỹ lưỡng

Việc cho học sinh sử dụng điện thoại di động dù rằng vì mục đích học tập nhưng cũng cần được đánh giá kỹ lưỡng, trước hết xem người học và người dạy có thật sự cần hay không, cần tới đâu.

Nhiều khi chúng ta nghĩ việc mang điện thoại vào trường là cần thiết, nhưng trên thực tế học sinh và giáo viên ở một số lớp, một số địa phương thấy không. Ở nhiều vùng còn khó khăn, có được một chiếc điện thoại thông minh vẫn không dễ.

Khi cho phép các em sử dụng điện thoại, cần có quy định cụ thể các em được dùng trong trường hợp nào, tránh việc lạm dụng. Chẳng hạn, giờ ra chơi các em lấy lý do học tập để ở trong lớp dùng điện thoại cho mục đích khác như chơi game thì không nên.

Khi đó, giờ chơi có thể chỉ thấy các em mỗi người ngồi một góc cùng chiếc điện thoại. Ngoài ra, việc ảnh hưởng đến sức khỏe thị lực, nhất là với các học sinh nhỏ tuổi, cũng cần được tính đến.

TS HOÀNG NGỌC VINH(nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT)

Cần thêm quy định về an toàn thông tin

Cho phép học sinh sử dụng điện thoại phục vụ học tập là một bước đi tích cực. Nhiều nước trên thế giới đã cho phép học sinh dùng điện thoại nhưng phải nằm trong khuôn khổ.

Liệu học sinh có thể dùng điện thoại để ghi âm thầy cô giảng bài rồi cắt ghép vì mục đích tiêu cực? Học sinh có lén quay phim thầy cô rồi sử dụng để bôi xấu? Khác với sinh viên đại học, học sinh còn nhỏ và nhận thức chưa tới, nên những trường hợp như trên dễ xảy ra hơn.

Do vậy cần cụ thể hóa những việc học sinh được phép và không được phép làm gì với chiếc điện thoại trong giờ học. Cũng cần nói rõ cho học sinh từ đầu rằng ghi âm, quay clip để bôi nhọ là vi phạm pháp luật, tránh trường hợp các em phạm phải vì nghĩ đấy chỉ là trò đùa.

Ngay cả các thầy cô cũng cần được tập huấn để có thể dạy tốt hơn trong môi trường công nghệ hiệu quả và an toàn thông tin.

Ông TRẦN ANH TUẤN(Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh)

Theo Tuổi trẻ