Bộ sưu tập quý về đồ đồng Đông Sơn

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 08:00, 20/09/2020

Nhiều di chỉ thuộc nền văn hóa Đông Sơn như mộ thuyền ở Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh; trống đồng Hữu Chung, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ)...


Trống đồng Hữu Chung - hiện vật quý thời văn hóa Đông Sơn đã được công nhận bảo vật quốc gia

Nền văn hóa Đông Sơn tồn tại khoảng thế kỷ VII đến thế kỷ I trước Công nguyên, được đặt theo tên địa danh nơi phát hiện ra di chỉ đầu tiên đó là làng Đông Sơn (Thanh Hóa).

Tại Hải Dương, nhiều di chỉ thuộc nền văn hóa này như mộ thuyền ở Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh, TP Hải Dương; trống đồng Hữu Chung, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ); thạp đồng, trống đồng tại thôn Hoàng Lại, xã An Lương (Thanh Hà)... đã được phát hiện trong quá trình nghiên cứu, lao động sản xuất.
Đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hải Dương gồm 91 hiện vật, tương đối đa dạng về loại hình với nhiều kiểu dáng và kích thước như trống, thạp, thố, lao, giáo, mũi tên, rìu, đai lưng, chuông voi… Có thể chia các hiện vật trên thành các nhóm cơ bản như nhóm đồ dùng sinh hoạt (thau đồng, nồi đồng, thạp đồng, thố đồng...); nhóm vũ khí (vũ khí tấn công và vũ khí phòng ngự) như dao găm, chuôi doi, mũi giáo đồng, lao, mũi tên; nhóm hiện vật là nhạc khí gồm chuông voi, trống chậu, trống đồng...

Thông qua các hiện vật này đã phần nào giúp chúng ta nghiên cứu về lịch sử tự nhiên và xã hội của người Việt cổ. Về giá trị mỹ thuật, nhiều hiện vật được trang trí cầu kỳ, hoa văn tinh xảo như trống đồng Hữu Chung, trống đồng, thạp đồng Hoàng Lại, trống đồng làng Gọp… Các đề tài trang trí phong phú như hình người hóa trang lông chim cách điệu, hình chim lạc bay, điển hình là hoa văn hình thuyền được khắc họa bằng nghệ thuật biến hình, cách điệu cao. Các mảng đề tài được đặt trong bố cục cân đối, hài hòa tạo ra sự gần gũi, mang giá trị thẩm mỹ cao.

Về giá trị văn hóa, thông qua những hiện vật là đồ dùng sinh hoạt như thau đồng, trống chậu, nồi đồng… ta có thể hiểu được một phần bức tranh sinh động về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của cư dân Việt cổ thời xa xưa. Những hình khắc, hoa văn trang trí trên trống đồng, thạp đồng, nồi đồng phản ánh tư duy của cư dân trồng lúa nước. Nội dung trang trí trên trống đồng Hữu Chung đã diễn tả cảnh sinh hoạt thông qua các điệu nhảy, hoạt động lễ hội của cư dân thuộc nền văn hóa Đông Sơn.

Về giá trị khoa học, các hiện vật đã thể hiện trình độ tư duy khoa học của người Việt. Những người thợ Đông Sơn đã cân đong chuẩn xác tỷ lệ các thành phần hợp kim đúc đồng. Theo những phân tích của các nhà khoa học, thời Đông Sơn, kỹ thuật luyện kim đã có sự đột phá, sử dụng chì để tạo nên một hợp kim có nhiều ưu việt, có thể đúc các vật lớn như trống, thạp đồng, giúp cho các đường nét hoa văn được điền đầy, sắc nét...

Sưu tập đồ đồng Đông Sơn đã được Bảo tàng Hải Dương quan tâm bảo quản. Cổ vật Đông Sơn có tuổi cao, mang dấu ấn văn hóa độc đáo, chế tác tài tình và tinh xảo nên việc phục chế, bảo quản rất khó khăn. Mặc dù là những hiện vật bằng kim loại, khả năng bền vững cao, song chủ yếu nằm dưới lòng đất qua hàng nghìn năm, đã bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Với ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo tàng, các hiện vật này đã được bảo quản tốt.

Trong số những hiện vật đồ đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Hải Dương, trống đồng Hữu Chung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Đây cũng là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Hải Dương.

PV (tổng hợp)