Thu Hằng giành vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:43, 20/09/2020
Thu Hằng xuất sắc về nhất với 235 điểm- Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Hằng là nữ thí sinh đầu tiên về nhất cuộc thi sau 9 năm và giành suất học bổng 40.000 USD.
Vũ Quốc Anh đoạt 165 điểm, giành giải nhì. Lưu Đào Dũng Trí (130 điểm) và Văn Ngọc Tuấn Kiệt (85 điểm) cùng nhận giải ba.
Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 (Olympia 20) diễn ra tại điểm cầu trường quay S14 - Đài Truyền hình Việt Nam và 4 điểm cầu tại Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị và Đắk Lắk. Chương trình được phát sóng trực tiếp trên VTV3.
Vượt hàng chục cây số cổ vũ 'nhà leo núi'
Bốn nhà leo núi xuất sắc góp mặt trong trận chung kết gồm: "ẩn số" Lưu Đào Dũng Trí (Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, Hà Nội); "cô gái vàng" Nguyễn Thị Thu Hằng (Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình); Văn Ngọc Tuấn Kiệt (Trường THPT thị xã Quảng Trị, Quảng Trị) - "truyền nhân" của huyền thoại Olympia Phan Đăng Nhật Minh; Vũ Quốc Anh (Trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk) liên tục xô đổ nhiều kỷ lục.
Các thí sinh trải qua các phần thi: Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc và Về đích.
Không khí cổ vũ sôi động tại trường quay S14 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Là thí sinh nữ có điểm cao nhất trong lịch sử 20 năm cuộc thi với tổng điểm 350, Thu Hằng cho biết có chút lo lắng vì trước mắt là trận đấu rất lớn, nhưng khá hào hứng vì được quay trở lại đứng trên trường quay S14.
"Mình chuẩn bị sẵn tâm lý 'chiến đấu' với 3 bạn nam. Ngay từ vòng thi tháng, mình chung trận với toàn các bạn nam nên cũng không quá bất ngờ hay xa lạ. Mình nhận được nhiều chú ý từ mọi người, thậm chí mình đọc nhiều bình luận thấy khán giả chờ đợi xem "cô gái duy nhất" có thể làm nên bất ngờ nên cũng có hơi áp lực. Mình sẽ cố gắng biến nó thành động lực", Hằng nói.
Tại cổng trường quay Đài Truyền hình Việt Nam, những người bạn từ trung tâm thủ đô trao cho nhà leo núi Lưu Đào Dũng Trí món quà đặc biệt: kẹo Chipchip hỗ trợ cảm xúc.
"Đồ ngọt làm tăng cảm xúc, khi mình buồn sẽ hỗ trợ cảm xúc tốt hơn, nếu mình vui đồ ngọt càng tăng cảm xúc", một người bạn chia sẻ về món quà đặc biệt. Nhận món quà tinh thần từ các bạn, nhà leo núi Dũng Trí xúc động: "Nhờ món quà này, mình hy vọng sẽ thi tốt".
Tại điểm cầu Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy Phạm Minh Phương, Phó Hiệu trưởng chia sẻ: "Tôi muốn nhắn đến Trí: nhà trường luôn đứng sau em, nhà trường đã chuẩn bị món quà đặc biệt cho Trí và chờ đón em, hãy thể hiện hết mình!".
Tại Trường THPT Ngô Gia Tự, Ea Kar, Đắk Lắk, từ 5h30 hàng trăm học sinh đã có mặt để cổ vũ nhà leo núi Vũ Quốc Anh. Hai bên sân khấu chính là các dàn cồng chiêng, thổ cẩm đại diện cho bản sắc Tây Nguyên. Quốc Anh là học sinh không chuyên đầu tiên của Đắk Lắk có mặt ở vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia 20.
Rất đông người dân Quảng Trị có mặt tại sân trường THPT Thị xã Quảng Trị để cổ vũ cho Tuấn Kiệt - Ảnh: QUỐC NAM
Tại Quảng Trị, ban tổ chức tại điểm cầu Trường THPT thị xã Quảng Trị bất ngờ khi hàng ngàn người dân đến sân trường cổ vũ cho Tuấn Kiệt, trong đó nhiều người vượt quãng đường hàng chục kilomet. Sân khấu dựng tại sân trường chật cứng, nhiều người phải leo lên tầng 2 của dãy nhà đối diện để có thể theo dõi phần thi của Tuấn Kiệt.
Ông Trần Phụng, 65 tuổi, trú xã Gio Thành, huyện Gio Linh còn đưa cả cháu nội đi theo. Cháu ông mới học lớp 6. Ông Phụng nói Tuấn Kiệt không phải quê Gio Linh nhưng là niềm tự hào của Quảng Trị. Không cần biết Kiệt có giành được vòng nguyệt quế hay không, chỉ cần Kiệt có mặt ở trận cuối cùng thôi là đã xứng đáng để ông đến tận nơi cổ vũ.
"Tui đưa cháu theo cũng có mong muốn cháu có thêm chút động lực để phấn đấu học tập", ông Phụng nói.
Quốc Anh dẫn đầu vòng Khởi động
Kết quả các thí sinh sau phần thi khởi động, tuy nhiên sau khi xem lại đoạn băng, ban tổ chức phát hiện một câu hỏi về lĩnh vực hóa học Hằng trả lời sai, em bị trừ 10 điểm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ở phần thi Khởi động, số lượng câu hỏi trong phần thi này là không giới hạn, trong vòng 1 phút, mỗi thí sinh khởi động với các câu hỏi thuộc lĩnh vực: toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa, thể thao, nghệ thuật, tiếng Anh... Mỗi câu trả lời đúng được 10 điểm, trả lời sai không bị trừ điểm.
Văn Ngọc Tuấn Kiệt - người con Quảng Trị bước vào phần thi Khởi động đầu tiên. Ở phần này, Kiệt trả lời đúng 3 câu hỏi, giành 30 điểm.
Tiếp đến là phần Khởi động của "sư tử" Vũ Quốc Anh. "Leo ơi, cứ chill thôi", những người bạn cùng lớp gửi lời động viên đến Quốc Anh. Chàng trai "mít ướt" xúc động rơi lệ ngay tại trường quay. Với phần thi của mình, Quốc Anh trả lời xuất sắc 9 câu hỏi, đoạt 90 điểm.
Thứ ba là "cô gái vàng" Thu Hằng. Ở phần thi này câu chuyện của hai em Trúc Nhi - Diệu Nhi được đưa vào câu hỏi. Thu Hằng trả lời đúng 7 câu hỏi, giành 70 điểm. Tuy nhiên sau khi xem lại đoạn băng, ban tổ chức phát hiện một câu hỏi về lĩnh vực hóa học Hằng trả lời sai, em bị trừ 10 điểm.
Cuối cùng là phần thi khởi động của chàng trai "vượt cửa hẹp" Lưu Đào Dũng Trí. Cậu trả lời đúng 5 câu hỏi, đoạt 50 điểm.
Như vậy, chung cuộc Quốc Anh dẫn đầu phần thi Khởi động với 90 điểm. Tiếp theo là Thu Hằng 60 điểm, Dũng Trí 50 điểm và Tuấn Kiệt đạt 30 điểm.
Thu Hằng vượt chướng ngại vật thành công
Thu Hằng ăn mừng sau khi trả lời đúng từ khóa của phần thi Vượt chướng ngại vật - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bốn nhà leo núi bước vào phần thi Vượt chướng ngại vật. Có 4 từ hàng ngang - cũng chính là 4 gợi ý liên quan đến chướng ngại vật mà các thí sinh phải đi tìm. "Bình tĩnh, tự tin, chiến thắng", những người con Quảng Trị gửi lời động viên "tiếp sức"đến nhà theo núi Tuấn Kiệt sau phần thi đầu tiên không mấy suôn sẻ. Cậu là người lật mở gợi ý đầu tiên với hàng ngang số 4 với 9 chữ cái.
Câu chuyện “ATM gạo” của anh Tuấn Anh (TP Hồ Chí Minh) được đưa vào gợi ý, sau ATM gạo này thì anh đưa ATM nào vào? Câu trả lời đúng là “khẩu trang”. Sau gợi ý này Quốc Anh và Thu Hằng trả lời đúng, đạt thêm 10 điểm.
9h, sau gợi ý đầu tiên, Thu Hằng nhấn chuông xin trả lời chướng ngại vật. Em trả lời: "Y tế". Cả trường quay vỡ òa, cổ động viên Ninh Bình khóc trong vui sướng, Thu Hằng vượt chướng ngại vật thành công.
Như vậy, Thu Hằng giữ vị trí đầu tiên đạt 150 điểm. Quốc Anh đứng thứ nhì với 100 điểm, Dũng Trí 50 điểm, Tuấn Kiệt 30 điểm.
Bốn nhà leo núi cùng Tăng tốc, Thu Hằng nhanh nhất
Điểm số các thí sinh sau vòng Tăng tốc - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Phần tăng tốc gay cấn. Có 4 câu hỏi, thời gian suy nghĩ là 30 giây/câu.
Mở đầu là tìm thông điệp của bức hình. Câu trả lời đúng là: "Make in Viet Nam". Ở phần thi này chỉ có Quốc Anh trả lời đúng, em giành trọn 40 điểm.
Độ khó ở phần thi này tăng lên. Câu hỏi thứ hai là tìm người trong bức hình, câu trả lời đúng là nhà thơ Tố Hữu. Ba bạn trả lời đúng là: Thu Hằng, Quốc Anh, Tuấn Kiệt, tương ứng với các số điểm 40 điểm, 30 điểm và 20 điểm.
Câu hỏi thứ ba là sắp xếp miếng ghép để có logo của năm ASEAN 2020. Ở câu hỏi này, Tuấn Kiệt trả lời "CFBDEA" trả lời nhanh nhất, đoạt 40 điểm. Ba nhà leo núi Dũng Trí, Thu Hằng, Quốc Anh cùng trả lời đúng.
Câu hỏi thứ tư là chữ "Dân". Tuấn Kiệt trả lời nhanh nhất đoạt 40 điểm, Thu Hằng, Dũng Trí, Quốc Anh lần lượt đạt số điểm 30, 20, 10 điểm.
Chung cuộc, Thu Hằng tăng tốc nhanh nhất, tạm dẫn đầu với 240 điểm. Quốc Anh 190 điểm đứng thứ nhì. Tuấn Kiệt bứt phá thành công vươn lên vị trí thứ ba đạt 130 điểm. Tạm đứng vị trí thứ 4 là Dũng Trí với 100 điểm.
Tuấn Kiệt Về đích không thành công
Tuấn Kiệt ở phần thi Về đích - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Các thí sinh bước vào vòng thi Về đích. Vòng nguyệt quế đang chờ đợi nhà leo núi xuất sắc nhất chinh phục.
Khác với 19 mùa thi trước, gói câu hỏi này sẽ là câu theo mức độ. Có 3 mức điểm: 10 điểm, 20 điểm và 30 điểm, mỗi mức điểm gồm 3 câu hỏi. Thời gian suy nghĩ và trả lời câu hỏi 10 điểm là 10 giây, câu 20 điểm là 15 giây và câu 30 điểm là 20 giây.
Người con Quảng Trị Văn Ngọc Tuấn Kiệt là nhà leo núi đầu tiên thi Về đích. Trước khi bước vào phần thi của mình, Kiệt gửi lời cảm ơn đến ban giám hiệu, thầy cô, nhà trường, các bác cựu chiến binh, gia đình đã tạo điều kiện cho em tham gia cuộc thi này.
Kiệt chọn 1 câu 20 điểm và hai câu 30 điểm. Với câu hỏi 20 điểm đầu tiên về trường điện từ ngoài của cáp quang, Kiệt trả lời sau, Trí nhấn chuông xin trả lời. Câu trả lời này ban cố vấn cho rằng hai bạn chưa trả lời đúng ý của câu hỏi.
Câu hỏi tiếp theo 30 điểm, Kiệt quyết tâm chọn ngôi sao hy vọng. Câu hỏi được đưa ra nằm trong "Bản tuyên ngôn độc lập" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rất tiếc Kiệt chưa trả lời đúng, không có nhà leo núi nào nhấn chuông xin trả lời. Với câu hỏi này, Kiệt chọn ngôi sao hy vọng nên bị trừ 30 điểm.
Câu cuối cùng liên quan đến suy luận. Kiệt trả lời sai, Quốc Anh nhấn chuông xin trả lời là "20", nhưng đáp án đúng là 27. Như vậy, Tuấn Kiệt "về đích" không thành công, em có 100 điểm.
Quốc Anh chỉ còn 175 điểm
Quốc Anh trong phần thi về đích - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trước khi về đích, Quốc Anh "xắn quần" khoe đôi tất của bố tặng. "Olympia đối với em là hành trình dài. Em cảm ơn mọi người trong gia đình đã đến cổ vũ, giúp đỡ em trong quá trình ôn luyện vừa qua. Cảm ơn những người bạn, thầy cô đã cổ vũ nhiệt tình cho em", Quốc Anh xúc động gửi lời cảm ơn đến mọi người trước phần thi quan trọng.
Quốc Anh "đánh cược" chọn 3 câu 30 điểm. Câu hỏi đầu tiên về thành tựu giống lúa lai F1, phương pháp lai nào đã làm nên thành công này? Với câu hỏi này, Quốc Anh bình tĩnh trả lời "lai khác dòng", em xuất sắc trả lời đúng câu hỏi đoạt 30 điểm.
Câu tiếp theo về sự kiện lịch sự tại khu di tích Pác Bó (Cao Bằng). Quốc Anh trả lời sai, Tuấn Kiệt nhấn chuông xin trả lời với "Sự kiện thành lập mặt trận Việt Minh" nhưng chưa trả lời đúng. Tuấn Kiệt trả lời sai bị trừ 15 điểm. Quốc Anh cũng bị trừ 30 điểm vì chọn ngôi sao hy vọng.
Câu hỏi cuối cùng về những nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường, ung thư, tim mạch, Quốc Anh chưa trả lời đúng. Sau phần thi này, Vũ Quốc Anh giành số điểm 175 điểm.
Thu Hằng được 250 điểm
Thu Hằng đoạt 250 điểm sau phần thi Về đích - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Từ quê nhà, các cổ động viên gửi đến Thu Hằng món đặc sản bún mọc Kim Sơn để ủng hộ em về đích vững vàng. Với 240 điểm tạm dẫn đầu, Hằng chọn mức điểm an toàn với 3 câu 10 điểm.
Câu hỏi đầu tiên về những điều khi tiếp xúc với dân của một đơn vị, Hằng trả lời "Quân đội nhân dân Việt Nam" nhưng trả lời sai, Quốc Anh nhấn chuông nhưng trả lời sai bị trừ 5 điểm.
Câu hỏi tiếp theo về Hóa học, Hằng trả lời NaHCO3, em trả lời đúng đạt 10 điểm.
Câu cuối cùng liên quan đến hát then của ba dân tộc. Thu Hằng trả lời "Tày, Thái, Mường" nhưng trả lời sai, Quốc Anh nhấn chuông xin trả lời "Tày, Nùng, Dao" nhưng sai bị trừ 5 điểm. Câu trả lời đúng là "Tày, Nùng, Thái".
Dũng Trí giành 20 điểm Về đích, Thu Hằng bị trừ 15 điểm
Vòng thi Về địch, Trí chọn một câu 20 điểm, và hai câu 30 điểm. Câu hỏi đầu tiên về lịch sử, Trí trả lời hoàn toàn chính xác đoạt 20 điểm.
Câu hỏi thứ hai 30 điểm về kiến thức Vật lý. Trí chưa trả lời đúng, Thu Hằng nhấn chuông xin trả lời nhưng trả lời sai, bị trừ 15 điểm.
Câu hỏi thứ ba thuộc lĩnh vực Văn học, nhưng Trí chưa trả lời được. Em hoàn thành phần thi Về đích với 130 điểm.
Như vậy với điểm số chung cuộc cao nhất, Thu Hằng đã giành vòng nguyệt quế cuộc thi năm nay.
Hàng trăm học sinh tập trung về Trường THPT Ngô Gia Tự, Ea Kar, Đắk Lắk từ 5h30 sáng để cổ vũ cho nhà leo núi Vũ Quốc Anh - Ảnh: TRUNG TÂN
Chiếc cúp của các bạn học sinh THPT chuyên Sư phạm Hà Nội dành cổ vũ cho Dũng Trí - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Học sinh trường THPT chuyên Sư Phạm Hà Nội đội mưa cổ vũ Dũng Trí - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Không khí cổ vũ sôi động tại trường quay S14 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Không khí tại đầu cầu Quảng Trị sôi động sau màn Tăng tốc xuất sắc của Tuấn Kiệt - Ảnh: QUỐC NAM
Bốn thí sinh bên cạnh vòng nguyệt quế trước khi bước vào trận chung kết năm nay - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
4 nhà "leo núi" sẵn sàng chinh phục thử thách - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thu Hằng là nữ thí sinh đầu tiên giành vòng nguyệt quế sau 9 năm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bốn nhà leo núi nhận phần thưởng sau cuộc thi - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Năm nay, Đường lên đỉnh Olympia bước sang năm thứ 20. Bốn nhà leo núi tham gia tranh tài trực tiếp tại trường quay Đài Truyền hình Việt Nam và 4 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk.
Theo Tuổi trẻ