Kích cầu nội địa thúc đẩy thị trường trong nước phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 19:51, 21/09/2020

Mở rộng được thị trường nội địa sẽ tạo được một sân nhà vững chắc, là nền tảng để doanh nghiệp phát triển, bước tiếp sang thị trường khác một cách mạnh mẽ.


Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp dệt may sụt giảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+

Trước những khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bởi dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, thay vì đem chuông đi đánh xứ người, nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp “về nhà.” Bởi, dù doanh thu từ thị trường nội địa gần đây có dấu hiệu sụt giảm nhẹ nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây vẫn là động lực chính cho doanh nghiệp phát triển.

Do đó, thời gian tới, nhiều giải pháp kích cầu nội địa để thúc đẩy thị trường trong nước phát triển sẽ được Bộ Công thương đẩy mạnh triển khai.

Tạo thế vững chãi

Gặp khó khăn ở thị trường xuất khẩu quen thuộc, ông Nguyễn Văn Miêng, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Dệt may Nam Định chia sẻ nếu như trước đây công ty sản xuất 1.100 tấn sợi thì đồng nghĩa với tỷ trọng xuất khẩu lên tới 65%.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến lượng đơn hàng và làm sụt giảm một lượng đáng kể xuống chỉ còn 45% lượng sợi xuất khẩu.

Ngoài ra, với mặt hàng vải, các tháng đầu năm do đơn hàng ký trước nên công ty sản xuất 1,2 triệu mét/tháng. Thế nhưng, từ đầu quý 3 đến nay, mỗi tháng công ty đã sụt giảm từ 230-300 nghìn mét vải.

Chính bởi vậy, để bù đắp thiếu hụt công ty đã quay về đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa và mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc, hướng tới dòng sản phẩm mới và tận dụng lợi thế vải qua nhuộm để bán sản phẩm đã qua hoàn tất nhằm cung cấp cho các công ty may.

Tương tự vậy, Tổng công ty CP Thủy hải sản Minh Phú là đơn vị thành công trong chiến lược xuất khẩu và hàng hóa chủ yếu hướng tới thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Đông.

Thời gian gần đây, Minh Phú đã quyết định quay về thị trường nội địa bởi doanh nghiệp có lợi thế hiểu thị trường, hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam hơn nên có nhiều cơ hội để cạnh tranh với hàng hoá nước ngoài.

Hơn nữa, 85% người Việt Nam vẫn lựa chọn kênh phân phối truyền thống trong khi các nhà phân phối nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu là phát triển kênh phân phối hiện đại. Ngoài ra, đơn vị này cũng cho rằng khi bán hàng ở thị trường nội địa, chi phí tiếp thị cũng rẻ hơn.

Bởi, kinh tế khó khăn, thu nhập giảm hoặc không ổn định khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, thay đổi hành vi mua hàng, nhạy cảm hơn trước biến động giá cả và khắt khe hơn trong việc lựa chọn hàng hóa.

Do đó, quay về thị trường nội địa không chỉ giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn đầu ra mà còn làm tăng vị thế của doanh nghiệp ở thị trường quốc tế và ngược lại.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường nội địa đang phát triển có thể bổ sung một phần hoặc thậm chí đối trọng với thị trường nước ngoài. Đến nay, gần 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu (với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD mỗi ngày).

Với tốc độ hiện tại, mỗi năm sẽ có thêm 1 triệu người Việt Nam tham gia nhóm này. Tầng lớp trung lưu mới nổi này sẽ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ không chỉ nhiều hơn mà còn chất lượng tốt hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực thông qua sử dụng các nguồn lực hiệu quả và đổi mới, sáng tạo hơn

Thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tuy hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 có xu hướng giảm so với tháng trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 bùng phát trở lại, song đây vẫn là mảng thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 2,68% so với tháng 7 và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02%.

Tuy vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 đạt 422,9 nghìn tỷ đồng, vẫn tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 334,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6%.

Tính chung 8 tháng, xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.553,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,2% tổng mức và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.


Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn chung của dịch COVID-19,  thị trường nội địa chính là cứu cánh cho doanh nghiệp cả trước mắt và lâu dài.

Khi doanh nghiệp hướng tới thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam hơn, doanh nghiệp làm chủ thị trường đất nước, đỡ phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài. Từ đó, tạo ra độ an toàn chắc chắn và yếu tố bền vững cao hơn cả ở trước mắt và tương lai.

Về lâu dài, các doanh nghiệp mở rộng được thị trường nội địa sẽ tạo được một sân nhà vững chắc, là nền tảng để doanh nghiệp phát triển, bước tiếp sang thị trường khác một cách mạnh mẽ.

Chủ động nhiều giải pháp

Ông Tô Hoài Nam cho rằng tất cả mặt hàng thiết yếu đều có thể khai thác mạnh mẽ được ở thị trường nội địa, đặc biệt một số lĩnh vực liên quan đến sản xuất các đồ gia dụng, may mặc là những hàng hóa có thể tìm đến thị trường nội địa để tìm chỗ đứng.

Tuy nhiên, để có thể làm tốt việc mở rộng thị trường nội địa, bên cạnh việc bảo đảm đạt chuẩn hàng hóa đề giữ uy tín, doanh nghiệp cũng cần chú trọng tới trách nhiệm xã hội để xây dựng thương hiệu tốt.

Theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, vai trò quan trọng của thị trường nội địa và lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng Việt đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh. Bởi, khi dịch COVID-19 diễn biến khó lường, thị trường nội địa chính là “cứu cánh” cho doanh nghiệp.

Phát huy kết quả đạt được, Bộ Công thương và các bộ, ngành đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa Việt Nam thông qua việc tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại; trong đó, chú trọng tổ chức online cả trong và ngoài nước nhằm kết nối tiêu thụ hàng hóa.

Thông qua các hoạt động này, doanh nghiệp Việt Nam đã không chỉ kết nối cung-cầu nội địa thành công mà còn kết nối được với đối tác ở nhiều thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc... Sắp tới, Bộ Công thương sẽ phát huy những kết quả đạt được, phối hợp với các đơn vị khác để triển khai nhiều chương trình hơn nữa.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công thươg đã chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, vận động, yêu cầu các doanh nghiệp cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, nhất là khi trên địa bàn xảy ra dịch bệnh.

Bên cạnh đó, bộ cũng yêu cầu các đơn vị đánh giá nguồn cung, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh; rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới và chủ động thực hiện các phương án dự trữ cung ứng hàng hóa để bình ổn thị trường theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh đã xây dựng trước đây và có phương án về khả năng hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho các địa phương khác khi cần thiết.

Đặc biệt, bộ yêu cầu các doanh nghiệp có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống; báo cáo phương án cung ứng hàng hóa về Bộ Công thương.

Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản trình Chính phủ để sớm tổ chức triển khai thực hiện, góp phần đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ nông sản cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đặc biệt, bộ sẽ rà soát khung khổ pháp lý cho việc phát triển thương mại nội địa trên môi trường điện tử, bảo đảm tính chặt chẽ và lưu ý các biện pháp hạn chế các hành vi gian lận thương mại, xây dựng các chế tài xử lý nghiêm nhằm thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và thương mại điện tử trong thời gian tới.

Theo TTXVN