Cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học: Chỉ là vui phút chốc!
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:08, 23/09/2020
Dư luận xẻ đôi ý kiến khi bàn về điều 37 của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, song tựu trung lại, có nhóm ủng hộ và có nhóm phản đối việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học, phục vụ cho học tập với sự đồng ý của giáo viên.
Là nhà giáo, tôi có mấy ý kiến sau:
Thứ nhất, dự nhiều cuộc họp triển khai công việc, chỉ gồm cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục, thế nhưng đang nghe báo cáo thì không ít người dự họp sử dụng điện thoại di động.
Giám đốc của tôi có lúc nhắc nhở nghiêm khắc: “Đồng chí nào dùng điện thoại di động thì mời ra ngoài”. Chỉ được lúc đó, những cuộc họp sau vẫn “chứng nào tật ấy”, những đôi mắt vẫn dán vào màn hình điện thoại di động. Tôi biết có trường chính trị, trong giờ học của học viên các lớp trung cấp, cao cấp lý luận (đối tượng đi học thuộc diện quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý), để học viên tập trung, nhà trường phải dùng thiết bị phá sóng điện thoại di động. Qua báo chí tôi biết, ở một Quốc hội nước ngoài, trong lúc họp có nghị sĩ dùng điện thoại di động xem ảnh… sex!
Người lớn lúc họp, học chưa có thói quen tốt sử dụng điện thoại di động, giờ yêu cầu đối với học sinh, liệu rằng có khả thi?
Ảnh minh họa |
Thứ hai, tôi có người quen, anh hiện có con đang theo học một trường quốc tế tại Hà Nội. Anh cho tôi biết lớp con anh học, học sinh không được sử dụng điện thoại di động mà chỉ sử dụng máy tính cá nhân, cấu hình cao, để phục vụ hoạt động học tập cá nhân, nhóm.
Trong giờ học, chẳng cháu nào ngó ngàng tới điện thoại di động. Học phí trường này thuộc vào hàng “khủng” nhưng anh chị rất ưng ý. Anh nói với tôi sẽ cho cháu học tại đây cho đến khi tốt nghiệp THPT.
Thứ ba, học sinh phổ thông tại Nhật Bản, tôi biết có trường chỉ cho học sinh dùng điện thoại “cục gạch”, nhưng máy tính thì xịn! Giờ học, các em làm việc trên máy tính cùng thầy cô và các bạn. Kỷ luật học đường ở Nhật Bản nổi tiếng nghiêm khắc. Những trường tôi biết, họ không hề cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học, dẫu là phục vụ cho học tập.
Thứ tư, học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, trước tiên, cần xem các em dùng vào mục đích gì? Dạy học đã lâu, tôi băn khoăn, với sách giáo khoa hiện hành, thiết bị hiện có trong phòng học (máy tính giáo viên, máy chiếu, tivi) và với thầy cô - chưa đủ hay sao mà còn cho học sinh sử dụng điện thoại di động? Không biết học sinh học được gì thêm khi các em đồng thời được phép “lướt smartphone”?
Kiểm soát học sinh dùng điện thoại trong giờ học có đúng mục đích hay không phải có thiết bị công nghệ và con người. Có như thế mới chặn được việc học sinh đang học nhưng do có điện thoại trên tay, các em vào Facebook, vào các chương trình giải trí.
Giáo viên sẽ kiểm soát như thế nào nếu lớp học có số học sinh từ 40 đến 50 em? Cấp THPT có khó quản lý nhưng dễ hơn nhiều so với sự hiếu động của học sinh THCS, tiểu học. Không khéo thầy cô “cháy giáo án” chỉ vì dừng lại nhắc, kiểm soát học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích. Tôi hình dung, có không ít thầy cô bó tay, và sẽ có thầy cô thôi thì… miễn là xong được bài dạy. Cách đây không lâu, dư luận từng dậy sóng với việc có giáo viên ở trường nọ (dạy trực tiếp, học sinh không dùng điện thoại di động) lặng lẽ ghi bảng suốt mấy tháng trời.
Một hiệu trưởng chia sẻ rằng “Cho học sinh dùng smartphone, chưa thấy em nào hư”, cũng là hiệu trưởng, tôi băn khoăn nhận định đó có chủ quan không?
Thứ năm, cho phép học sinh sử dụng điện thoại khi các em cùng nhau làm chuyên đề, dự án học tập, lúc tham gia hoạt động dã ngoại, trải nghiệm. Trong giờ học, học sinh dùng điện thoại di động phụ thuộc vào việc các em học môn gì, bài học nào, mà việc dùng điện thoại di động giúp các em thêm nguồn tư liệu. Với mục đích đó, sẽ không nhiều tiết học chính khóa học sinh cần dùng điện thoại di động đâu!
Thứ sáu, nếu kiểm tra bằng hình thức trực tuyến, các em dùng điện thoại hay máy tính tùy tình hình cụ thể, do yêu cầu của giáo viên, đáp ứng về cơ sở vật chất của trường, gia đình. Trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19, trường tôi có tổ chức dạy học, kiểm tra bằng phần mềm SHub Classroom, học sinh của trường có em làm bài trên điện thoại, có em làm bài trên máy tính.
Điện thoại di động chỉ là một phương tiện bổ trợ cho việc học, đưa vào trong giờ học tôi e không phù hợp ngay cả trong nhà trường thông minh. Tự học, năng động, hiểu, tư duy – với học sinh phổ thông cần dựa trên nền tảng của ước mơ, chuyên cần, hợp tác, hoạt động trải nghiệm. Dùng điện thoại di động trong giờ học, chỉ là vui phút chốc!
TS Nguyễn Hoàng Chương