Vì sao phim Tây du ký được phát 3.000 lần ở Trung Quốc, gấp 3 Hồng lâu mộng?

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 09:30, 23/09/2020

Trong hơn 30 năm qua, phim Tây du ký được phát lại hơn 3.000 lần ở Trung Quốc, vượt xa Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử, Hồng lâu mộng.

Ngày 21.9, Sina đưa tin Tây du ký là tác phẩm được chiếu lại nhiều nhất tại Trung Quốc với hơn 3.000 lần. Khán giả của bộ phim trải dài từ trẻ em tới người già. So với ba tác phẩm khác, cũng nằm trong tứ đại danh tác gồm Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử và Hồng lâu mộng, phim có sức ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều.

Trên Baidu, trang tìm kiếm lớn nhất của Trung Quốc, từ khóa Tây du ký có tới 45 triệu kết quả, xếp sau là Tam quốc diễn nghĩa với hơn 30 triệu, Thủy hử có 13 triệu kết quả và cuối cùng là Hồng lâu mộng với gần 6 triệu.

Vì sao phim ‘Tây du ký' được phát 3.000 lần ở Trung Quốc, gấp 3 ‘Hồng lâu mộng’? - 1
Tây du ký phát sóng hơn 3.000 lần, Hồng lâu mộng hơn 1.000 lượt

Sina có bài viết giải thích về lý do khán giả Trung Quốc yêu mến Tây du ký trong suốt hơn 30 năm qua. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là tinh thần vui vẻ, giải trí mà phim truyền tải phù hợp với mọi đối tượng.

Trong tứ đại danh tác, Tam quốc diễn nghĩa ra mắt năm 1994, đạt mức rating kỷ lục. Tuy nhiên, nội dung phim nặng về quyền mưu chính trị, chủ yếu thú hút khán giả nam và người trưởng thành.

Thủy hử phát sóng năm 1998 cũng giống như Tam quốc diễn nghĩa, phù hợp với nam giới. Trong phim còn có một số tình tiết bạo lực không phù hợp với trẻ em. Phim có thời lượng dài, diễn biến liên tiếp, khó để khán giả theo dõi hơn so với Tây du ký, mỗi kiếp nạn là một tập.

Theo Sina, câu chuyện về Võ Tòng đánh hổ, Tống Giang, Lâm Xung được công chúng nhớ nội dung, nhưng do truyền miệng chứ không phải nhờ đọc tiểu thuyết hay xem trên màn ảnh.

Vì sao phim ‘Tây du ký' được phát 3.000 lần ở Trung Quốc, gấp 3 ‘Hồng lâu mộng’? - 2
Tam quốc diễn nghĩa và Thủy hử phù hợp với khán giả trưởng thành, nam giới

Hồng lâu mộng ra mắt năm 1987 là bi kịch tình yêu, sự lụi bại của một gia đình quan lại, cả câu chuyện đều mang màu sắc bi thương, không phù hợp với đa số khán giả. Theo Sina, khán giả thích đọc Hồng lâu mộng hơn xem phim, nên phim chỉ được phát sóng lại hơn 1.000 lần. Bên cạnh đó, đây cũng là tác phẩm được đánh giá cao nhất về nghệ thuật văn học trong tứ đại danh tác.

Cả bốn bộ phim đều có sức ảnh hưởng lớn tới công chúng. Từ nhân vật, diễn viên, câu chuyện hậu trường, bài hát trong phim đều được khán giả quan tâm. Tuy nhiên, không tác phẩm nào thay đổi được vị trí thống trị của Tây du ký.

Theo khảo sát của CCTV năm 1987, phim đạt tỷ suất khán giả 89,4%. Trong đó đối tượng có trình độ đại học tỷ lệ xem là 85,2%, đối tượng mù chữ hay chưa biết chữ (không tính trẻ em) tỷ lệ xem là 100%.

Vì sao phim ‘Tây du ký' được phát 3.000 lần ở Trung Quốc, gấp 3 ‘Hồng lâu mộng’? - 3
Theo CCTV, không có đứa trẻ nào ở Trung Quốc chưa xem Tây du ký

Bộ phim có phần nhạc dễ nghe, dễ học, diễn xuất thú vị, hài hước, rất phù hợp cho gia đình giải trí. Thời lượng của phim không dài, chỉ 25 tập (phần đầu), mỗi tập có nội dung riêng biệt. Nhờ đó, khán giả dễ dàng theo dõi hơn, đặc biệt là trẻ em.

Theo VTC