Nhiều trường tăng chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 19:56, 23/09/2020
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Do kết quả xác nhận nhập học của thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức xét điểm học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển thẳng không như dự kiến, nhiều trường Đại học tại TP Hồ Chí Minh đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2020.
Dù chỉ tiêu tăng, cơ hội trúng tuyển cao hơn, căn cứ vào điểm sàn các trường đưa ra, thí sinh cần cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng để tăng khả năng trúng tuyển.
Tăng chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Theo đại diện một số trường Đại học, kết quả xác nhận nhập học của thí sinh trúng tuyển ở các phương thức tuyển sinh khác khá thấp, nhiều trường đã điều chỉnh đề án tuyển sinh. Theo đó, hầu hết các trường tăng chỉ tiêu xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 so với đề án tuyển sinh ban đầu.
Tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét bằng học bạ nhập học chỉ đạt 21% tổng chỉ tiêu, trong khi chỉ tiêu ban đầu là 40% tổng chỉ tiêu.
Đồng thời, chỉ tiêu các phương thức xét tuyển thẳng và dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh điều chỉnh giảm, mỗi phương thức còn 5% tổng chỉ tiêu (ban đầu là 10%). Vì thế, trường phải tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT lên 70% tổng chỉ tiêu, thay vì 40% tổng chỉ tiêu như đề án tuyển sinh trước đây.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh công bố điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 với mức từ 18-20 điểm tùy ngành. Đồng thời, trường tăng chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này lên 85% tổng chỉ tiêu tuyển sinh (hơn 2.800 chỉ tiêu). Trong khi, trong đề án tuyển sinh trước đó, phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chiếm 55-65% tổng chỉ tiêu.
Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ thấp nên chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tăng lên đáng kể, có ngành lên tới 70-80 chỉ tiêu (thay vì 50% chỉ tiêu như ban đầu).
Tương tự, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã tuyển được 60% chỉ tiêu, trường dành 40% tổng chỉ tiêu (khoảng 2.200 chỉ tiêu) để tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2020. Trước đó, đề án tuyển sinh của trường có 5 phương thức với 5.500 chỉ tiêu. Trong đó, các phương thức xét tuyển thẳng đối tượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển học sinh giỏi; xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn; xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chiếm từ 70-90% tổng chỉ tiêu.
Dựa trên số thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức này nhập học, số chỉ tiêu còn lại trường dành để xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành điều chỉnh chỉ tiêu của 4 phương thức xét tuyển. Theo đó, so với đề án ban đầu, chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi THPT 2020 tăng từ 40% lên tối thiểu 70% tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 6.250; phương thức xét kết quả học bạ THPT giảm từ 50% còn 25% tổng chỉ tiêu; còn lại 5% chỉ tiêu cho phương thức điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và xét tuyển thẳng. Điểm sàn xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 cho các ngành đào tạo đại học của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong khoảng 15-16 điểm, tùy ngành. Nhóm ngành Sức khỏe có điểm sàn từ 19-22 điểm.
Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh công bố chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi THPT quốc gia năm 2020 là 2.325 chỉ tiêu, chiếm khoảng 65% tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020.
Các ngành thuộc nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin, Chương trình tiên tiến Khoa học máy tính, Chương trình chất lượng cao Công nghệ thông tin còn 35% chỉ tiêu xét tuyển. Các ngành khác số lượng chỉ tiêu còn lại từ 40 đến 80% chỉ tiêu tùy ngành.
Cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng
Theo quy định, từ ngày 19.9 vừa qua, các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển Đại học, Cao đẳng theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2020; thời gian điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến đến 25.9 tới và điều chỉnh nguyện vọng trực tiếp bằng phiếu đến 27.9 tới.
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), trong tổng số hơn 700 học sinh đăng ký xét tuyển Đại học, đến nay có hơn 100 học sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tiếp bằng phiếu cũng như trực tuyến (năm 2019 số học sinh điều chỉnh nguyện vọng khoảng hơn 50 em).
Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khi đăng ký xét tuyển ban đầu, các em chọn ngành, trường trên cơ sở tham khảo điểm chuẩn của năm trước.
Trong khi đó, phổ điểm thi năm nay cao, điểm sàn các trường công bố cũng cao, do vậy, nhiều em điều chỉnh nguyện vọng. Thống kê sơ bộ cho thấy, phần lớn các em điều chỉnh thứ tự ưu tiên các nguyện vọng, một số em tăng thêm nguyện vọng (trung bình từ 2-3 nguyện vọng), để tăng cơ hội trúng tuyển.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), số lượng học sinh của trường điều chỉnh nguyện vọng không nhiều do điểm thi năm nay của các em khá cao. Hơn nữa, nhiều em đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác.
Nhiều chuyên gia dự báo, điểm chuẩn các trường đại học năm nay có thể tăng từ 1-3 điểm tùy ngành, so với năm trước. Khi các trường điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, cơ hội vào đại học của nhiều thí sinh tăng lên.
Tuy nhiên, thí sinh đạt điểm cao không nên chủ quan mà chọn ít nguyện vọng. Nếu không thận trọng, các em sẽ không trúng tuyển vào ngành yêu thích. Thậm chí, các em vẫn có thể rớt đại học nếu sắp xếp thứ tự ưu tiên nguyện vọng không phù hợp.
Theo nguyên tắc xét tuyển, thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất vào một ngành của một trường. Phân tích tình hình tuyển sinh năm nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng để tăng khả năng trúng tuyển vào ngành mình mong muốn, thí sinh nên đăng ký ít nhất 10 nguyện vọng. Trong đó, các em cần sắp xếp thứ tự ưu tiên nguyện vọng theo nguyên tắc đặt ưu tiên cao nhất cho ngành các em yêu thích nhất, khó trúng tuyển nhất.
Những ngành dễ hơn sẽ đặt ưu tiên thấp hơn. Ngoài những ngành mình yêu thích, thí sinh nên đăng ký thêm những ngành tương đồng, gần với ngành đó mà những năm trước có mức điểm chuẩn thấp hơn để dự phòng.
Theo Vietnam+