Giám sát chặt để thực hiện nghiêm
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:31, 24/09/2020
Để phù hợp với từng thời điểm, UBND tỉnh liên tục điều chỉnh những quy định phòng chống dịch Covid-19 trong trạng thái "bình thường mới". Mọi quy định mới đều được phổ biến ngay tới các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người dân, các hộ kinh doanh… thông qua nhiều kênh. Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu quan tâm tìm hiểu, áp dụng đúng những quy định này.
Theo quy định mới nhất ban hành ngày 22.9, UBND tỉnh đã nới rộng hơn về phạm vi, số lượng người tham gia các hoạt động lễ hội, tôn giáo, sự kiện có tập trung đông người... Cụ thể, tỉnh cho phép các hoạt động lễ hội, tôn giáo, sự kiện có tập trung đông người (dưới 70 người) tại nơi công cộng diễn ra bình thường. Tuy nhiên UBND tỉnh cũng yêu cầu đơn vị tổ chức sự kiện phải có nhật ký ghi chép đầy đủ thông tin những người tham dự để thuận tiện cho việc truy vết sau này (nếu có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2) và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.
Chắc chắn nhiều người phấn khởi trước quy định mới. Nhưng một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giám sát việc thực hiện của các đơn vị, cơ quan, cộng đồng. Ngay trong công văn ban hành ngày 1.9, UBND tỉnh yêu cầu quán ăn, nhà hàng phải có sổ nhật ký ghi chép đầy đủ, rõ ràng số điện thoại và địa chỉ liên lạc của đại diện nhóm ăn uống. Quy định là vậy nhưng trong thực tế thực hiện chắc chắn không phải nhà hàng, quán ăn nào cũng chấp hành nghiêm. Với những nhà hàng lớn, có đông người phục vụ thì có thể thực hiện việc này. Nhưng nhiều nhà hàng, quán ăn quy mô nhỏ, nhất là những quán ăn sáng, quán cơm bình dân chỉ có một vài người vừa nấu, vừa bưng bê, dọn dẹp, thu tiền… thì việc ghi chép lại thông tin của khách khó có thể thực hiện được. Một phần là do chủ quán và người phục vụ không có nhiều thời gian, lại chịu áp lực phải phục vụ khách nhanh, chu đáo. Một phần do cả khách và chủ đều không quen với việc này, nhiều người cho đây là việc khá tế nhị, liên quan đến quyền riêng tư của khách nên chủ ngại hỏi, khách ngại cung cấp... Một câu hỏi được đặt ra là: Liệu những thông tin mà khách cung cấp có đúng, làm sao để kiểm chứng và ai là người kiểm chứng? Không biết từ khi UBND tỉnh ban hành quy định này đã có tổ chức, cơ quan nào kiểm tra việc thực hiện ra sao hay chưa?
Tương tự như vậy, với quy định hiện nay, tin rằng việc thực hiện yêu cầu ghi chép thông tin về người tham dự sự kiện đông người không dễ thực hiện. Nếu đơn vị tổ chức là các cơ quan, đơn vị lớn, hoạt động được tổ chức bài bản thì việc này không khó. Nhưng nếu chủ thể tổ chức sự kiện chỉ là những đơn vị nghiệp dư, những câu lạc bộ, hội nhóm tự phát thì quy định này sẽ rất khó thực thi.
Việc yêu cầu ghi chép lại thông tin của khách tới ăn uống hoặc người tới tham dự sự kiện tập trung đông người nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý, truy vết nếu có người tham gia những sự kiện hoặc có mặt tại địa điểm này nhiễm SARS-CoV-2. Do vậy, thông tin ghi chép phải đầy đủ, chính xác mới có ý nghĩa.
Để những quy định của UBND tỉnh về phòng chống dịch được thực hiện nghiêm túc đòi hỏi chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng có liên quan phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Những quán hàng, những đơn vị tổ chức sự kiện có đông người tham dự nếu không thực hiện quy định về việc ghi chép thông tin của mọi người thì cần yêu cầu dừng hoạt động, có chế tài xử lý nghiêm và thông báo công khai để làm gương.
HIẾU THUẬN