[Video] Làng nghề vàng bạc Châu Khê phục hồi sản xuất
Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 25/09/2020
Nhiều cơ sở sản xuất vàng bạc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng (Bình Giang) đã hoạt động trở lại
Khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, các cơ sở sản xuất, chế tác vàng bạc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng (Bình Giang) đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Hơn 1 tháng nay, cơ sở sản xuất vàng bạc của gia đình ông Hoàng Đình Chung đã hoạt động trở lại sau một thời gian nghỉ do dịch Covid-19. Ông Chung cho biết: "Hiện tại xưởng nhà tôi đã có những đơn hàng mới nhưng số lượng không nhiều, việc sản xuất cũng ở mức cầm chừng vì đầu ra vẫn còn gặp khó khăn". Thay vì sản xuất những sản phẩm dây chuyền bản to như trước đây, thời điểm này, cơ sở sản xuất của ông Chung tập trung làm các sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng như vòng tay, lắc tay, lắc chân, dây chuyền sợi mảnh... Những sản phẩm bạc có trọng lượng nhỏ lợi nhuận thấp hơn, nhưng giải pháp "lấy ngắn nuôi dài" này giúp các hộ sản xuất như gia đình ông Chung duy trì hoạt động, khi thị trường bình thường trở lại sẽ ổn định sản xuất.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, để có được những đơn hàng, cơ sở sản xuất vàng bạc của gia đình ông Chung đã thay đổi tư duy bán hàng, đẩy mạnh các kênh tiêu thụ trực tuyến để tăng lượng tiếp cận tới khách hàng. Ông Chung cho biết nhiều đơn hàng mà cơ sở của gia đình ông có được là nhờ hình thức bán hàng qua Facebook, Zalo. "Dù số lượng mỗi đơn không nhiều nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19, có được đơn hàng là tốt rồi", ông Chung nói.
Mỗi tháng bà Nguyễn Thị Tấn ở thôn Tranh Ngoài thu nhập khoảng 6 triệu đồng từ việc làm thuê cho xưởng sản xuất bạc ở thôn Châu Khê. Do dịch bệnh, bà Tấn phải nghỉ ở nhà một thời gian dài. 1 tháng gần đây bà đã đi làm trở lại nhưng công việc không đều như trước, vẫn có ngày làm, ngày nghỉ. Dù vậy, được đi làm trở lại là bà đã có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Dịp này mọi năm, cơ sở sản xuất vàng bạc Thuân Tuyến của gia đình anh Vũ Hữu Thuân có 15 thợ làm. Những lúc cao điểm, nhất là dịp giáp Tết, thợ trong xưởng làm ngày, làm đêm mới kịp trả hàng cho khách. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng đơn hàng giảm một nửa. Vì vậy, thợ trong xưởng chia ca để làm việc, thậm chí làm cách nhật. Anh Thuân chia sẻ: "Dù ảnh hưởng của dịch bệnh làm số lượng hàng giảm đi nhưng công việc không nhàn đi mà còn áp lực hơn". Bởi theo giải thích của anh Thuân, với một mẫu thiết kế bông tai sản xuất với số lượng lớn thì các khuôn làm ra sản phẩm có thể tái sử dụng. Nhưng với những thiết kế khác nhau thì buộc phải thay đổi khuôn. Dịch bệnh, các đơn hàng lớn giảm, chủ yếu là khách lẻ, xưởng phải thay đổi mẫu mã từng ngày để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Một số nghệ nhân kim hoàn Châu Khê cho biết đây là lần đầu tiên họ chứng kiến sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh tới việc sản xuất, kinh doanh của làng nghề như vậy. Sản phẩm vàng bạc có lúc bán nhanh, bán chậm nhưng chưa bao giờ cả làng phải nghỉ làm như đợt dịch vừa qua. Dịch bệnh đã tác động đến nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người dân. Cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì người dân Châu Khê cho rằng vẫn cần thời gian dài để mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường trở lại.
Bà Bùi Thị Thu Thủy, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Châu Khê cho biết toàn thôn hiện có 240 hộ với trên 90% số hộ trong thôn làm nghề vàng bạc. Sản phẩm vàng bạc Châu Khê được tiêu thụ khắp nơi với nhiều mẫu mã, kiểu dáng phong phú từ nhẫn, vòng tay, dây chuyền, khuyên tai, đến những trang sức gắn đá, ngọc quý theo phong thủy... Đối mặt với tình hình khó khăn chung do tác động của dịch Covid-19, nhiều hộ trong thôn đã thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng, đổi mới mẫu mã sản phẩm để xây dựng thị trường, phục hồi sản xuất khi dịch bệnh qua đi.
Xem clip
NINH THÀNH