Nhiều nguyện vọng chưa chắc trúng tuyển đại học
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:53, 25/09/2020
Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng tại Trường THPT Marie Curie, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tấn Thạnh
Tính đến ngày 24.9, trong 600 thí sinh vừa tốt nghiệp THPT năm 2020 của Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP Hồ Chí Minh), có khoảng 68 em đến điều chỉnh nguyện vọng.
Việc các em thay đổi tăng số lượng nguyện vọng cho thấy tâm lý cần thêm lựa chọn an toàn.
Điều chỉnh để tăng cơ hội
Ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), cho hay năm nay, do điểm bình quân các tổ hợp xét tuyển đều tăng nên thí sinh phải điều chỉnh lựa chọn trước đó để tăng cơ hội trúng tuyển.
Đa số thí sinh đều đăng ký thêm 2-3 nguyện vọng, đồng thời đăng ký thêm tổ hợp, thêm các ngành xét tuyển và thay đổi thứ tự ưu tiên.
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), đến chiều 24.9, 38 thí sinh đã đến điều chỉnh nguyện vọng, nhiều hơn so với năm ngoái. Ông Đỗ Đình Đảo, hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận thí sinh điều chỉnh theo hướng tăng số lượng nguyện vọng dựa trên số điểm của mình và điểm sàn của trường.
Tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), nhiều thí sinh đến trường điều chỉnh nguyện vọng. Ông Hoàng Sơn Hải, hiệu trưởng cho hay: "Nhiều phụ huynh đến trường điều chỉnh cùng con. Nhà trường có bàn tư vấn cho thí sinh và phụ huynh để các em cân nhắc trước khi điều chỉnh" - ông Hải nói.
Chỉ được điều chỉnh 1 lần
Ông Nguyễn Sỹ Trung, phụ trách học vụ Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho rằng những thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT thuộc mức khá và trung bình khá, thậm chí thấp đã chọn an toàn bằng cách xác nhận trúng tuyển và nhập học theo phương thức xét học bạ.
Thời điểm này chỉ còn 2 đối tượng tham gia là thí sinh có điểm cao tìm cơ hội ở những trường mà trước đây các em chưa dám đăng ký xét tuyển.
Những thí sinh đạt điểm cao hơn so với dự đoán điều chỉnh nguyện vọng đăng ký vào các trường tốp trên. Những thí sinh có kết quả thi kém hơn dự kiến thì hạ nguyện vọng để có cơ hội trúng tuyển.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, cho biết kết quả điểm thi của thí sinh cao hơn năm 2019 nên nhiều em có điểm thi tốt hơn dự kiến nên muốn điều chỉnh.
Năm nay, nhiều trường xét tuyển bằng học bạ tuyển sinh nhận được rất ít hồ sơ cho thấy thí sinh vẫn muốn chờ cơ hội ở những trường, ngành mình thích hơn.
Tuy nhiên, điểm chuẩn của các trường tăng bao nhiêu rất khó đoán định nên nếu thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng vẫn có thể không trúng tuyển.
Theo ông Thắng, để có cơ sở điều chỉnh, thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn năm 2019 của ngành, trường mà mình muốn đăng ký rồi cộng thêm từ 1-3 điểm. Tất nhiên, thí sinh nên có thêm nhiều nguyện vọng khác làm phương án dự phòng.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, lưu ý thí sinh cân nhắc khi điều chỉnh tăng nguyện vọng. Thông thường khi đăng ký và điều chỉnh, các em tham khảo điểm chuẩn năm 2019, điểm thi và điểm sàn của các trường.
Điểm sàn phải được hiểu đúng là mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển. Qua các năm, điểm chuẩn vào các ngành cao nhưng nhiều trường đại học vẫn công bố mức điểm sàn thấp, điều này dễ khiến thí sinh "sập bẫy" khi nghĩ rằng chỉ cần cao hơn 1-2 điểm là đậu.
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, giảng viên Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, khuyên thí sinh đừng để tình trạng điểm cao vẫn rớt.
Nếu cần điều chỉnh nguyện vọng, các em lập ra danh sách những ngành ở những trường mà mình muốn học rồi so sánh điểm thi của mình để chia ra 3 nhóm trường.
Nhóm 1 là nhóm có khả năng đậu, nhóm 2 là nhóm có cơ hội trúng tuyển cao và nhóm 3 là chắc chắn trúng tuyển.
Do không giới hạn nên các em cũng nên đặt nguyện vọng 1 vào ngành ở trường mình thích nhất và các nguyện vọng tiếp theo theo thứ tự ưu tiên giảm dần… Như thế, thí sinh sẽ có cơ hội trúng tuyển cao.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hạn chót để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng online là trước 17 giờ ngày 25.9. Thí sinh điều chỉnh bằng phiếu hạn cuối trước 17 giờ ngày 27.9. Các em chỉ được điều chỉnh 1 lần.
Theo Zing