Bùng nổ người nổi tiếng bán hàng online ''giá cắt cổ"
Thị trường - Ngày đăng : 06:59, 27/09/2020
Trang mạng cá nhân của các nghệ sĩ nổi tiếng luôn có nhiều fan theo dõi và nhiều nghệ sĩ đã tận dụng lợi thế này để bán hàng online hoặc “rì viu” sản phẩm - Ảnh: Q.ĐỊNH
Với ưu thế có sẵn lượng khán giả đông đảo, nhiều người nổi tiếng chọn việc bán hàng hoặc 'rì viu' (review) sản phẩm trên trang cá nhân để có thu nhập, trong đó nhiều người có thu nhập khủng nhờ bán hàng online.
Nghệ sĩ bán hàng online không còn hiếm, thậm chí còn "bùng nổ" hơn trong đợt dịch COVID-19. Đa phần họ bán những món hàng giá trị nhỏ như đồ ăn vặt (chân gà, patê, khô heo...) hay giá trị lớn hơn thì có mỹ phẩm xách tay, thực phẩm nhập khẩu…
Một số người nổi tiếng bán hàng "chính chủ", cũng có nhiều người nhận làm "rì viu" giùm, quảng cáo sản phẩm cho nhãn hàng khác.
Sản phẩm như nhau, giá "cắt cổ"
Tuy nhiên, nhiều "nạn nhân" cho biết không phải sản phẩm nào được người nổi tiếng rao bán trên trang cá nhân cũng đáng tin cậy về mặt chất lượng hay giá cả tương xứng với món hàng, giá đắt nhưng không xắt ra miếng. Vụ tranh cãi giữa một chủ tài khoản khá nổi tiếng trong cộng đồng mạng với đơn hàng mua từ một nữ doanh nhân - vợ cũ của một nghệ sĩ, là một ví dụ.
Trong một status đăng trên trang cá nhân, chủ tài khoản này "bóc phốt" rằng trang sức mà người nổi tiếng kia bán cho chị không đúng giá trị của sản phẩm mà đã bị đẩy lên hàng trăm lần. Đi kèm với status tố cáo là một loạt hình ảnh đoạn trao đổi giữa người mua và người bán liên quan đến món hàng nữ trang giá trị giao dịch lên đến 2 tỷ đồng, trong đó giá trị nhất là viên kim cương 57.600 USD, tương đương hơn 1,3 tỷ đồng.
Người mua hàng phát hiện viên kim cương mua chỗ người nổi tiếng là hàng rởm và bị đội giá gấp ba. Người này cho biết đã đi nhiều cửa hàng đá quý uy tín để thử và phát hiện giá trị viên kim cương này chỉ tầm 18.500 USD (hơn 400 triệu đồng). Theo "nạn nhân", chị mua hàng ở đây vì tin thương người bán nuôi con nhỏ và là người nổi tiếng, có tên tuổi trong giới nghệ sĩ.
Sự việc đến nay chưa ngã ngũ nhưng cũng khiến nhiều người giật mình vì mua hàng online từ người nổi tiếng bán hàng đang rất phổ biến hiện nay.
Chị Hiền Nguyễn (TP Hồ Chí Minh) cho biết theo dõi các livestream bán hàng, chị rất ngạc nhiên vì nhiều người nổi tiếng thản nhiên bán hàng với giá "cắt cổ" nhưng không có ai phản hồi. Theo chị Hiền, không ít trường hợp người bán hàng là nghệ sĩ đã lợi dụng lòng tin và sự chủ quan của người mua hàng để bán giá cao dù chất lượng sản phẩm không được đánh giá cao.
"Có một người khá nổi tiếng livestream bán một chiếc nồi không dầu hiệu B. giá 3,5 triệu đồng. Nhưng chỉ cần một thao tác kiểm tra đơn giản, tôi thấy mặt hàng này bán trên sàn điện tử khác chỉ 2,3 triệu đồng, giá bán tại Hàn Quốc khoảng 87 USD và không được người tiêu dùng Hàn Quốc đánh giá cao. Do đó nếu tính cả phí vận chuyển và lợi nhuận, giá nồi lên tới 3,5 triệu là quá cao", chị Hiền nói.
Vì tin tưởng "thần tượng"?
Thời gian qua một số người nổi tiếng bị "bóc phốt" bán hàng giá quá cao, thậm chí đã có người bị xử lý vì bán hàng nhái, khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc, một số trường hợp từ "người hâm mộ" thành đối đầu, đấu tố nhau.
Theo ông Nguyễn Thành Long - phụ trách tiếp thị số của Xanh Marketing, nhiều người nổi tiếng tham gia bán hàng online rất chịu khó tương tác, giao lưu với người hâm mộ, rồi lồng vào câu chuyện giao lưu này là những cụm từ như "đây là rẻ lắm rồi nha", "chỉ hôm nay mới có giá này nha"...
"Nhiều người xem chốt đơn hàng từ trang người nổi tiếng bán giống như một hình thức giải trí, 'mua cho vui' thôi. Thay vì tặng gấu bông cho thần tượng, người hâm mộ chuyển sang mua 'ủng hộ' sản phẩm mà nghệ sĩ rao bán, nên nhiều người ít quan tâm về giá. Nhưng khi đó là hình thức kiếm sống lâu dài, những món hàng giá trị lớn thì không thể tư duy như vậy" - ông Long nói.
Cũng theo ông Long, trong một số trường hợp, người tiêu dùng vì tin vào uy tín và chất lượng sản phẩm do người nổi tiếng bán nên bỏ qua các điều kiện, điều khoản liên quan đến việc bán hàng dù đây là phần nội dung rất quan trọng liên quan đến chính sách đổi - trả sản phẩm, giao nhận, bảo hành sản phẩm.
Bà Dương Nữ Tô Giang, giám đốc quan hệ công chúng và truyền thông xã hội Công ty Isobar VN, cũng cho rằng khi mua hàng trên các trang mạng xã hội của người nổi tiếng, người tiêu dùng chỉ đơn giản muốn được giải trí, thư giãn và tiếp thu những thông tin phù hợp.
"Tuy nhiên cái gì quá đà cũng đều không tốt khi rất nhiều người nổi tiếng đã tận dụng danh tiếng của họ để làm công việc này với tần suất phủ sóng ngày càng cao" - bà Giang nhận xét.
Khách kiểm tra sản phẩm mua online - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đừng lợi dụng người hâm mộ
Trao đổi với chúng tôi, chị Sen, chủ một cơ sở chuyên sản xuất cơm cháy chà bông các loại, thừa nhận ảnh hưởng của các nghệ sĩ nổi tiếng trên mạng xã hội với hoạt động bán hàng rất lớn. "Trong thời điểm dịch, hàng ở siêu thị gần như "tắc" hết, nhưng chỉ cần sau một vài "like" hay đăng bài của một nghệ sĩ không quá nổi tiếng, đơn hàng của tôi cũng tăng vài trăm lần" - chị Sen nói.
Theo ThS Lương Phương Lan - khoa quan hệ công chúng và truyền thông Trường Đại học Văn Lang, thực tế bán hàng online nói chung cho thấy khách hàng chỉ mua bằng niềm tin chứ không thể nhìn, sờ, nắm, thử dùng... Do đó những người bán hàng online nếu không hành xử có đạo đức với người mua (nghĩa là không bán hàng đạt chất lượng), đó là vấn đề cần được lên án.
"Với người nổi tiếng, vấn đề này càng trầm trọng, vi phạm chuẩn mực đạo đức kinh doanh, nhưng cao hơn là họ đang lợi dụng niềm tin, sự yêu mến của công chúng dành cho mình. Vì vậy những người này không xứng đáng được đón nhận với tình cảm của khán giả" - bà Lan nhận định.
Bà Lan cũng khuyến cáo người mua cần tìm hiểu kỹ chất lượng và giá cả các sản phẩm trước khi quyết định đặt hàng. Không nên vì tin tưởng "thần tượng" để bị lừa mua những món hàng không bảo đảm, không tương xứng với đồng tiền mình bỏ ra. "Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần rà soát chặt chẽ và có chế tài rõ ràng trong trường hợp vi phạm, nhất là với người có nhiều ảnh hưởng như những người nổi tiếng" - bà Lan đề nghị.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cũng cho rằng với hình ảnh đẹp của mình trong mắt người hâm mộ, những người nổi tiếng rất không nên đánh đổi lợi nhuận trước mắt mà bất chấp.
"Thương mại tốt nhưng phải cho đúng. Bên cạnh đó còn phải hoàn thành nghĩa vụ của người kinh doanh là đóng thuế đầy đủ. Mình đã là người nổi tiếng mà bị cơ quan quản lý xử lý thì ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp và tiếng tăm sẽ mất hết. Có đáng không?" - ông Dũng nói.
Theo Tuổi trẻ