Mối lo của Nga nếu ông Biden đắc cử
Thế giới - Ngày đăng : 09:30, 27/09/2020
Ngày càng lo lắng về kịch bản Nhà Trắng không có ông Donald Trump, Nga đang cố gắng xác định xem điều này có ý nghĩa như thế nào đối với các vấn đề nhạy cảm, từ vũ khí hạt nhân đến mối quan hệ với Trung Quốc, xuất khẩu năng lượng, những biện pháp trừng phạt hay kể cả các xung đột sâu rộng trên toàn cầu, theo những nguồn tin am hiểu vấn đề.
Rất ít người cho rằng quan hệ Mỹ - Nga sẽ có triển vọng cải thiện nếu ông Trump tái đắc cử, song việc ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng mới thực sự là "tin xấu" đối với Moskva, giới quan sát đánh giá.
Thắng lợi dành cho Đảng Dân chủ thậm chí có thể khiến Điện Kremlin phải đẩy nhanh cuộc bầu cử Quốc hội vào mùa xuân, trước khi chính phủ mới của Mỹ có thời gian áp đặt thêm các biện pháp cấm vận hay trừng phạt nhằm vào Nga, theo một nguồn tin giấu tên thân cận với Điện Kremlin.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Christopher Wray tuần trước nói rằng Nga vẫn tiếp tục tiến hành một chiến dịch "rất tích cực" nhằm hạ thấp uy tín của ông Biden và gây chia rẽ trong chính trường Mỹ. Tuy nhiên, theo một quan chức tình báo cấp cao Anh, chính trị Mỹ hiện tại phân cực đến mức Nga không cần thiết phải can thiệp và tạo ra những tranh cãi mới.
Gleb Pavlovsky, cựu cố vấn Điện Kremlin nhận định giới lãnh đạo Nga vẫn chưa từ bỏ niềm tin đặt vào ông Trump. "Không rõ họ có thể mang đến cho Trump kiểu giúp đỡ như thế nào, nhưng họ sẽ giúp ông ấy, miễn là nó không gây ra bất kỳ bê bối lớn nào", Pavlovsky nói. "Họ không muốn phải chịu hiệu ứng boomerang".
Tổng thống Trump đang làm cho công việc của Nga trở nên dễ dàng hơn bằng một cuộc chiến tranh thông tin riêng, trong đó bao gồm cả những tuyên bố lặp đi lặp lại rằng việc bỏ phiếu qua thư sẽ dễ dẫn đến gian lận. Tuyên bố này đang được các phương tiện truyền thông Nga khuếch đại.
Giới chức Nga lâu nay vẫn bác bỏ những cáo buộc can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ, kể cả cuộc bầu cử hiện nay lẫn năm 2016. Sự nhiệt thành ban đầu của Nga đối với ông Trump cũng đã giảm bớt. Các quan chức nước này cho rằng "hội chứng sợ Nga" trong nền chính trị Mỹ chắc chắn sẽ không đổi, bất kể ai ngồi ở Nhà Trắng.
Tuy nhiên, sự tương phản giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ là rất rõ ràng. Trong khi ông Trump tuần trước nói rằng Trung Quốc và quy trình bỏ phiếu qua thư là hai mối đe dọa lớn hơn cả Nga, Biden lại khẳng định ông sẽ khiến Moskva phải trả giá cho hành vi can thiệp bầu cử Mỹ, gọi Nga là "đối thủ đáng gờm".
Hôm 25.9, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, đồng thời cam kết không can thiệp vào các cuộc bầu cử của nhau.
Trong một thông báo do Điện Kremlin đưa ra, ông Putin kêu gọi hai nước "bảo đảm không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bao gồm cả bầu cử cũng như việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông".
Giữa lúc đó, căng thẳng giữa Nga với Đức và Pháp đang tăng cao xung quanh vụ lãnh đạo đối lập Alexei Navalny nghi bị đầu độc, làm gia tăng nguy cơ Moskva bị cô lập hoàn toàn nếu ông Trump thất cử.
Mối lo về việc phương Tây sẽ áp các biện pháp trừng phạt mới lên Nga đã khiến giá trị đồng rouble rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4.
Thái độ kiêng dè của Điện Kremlin đối với Biden đã có từ lâu, ít nhất là từ năm 2011, khi ông đến Moskva với tư cách Phó Tổng thống Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Biden khi đó đã nói với các lãnh đạo đối lập Nga rằng ông nghĩ ông Putin không nên tiếp tục tranh cử Tổng thống.
"Nếu ông Biden đắc cử, chúng ta sẽ phải đối đầu với một phương Tây hợp nhất trên nền tảng chống Nga", Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề quốc tế thuộc Điện Kremlin cảnh báo.
Theo VnExpress