Ngôi đình uy nghi ngoài bãi sông Thái Bình

Di tích - Ngày đăng : 08:38, 29/09/2020

Dọc theo triền đê sông Thái Bình, ngoài bãi sông có một ngôi đình trầm mặc, uy nghi mang một cái tên rất đặc biệt khơi gợi bao trầm tích văn hóa làng xưa.


Đình Bơi ngày nay 

Đó là đình Bơi thuộc phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương).

Nơi thờ Đức Thánh thủy tiên

Gọi là đình Bơi bởi lẽ hằng năm lễ hội đình thường tổ chức bơi trải để tưởng nhớ Đức Thánh “Khai thiên thể đạo” Thủy Tiên Tôn Thần, tên húy là Nguyễn Công Đạt có công giúp vua Hùng đánh thắng giặc Xích Quỷ vào thế kỷ thứ III (trước Công nguyên).

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình Bơi nằm ở làng Phương Độ, xã Hàn Thượng, tổng Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Đây cũng là đình chung của xã gồm các thôn: Phương Độ, Tự Đoài, Tự Đông, Cô Đông, Phượng Cáo. Làng Phương Độ nay thuộc khu dân cư số 6, phường Cẩm Thượng.

Theo sự tích truyền khẩu tại địa phương, vào đời Hùng Vương thứ 18, tại làng Phương Độ có một người đàn bà nghèo khổ, hằng ngày mò cua bắt ốc kiếm sống. Một hôm, trời nổi giông to gió lớn, bà chui vào gầm cầu đá để tránh mưa. Tạnh mưa, bà lên cầu thấy có vết chân lạ, liền ướm thử. Không ngờ từ đó bà mang thai, tròn ngày đủ tháng sinh được một cậu con trai khôi ngô, tuấn tú, sau lưng có 4 chữ “Khai thiên thể đạo”.

Lớn lên, cậu trở thành một nam nhi văn võ kiêm toàn. Lúc ấy giặc Xích Quỷ sang xâm lược bờ cõi nước ta. Được lệnh vua cử đi dẹp giặc, ngài trở thành một tướng thủy quân giỏi, đánh trận nào thắng trận đó, ba lần được nhà vua tuyên dương công trạng, suy tôn là “Đức Thánh thủy tiên” (đánh giặc ở dưới nước như tiên).

Sau khi đất nước thanh bình, ngài về quê hương Phương Độ sống cùng dân làng. Tại đây, ngài đã giúp dân làng khai hoang lập ấp, ban phát tiền vàng giúp đỡ nhân dân sinh sống làm ăn. Tài năng, đức độ của ngài khiến dân làng rất nể trọng. Khi mất, ngài được dân làng suy tôn là Thành hoàng và lập miếu thờ.

Ông Đinh Hữu Dậu, Phó Trưởng Ban khánh tiết đình cho biết đình Bơi chưa biết chính xác được xây dựng từ khi nào. Nhưng khoảng đầu năm 1990, trong lúc nhân dân đào cát phát hiện một mảnh bia vỡ ở dưới sông cạnh đình, trên bia có ghi niên hiệu Vĩnh Trị thứ 3 (1678) đời vua Lê Hy Tông. Khi ấy, đình ở ngoài đê, có kiến trúc kiểu chữ nhị gồm 5 gian đại bái và 1 gian hậu cung phía sau làm bằng gỗ lim.

Tương truyền thời xưa, Phương Độ là một làng ven sông, dân làng sinh sống ở cả ngoài bãi sông làm nông nghiệp và nghề chài lưới. Nơi đây có chợ đình Bơi, trên bến dưới thuyền buôn bán tấp nập. Năm 1940, do dòng sông thay đổi, đất xoáy lở, nhân dân đã phá dỡ ngôi đình đem về trước cửa miếu (cách đình cũ 200 m về phía Tây Nam) dựng lại 3 gian ngoài và 1 gian hậu cung. Dân làng Phương Độ cũng chuyển vào trong đê sinh sống song vẫn cử người dầu nhang, trông nom ngôi đình và miếu thờ Đức Thánh.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đình bị phá hủy. Năm 1993, nhân dân dựng 3 gian đình trên nền đất cũ để thờ Đức Thánh. Năm 2008, đình được trùng tu lại. 10 năm sau, con em quê hương công đức, đình được xây lại khang trang, to đẹp như hiện nay với kiến trúc kiểu chữ đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Kết cấu đình chủ yếu bằng bê tông cốt thép, cửa bằng gỗ tứ thiết; mái lợp ngói mũi, đầu đao 4 góc, trên bờ nóc có đắp nổi đề án lưỡng long trầu nguyệt, vì kèo kết cấu kiểu giá chiêng theo phong cách cổ truyền.

Lễ hội đặc sắc

Hằng năm, lễ hội đình Bơi được tổ chức vào rằm tháng tám. Ngày xưa, lễ hội đình Bơi là lễ hội lớn trong vùng. Đặc biệt trong lễ hội có tục rước nước và tổ chức bơi trải. Các thôn của xã Hàn Thượng rước ngai Thành hoàng làng mình ra đình Bơi để cùng nhau rước ngự tắm ngai và múc 3 gáo nước sông đổ vào phù âu (cái âu nổi) để làm lễ thờ. Thuyền giữa là thuyền ngài ngự, các thuyền đi trước là thuyền tướng lĩnh, cờ hoa rợp trời, chiêng trống rộn ràng, các cỗ kiệu đi theo, hai bên là hai cái trải thi nhau bơi, vừa bơi vừa hô, trên bờ sông bà con đến xem rất đông, không khí vui tươi, rộn ràng. Đoàn rước đến địa phận Đồng Niên thì quay lại đình. Sau đó, các cụ tổ chức đại tế ở đình để tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Thánh đã đánh thắng quân giặc. Buổi chiều tế yên vị tại miếu thể hiện sự yên vui tại quê nhà.

Ở Phương Độ, trong lễ hội có tục ăn yến. Các cụ trên 80 tuổi mới được ăn yến. Người được ăn yến mặc áo đỏ, ngồi trên mâm cao. Dân làng và các kỳ hào đứng xung quanh chúc tụng. Sau đó, mọi người xúm vào xé một mảnh vải đỏ của chiếc áo mà các cụ đang mặc về khâu vào ngực áo của con cháu nhỏ với mong muốn con cháu sống trường thọ và biết tỏ lòng kính trọng người già.

Ngày nay, lễ hội đình Bơi vẫn được tổ chức vào rằm tháng tám hằng năm. Tuy các tục lệ cổ truyền như thi bơi trải, ăn yến đã không còn nhưng đình vẫn giữ được lễ tế Đức Thánh, rước nước được tổ chức 5 năm một lần. Ban khánh tiết đình cùng dân làng có mong muốn khôi phục lại thi bơi trải để diễn tả lại chiến tích hào hùng của Đức Thánh “Khai thiên thể đạo” Nguyễn Công Đạt nhằm giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, uống nước nhớ nguồn cho con em địa phương.

THẬP NHẤT