Thi đua ái quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tin tức - Ngày đăng : 09:20, 29/09/2020

Phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, phát động và tổ chức thực hiện ngày càng phát triển, gắn liền với lịch sử và thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, phụ nữ Hải Dương luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua, vừa hăng hái sản xuất, vừa sẵn sàng tham gia chiến đấu (ảnh tư liệu)

Năm 1948, trong bối cảnh cam go, quyết liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27.3.1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó xác định “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.

Ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước (TĐYN) trên toàn quốc và chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều… Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi như lời hiệu triệu, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Từ đây, phong trào TĐYN do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, phát động và tổ chức thực hiện ngày càng phát triển, gắn liền với lịch sử và thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động nhiều phong trào TĐYN. Ngoài chiến trường, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, chống giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm… Khẩu hiệu “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương” và “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua” đã thực sự trở thành hành động trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954-1975), các phong trào TĐYN tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực, các ngành, các giới... Tiêu biểu như: Phong trào thi đua “Ba nhất” trong Quân đội, phong trào “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp; phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên; phong trào “Ba đảm đang” trong phụ nữ... Các phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Dũng sĩ diệt Mỹ", “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”… ở miền Nam; các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”… ở miền Bắc. Các phong trào TĐYN đã phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, củng cố niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, tạo sự thống nhất tư tưởng và hành động, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực chiến đấu, lao động, sản xuất, góp phần quan trọng đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc cùng các chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh ở miền Nam, đưa đến đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới vĩ đại của lịch sử dân tộc.
Tiếp tục phát huy vai trò to lớn của phong trào TĐYN, sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, tư tưởng TĐYN của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng được vận dụng sáng tạo, linh hoạt với nội dung cụ thể, thiết thực, hình thức phong phú trên mọi lĩnh vực, ở các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương. Các phong trào TĐYN tập trung hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành động lực quan trọng, thực sự đi vào cuộc sống, khơi dậy, động viên, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương cũng như các ngành, địa phương phát động đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Thấm nhuần tư tưởng về TĐYN của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Bác: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Thi đua khen thưởng là động lực và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”; “Thi đua là thực hiện tốt công việc hằng ngày”, trong 72 năm qua, Đảng, Nhà nước đã truy tặng, phong tặng hơn 7.800 tập thể và trên 9.300 cá nhân nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, hơn 1.300 tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, vinh danh gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tặng thưởng hàng trăm nghìn huân chương, huy chương, chiến sĩ thi đua toàn quốc và tuyên dương, biểu dương hàng triệu điển hình tiên tiến tiêu biểu trong cả nước.

Trong nhiều đợt tổng kết phong trào thi đua các cấp, các ngành, địa phương và của toàn quốc, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã nhiều lần khẳng định, những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử đều gắn liền với việc tổ chức có hiệu quả các phong trào TĐYN của nhân dân ta. Hơn 70 năm qua, thực hiện tư tưởng TĐYN của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào TĐYN ở nước ta đã góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, bảo tồn, phục hưng và phát triển đất nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không quên những “gương mờ” trong phong trào thi đua đã từng được nhắc tới làm ảnh hưởng đến thành tích chung. Đã có thời gian, người ta nhắc nhiều tới “bệnh thành tích”, “hão danh”, thậm chí là “chạy” các hình thức khen thưởng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện; nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, còn để xảy ra tình trạng “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy huân chương”; khen thưởng đối với người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân tuy đã được quan tâm nhưng còn ít. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền thiếu đồng bộ, sinh động, thuyết phục, làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể, cá nhân. Những hạn chế, khuyết điểm đó cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục.

Để thực hiện tốt công tác thi đua gắn chặt với công tác khen thưởng, nhằm ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị và ngày càng hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng. Ngày 4.3.2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc lấy ngày 11.6 hằng năm là Ngày TĐYN. Đây là dịp để đẩy mạnh phong trào TĐYN gắn với việc triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào TĐYN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Thấm nhuần tư tưởng thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện lời dạy của Người “càng khó khăn, càng phải thi đua”, thi đua - khen thưởng là động lực phát triển, là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. TĐYN phải được tiến hành thường xuyên liên tục hằng ngày, từ đó đòi hỏi chúng ta càng nỗ lực hơn tiếp tục đẩy mạnh các phong trào TĐYN và đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong việc tổ chức thực hiện, đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót để thi đua thực sự trở thành động lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.

SONG NGUYỄN