Người đưa sản phẩm làng nghề vươn xa
Công nghiệp - Ngày đăng : 12:14, 30/09/2020
Anh Vũ Xuân Thép là Nghệ nhân Ưu tú làng nghề mộc Đông Giao, Lương Điền (Cẩm Giàng)
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm mộc, từ nhỏ anh Thép đã được cha mẹ định hướng theo nghề này. Khi mới 20 tuổi, anh đã mở được xưởng riêng với hàng chục lao động. Trước đây, các sản phẩm làng nghề Đông Giao chủ yếu tiêu thụ trong nước, mặc dù thuận lợi nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Lăn lộn với nghề nhiều năm, đi nhiều nơi tìm kiếm bạn hàng, thông qua các hội chợ, các cuộc xúc tiến thương mại, anh Thép nhận thấy Trung Quốc, Nhật Bản là những thị trường tiềm năng và rất ưa chuộng sản phẩm do người Việt làm ra. Anh đã dày công tìm hiểu nhu cầu của những thị trường này để sáng tạo ra những sản phẩm phù hợp.
Anh Thép cho biết trong cuộc sống của người Việt, cú mèo là con vật đại diện cho sự xui xẻo nhưng trong văn hóa của người Nhật, đây lại là con vật đem lại sự may mắn, xua đi những đau khổ nên người Nhật thích mua những tác phẩm chim cú chế tác từ gỗ trưng bày trong nhà. Người Trung Quốc lại thích những tác phẩm tranh theo bộ như bộ tứ quý, tứ linh... Từ đó, anh chuyên sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của các thị trường này.
Giai đoạn 1995 - 2010 là thời kỳ đỉnh cao trong xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ của làng mộc Đông Giao. "Thời kỳ đó, chúng tôi thu mua hầu hết các sản phẩm trong làng để xuất khẩu, người lao động làm không hết việc. Người dân dùng gỗ xà cừ, vốn đầu tư ít nhưng hiệu quả kinh tế cao nên rất say mê với nghề", anh Thép cho biết.
Những năm gần đây khách hàng của các nước đã sang làng mộc Đông Giao trực tiếp giao dịch với người dân. Anh Thép cũng không phải vất vả tìm mối hàng như trước. Các loại gỗ để làm ra sản phẩm cũng được thay đổi theo thị hiếu tiêu dùng và hướng đến thị trường cao cấp hơn.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề mộc, kinh nghiệm của anh Thép là luôn phải yêu nghề, từ đó mới có thể tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm mới, phù hợp với thị trường đầy biến đổi. Anh đang nghiên cứu về trận đánh trên sông Bạch Đằng năm 1288 để thể hiện trên chất liệu gỗ. Anh Thép chia sẻ tác phẩm này anh đã nghiên cứu 5 năm nay, thử nghiệm nhiều lần nhưng vẫn chưa ưng ý nên sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thành tác phẩm trong thời gian tới.
Với những đóng góp cho sự phát triển nghề mộc của địa phương, anh Thép được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú làng nghề mộc Đông Giao.
HÀ NGÂN