Nhiều nơi thiếu giáo viên

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:05, 01/10/2020

Mặc dù tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt xét tuyển, thi tuyển để bảo đảm số lượng giáo viên theo quy định, nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra ở tất cả các cấp học, bậc học.


Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà phải dạy vượt 5-6 tiết/tuần do thiếu người

Thiếu giáo viên ở tất cả các cấp học trong tỉnh diễn ra phổ biến từ nhiều năm nay. Câu hỏi đặt ra là liệu bao giờ tình trạng này mới được khắc phục?

Không bảo đảm quy định

Năm học 2019-2020, tỉnh đã tổ chức 2 đợt xét tuyển và thi tuyển giáo viên, nhưng số giáo viên được tuyển dụng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tính đến tháng 9.2020, chưa một địa phương nào trong tỉnh có tỷ lệ giáo viên trong biên chế/lớp ở các bậc học bảo đảm quy định của tỉnh (mầm non 2 giáo viên/lớp, tiểu học 1,43 giáo viên/lớp, THCS 1,73 giáo viên/lớp). Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở cả 3 bậc học nhưng trầm trọng nhất là bậc tiểu học. Trong đó, có một số ít trường tỷ lệ giáo viên trong biên chế còn chưa đạt nổi 1 người/lớp. 

Ở TP Chí Linh, bậc mầm non mới đạt 1,86 giáo viên/lớp, tiểu học 1,2 giáo viên/lớp, THCS 1,63 giáo viên/lớp. Toàn thành phố hiện còn thiếu 173 giáo viên trong biên chế. Trường Tiểu học Lê Lợi (Chí Linh) hiện mới có 23 giáo viên trong biên chế, đạt 0,96 giáo viên/lớp, còn thiếu 10 chỉ tiêu. Năm học 2020-2021, mặc dù đã ký thêm 8hợp đồng nhưng tỷ lệ giáo viên ở trường này cũng mới đạt 1,29 giáo viên/lớp. "Đã bí người, 3 giáo viên lại vừa nghỉ chế độ thai sản nên các giáo viên của trường chắc chắn sẽ phải dạy tăng tiết", thầy giáo Hoàng Văn Toàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi chia sẻ.

Tại huyện Thanh Hà, nếu tính cả số giáo viên hợp đồng thì bậc mầm non cũng mới đạt 1,86 giáo viên/lớp, tiểu học 1,31giáo viên/lớp, riêng THCS đạt 1,8 giáo viên/lớp. Từ năm học 2019-2020, Trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà được tuyển bổ sung 8 giáo viên trong biên chế nhưng tính đến nay mới đạt 1,34 giáo viên/lớp. Cô giáo Lê Thị Chính, Hiệu trưởng nhà trường cho biết mỗi năm trường tăng 1-2 lớp trong khi số lượng giáo viên tuyển được không nhiều. Tăng dân số về mặt cơ học là nguyên nhân chính làm cho tình trạng thiếu giáo viên tại Trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà nói riêng, các cơ sở giáo dục khác nói chung kéo dài hết từ năm này qua năm khác.

Tại nhiều huyện, tỷ lệ giáo viên bậc mầm non bị thiếu theo quy định không nhiều, nhưng có nhiều giáo viên trong độ tuổi sinh đẻ, có trường cùng lúc 4-5 cô nghỉ. Vì thế, việc thiếu giáo viên đứng lớp vẫn diễn ra phổ biến, nhiều nơi không bảo đảm 2 giáo viên/lớp. Không ít trường THCS mặc dù đủ giáo viên trong biên chế nhưng lại thiếu cơ cấu. Ví dụ Trường THCS Phạm Trấn (Gia Lộc) có đủ giáo viên trong biên chế nhưng lại thiếu giáo viên 2 môn âm nhạc, tiếng Anh.

Thực trạng trên làm cho giáo viên phải dạy tăng tiết rất vất vả, chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh bị ảnh hưởng. Hiệu trưởng một số trường tiểu học cho biết định mức của mỗi giáo viên là dạy 23 tiết/tuần nhưng họ thường phải dạy 27-28 tiết, có trường 30 tiết/tuần.


Thiếu giáo viên khiến việc chăm sóc và giáo dục trẻ ở Trường Mầm non thị trấn Thanh Hà gặp khó khăn

Sử dụng cả giáo viên nghỉ hưu

Mặc dù tỉnh vẫn thường xuyên tổ chức các đợt xét tuyển, thi tuyển để bảo đảm số lượng giáo viên theo quy định nhưng do thiếu nguồn nên số lượng tuyển chưa đáp ứng được nhu cầu.

Để ứng phó với thực trạng trên, trước khi năm học mới 2020-2021 bắt đầu, Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện đã tham mưu UBND cùng cấp ra thông báo kéo dài hợp đồng lao động đối với các giáo viên đã được ký kết từ năm học trước và hợp đồng thêm với giáo viên mới theo hướng dẫn của Sở Nội vụ. Rà soát đội ngũ, cơ cấu môn học của từng trường để tham mưu điều động giáo viên dạy liên trường.

Hầu hết các cơ sở giáo dục đã phải động viên cán bộ, giáo viên dạy vượt giờ, vận động giáo viên đã nghỉ hưu tiếp tục quay trở lại trường giảng dạy, thậm chí cả hiệu trưởng và phó hiệu trưởng cũng tham gia đứng lớp hoặc làm chủ nhiệm. Dù vậy, việc hợp đồng với giáo viên mới cũng không dễ dàng khi nguồn tuyển ít. "Động viên giáo viên dạy tăng tiết không khó nhưng kinh phí chi trả lại là một trở ngại. Theo quy định, giáo viên dạy quá 25 tiết/tuần, 200 tiết/năm sẽ không được Kho bạc Nhà nước thanh toán", Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cộng Hòa (Chí Linh) Nguyễn Hữu Nhân cho biết.

Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu được áp dụng từ năm học này với việc đổi mới sách giáo khoa lớp 1. Sách giáo khoa mới của các lớp còn lại sẽ tiếp tục được áp dụng trong những năm tiếp theo. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, các cơ sở giáo dục phải có đủ giáo viên, bảo đảm cơ cấu và chất lượng. Những khó khăn trong thiếu giáo viên cần sớm được cơ quan chức năng quan tâm tháo gỡ.

TIẾN MẠNH