Tổ chức Lễ hội đền Quát
Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 14:11, 01/10/2020
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm danh tướng Yết Kiêu
Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Vũ Văn Sơn, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá tới dự.
Cùng dự có một số đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; một số tướng lĩnh là người con quê hương; lãnh đạo huyện Gia Lộc, các xã, thị trấn trong huyện cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương.
Sau màn trống hội và múa lân rồng, các đại biểu cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương dâng hương tưởng nhớ danh tướng Yết Kiêu.
Tiếp đến, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển trao bằng ghi danh Lễ hội đền Quát là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo huyện Gia Lộc.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao bằng ghi danh Lễ hội đền Quát là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo huyện Gia Lộc
Ngoài các nghi lễ truyền thống, Lễ hội đền Quát năm nay có nét mới là tái hiện nghi lễ bơi chiềng - một hoạt động thường diễn ra trong các lễ hội đền Quát xưa. Đây là nghi lễ bơi biểu diễn và mừng Thánh, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Nghi lễ bơi chiềng có sự tham gia của 3 đội thuyền chải thôn Hạ Bì, Khuông Phụ và Hoàng Kim. Các đội bơi 2 vòng biểu diễn trước sự cổ vũ sôi nổi của người dân và du khách thập phương. Âm thanh phát ra từ tiếng mõ, trống, chiêng tạo không khí tưng bừng, náo nhiệt.
Ngoài bơi chiềng, lễ hội còn tái hiện nghi lễ dâng cỗ hộp. Đây là nghi lễ mà các dòng họ trong làng và những người con của làng ở nơi khác về tham gia. Các đội thi nấu mâm cỗ gồm gà, cá chép, xôi, oản, chè kho... để dâng Thánh. Mâm cỗ nào đẹp nhất được Ban tổ chức lựa chọn đặt ở nơi trang trọng nhất trong đền.
Các đội múa lân rồng của huyện Gia Lộc biểu diễn tại lễ hội
Lễ hội truyền thống mùa thu đền Quát năm nay chỉ diễn ra trong ngày 1.10, không tổ chức các hoạt động phần hội để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19. Những người tham gia lễ hội đều được đo thân nhiệt, khuyến cáo đeo khẩu trang. Trước đó, toàn bộ khuôn viên di tích đã được phun khử khuẩn, chuẩn bị sẵn khẩu trang tại cổng ra vào.
Trước kia, Lễ hội đền Quát được tổ chức vào mùa xuân nhưng gần đây được tổ chức cả ở mùa thu để hưởng ứng Lễ hội truyền thống mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc tưởng niệm Anh hùng dân tộc Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, chủ soái của Yết Kiêu. Lễ hội đền Quát mùa xuân thường diễn ra từ ngày 10-20 tháng giêng, mùa thu từ ngày 14-16.8 âm lịch.
Đông đảo người dân và du khách thập phương cổ vũ nghi lễ bơi chiềng
Đền Quát thờ danh tướng Yết Kiêu, Đệ nhất đô soái thủy quân đức Thánh Trần triều. Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242-1303), người thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu. Ông là một danh tướng nhà Trần, có biệt tài bơi lặn, nhiều lần đục thủng thuyền giặc Nguyên Mông làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử. Sau khi ông mất, vua Trần đã ban sắc phong cho dân làng Hạ Bì lập đền thờ và suy tôn ông là Thành hoàng làng. Yết Kiêu còn được lập miếu, đền thờ ở nhiều nơi, nhưng lớn nhất vẫn là đền Quát.
THẾ ANH