Sự kiện nổi bật ngày 1.10
Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 20:55, 01/10/2020
Ngày 1.10.2020, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Đề án Chính phủ "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa", Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị tham gia đề án tổ chức chương trình "Kết nối triệu con tim" phát động chiến dịch thiện nguyện trên nền tảng số iNhandao và ra mắt các nền tảng số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu thực hiện nghi thức "Kết nối triệu con tim". Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN
Ngày 1.10.2020, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với 10 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật nhưng còn nợ đọng và văn bản sẽ có hiệu lực pháp luật từ ngày 1.1.2021; tình hình xây dựng, trình các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 9 tháng năm 2020. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì buổi làm việc. Dự buổi làm việc có đại diện các Bộ, cơ quan: Công an; Quốc phòng; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Xây dựng; Nội vụ; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Lao động, Thương binh và Xã hội; Thanh tra Chính phủ.Trong ảnh: Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 6 và các hội nghị liên quan được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ ngày 1 - 2.10.2020, sáng 1.10.2020 diễn ra Hội nghị trực tuyến Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFCDM). Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN
Ngày 1.10.2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới năm 1950 - Giải phóng Cao Bằng (3.10.1950 - 3.10.2020). Chương trình gồm những nội dung như đọc diễn văn truyền thống; trình chiếu phóng sự về Chiến thắng Biên giới 1950 và Giải phóng Cao Bằng; chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề "Bản hùng ca Chiến thắng Biên giới"; tặng huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Cao Bằng cho các nhân có nhân có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Cao Bằng. Trong ảnh: Trao tặng Huy hiệu "Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Cao Bằng" cho 70 cá nhân có nhiều thành tích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Cao Bằng. Ảnh: Quốc Đạt – TTXVN
Ngày 1.10.2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu Chương trình Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn các loài hoang dã giai đoạn 2010 - 2020 nhằm ghi nhận những đóng góp, sáng kiến trong công tác bảo tồn và Lễ trao giải cuộc thi ảnh về đa dạng sinh học Việt Nam năm 2020. Chương trình cũng nhằm khích lệ tinh thần đóng góp, nghiên cứu đa dạng sinh học cũng như đánh thức niềm tự hào về đa dạng sinh học Việt Nam trong cộng đồng, tiến tới đưa bảo tồn đa dạng sinh học thành nhiệm vụ toàn xã hội. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Tuấn Nhân cùng các đại biểu chụp ảnh chung với các tác giả đoạt giải. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN
Từ 8 giờ ngày 1.10, ngành đường sắt bắt đầu mở bán vé tàu Tết Tân Sửu 2021 tại các nhà ga, đại lý, website và các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh. Trong sáng ngày đầu tiên bán vé, lượng khách mua vé tại ga Sài Gòn không nhiều và công tác bán vé khá thuận lợi.Tại ga Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), lượng khách đến mua vé trực tiếp tại ga không nhiều như các năm trước, không còn cảnh xếp hàng xem giờ tàu, giá vé ở các bảng hướng dẫn. Nguyên nhân một phần do ngành đường sắt triển khai nhiều hình thức bán vé khác nhau, nhất là qua hệ thống website, các ứng dụng trên thiết bị thông minh…Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu đi lại dịp Tết dự báo cũng giảm. Trong ngày đầu tiên mở bán vé, ga Sài Gòn phát ra hơn 2.000 tin nhắn lấy số thứ tự để mua vé, nhưng lượng người nhắn tin khá thấp. Trong ảnh: Tư vấn, hướng dẫn cách đặt vé cho hành khách. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
TRONG TỈNH
Chiều 1.10, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương để nghe báo cáo triển khai các công trình trọng điểm tại TP Hải Dương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản nhất trí về chủ trương với những đề xuất đầu tư các dự án, công trình trọng điểm tại TP Hải Dương để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý việc triển khai thực hiện các dự án, công trình phải quyết liệt, bảo đảm cân đối nguồn lực, tạo sự ổn định để TP Hải Dương phát triển tương xứng đô thị loại I và là trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội của tỉnh. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo TP Hải Dương và các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, không để việc tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh ảnh hưởng, làm gián đoạn công việc. Phân công rõ trách nhiệm công việc từng bộ phận, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP Hải Dương gần dân, trọng dân, vì dân và phát triển thành phố xứng tầm đô thị loại I. Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ TP Hải Dương xác định 7 dự án, công trình trọng điểm... Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu kết luận buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương. Ảnh: Hoàng Biên
Sáng 1.10, Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy (18.10.1930 – 18.10.2020). Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận sự cố gắng của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Tỉnh ủy, văn phòng các cấp ủy, đồng hành cùng các cấp ủy thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Lưu ý thời kỳ mới đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức Văn phòng Tỉnh ủy, văn phòng cấp ủy các cấp phát huy truyền thống, không ngừng rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, đổi mới tư duy để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Văn phòng cấp ủy các cấp tiếp tục nêu cao trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, cập nhật kiến thức, thông tin để có ý kiến tham gia, thẩm định giá trị tham mưu cho cấp ủy quyết định những vấn đề lớn, tác động đến phát triển kinh tế, xã hội. Chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Văn phòng Tỉnh ủy cần phát huy những kết quả đã đạt được, tập trung chuẩn bị phục vụ tốt nhất cho đại hội... Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển tặng hoa chúc mừng Văn phòng Tỉnh ủy. Ảnh: Trung Thu
Sáng 1.10, tại di tích quốc gia đền Quát ở xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc tổ chức khai hội truyền thống mùa thu đền Quát và đón bằng ghi danh Lễ hội đền Quát là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Sau lễ dâng hương tưởng nhớ danh tướng Yết Kiêu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển trao bằng ghi danh Lễ hội đền Quát là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo huyện Gia Lộc. Lễ hội truyền thống mùa thu đền Quát thường diễn ra từ ngày 14-16.8 âm lịch nhưng năm nay chỉ diễn ra trong ngày 1.10 (tức 15.8 âm lịch), không tổ chức phần hội và phải bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Ngoài các nghi lễ truyền thống, Lễ hội đền Quát năm nay có nét mới là tái hiện nghi lễ bơi chiềng, nghi lễ dâng cỗ hộp (một hoạt động thường diễn ra trong các lễ hội đền Quát xưa)... Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng nhân dân và du khách dâng hương tưởng nhớ danh tướng Yết Kiêu. Ảnh: Thế Anh
Sáng 1.10, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bế mạc Hội thi Sĩ quan giỏi năm 2020 sau 3 ngày tổ chức. Hội thi năm nay có nhiều nét mới. Các đơn vị, cá nhân tham gia đã chuẩn bị kỹ lưỡng, các phần thi có chất lượng cao. Ban tổ chức trao giải nhất toàn đoàn cho Ban Chỉ huy quân sự thị xã Kinh Môn; Ban Chỉ huy quân sự huyện Kim Thành và Trung đoàn 125 đoạt giải nhì toàn đoàn; Ban Chỉ huy quân sự các huyện Gia Lộc và Thanh Hà cùng đoạt giải ba. Trong ảnh: Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trao giải nhất, nhì, ba toàn đoàn cho các đơn vị. Ảnh: Hà Vy
QUỐC TẾ
Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp trong hai ngày 1-2.10 tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về các vấn đề đối ngoại, đặc biệt là quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và tình hình ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh EU lần này sẽ diễn ra một cuộc thảo luận chiến lược về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh EU trực tuyến ngày 19.8 vừa qua, một số nhà lãnh đạo đã nêu ra tình hình ở Đông Địa Trung Hải và quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà lãnh đạo đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng ngày càng gia tăng và nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải giảm leo thang.Trong ảnh (tư liệu): Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ, ngày 21.2.2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngay trước thời điểm tài khóa 2021 bắt đầu vào ngày 1.10.2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30.9 đã ký ban hành đạo luật ngân sách tạm thời nhằm tránh nguy cơ chính phủ phải đóng cửa do cạn kiệt nguồn chi. Trước đó cùng ngày, dự luật ngân sách tạm thời đã được Thượng viện Mỹ thông qua với 84 phiếu thuận và 10 phiếu chống. Hạ viện đã thông qua văn kiện này cách đấy khoảng 1 tuần. Đạo luật chi tiêu bổ sung này sẽ giúp chính phủ duy trì hoạt động tới ngày 11.12 tới, tức là sau khi cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến vào ngày 3.11 hoàn tất. Trong ảnh: Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Vào thời điểm kết thúc phiên giao dịch sáng 1.10.2020, Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) vẫn chưa thể giao dịch trở lại vì sự cố kỹ thuật. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1.2006, TSE phải tạm ngừng toàn bộ giao dịch. Hãng tin Kyodo cho biết TSE sẽ ngừng mọi giao dịch trong cả ngày 1.10 và đây là sự cố tồi tệ nhất từ trước tới nay mà sở giao dịch chứng khoán lớn thứ ba thế giới này phải hứng chịu. Trong ảnh: Bên ngoài Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 1.10.2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Lượng băng tan chảy từ khối băng khổng lồ tại Greenland sẽ khiến mực nước biển trong thế kỷ 21 dâng lên mức cao nhất trong 12.000 năm qua, cho dù tình trạng Trái Đất ấm lên được kiểm soát. Đây là kết luận trong một nghiên cứu về sự tan băng ở Greenland đăng tải trên tạp chí Nature số ra ngày 30.9.2020. Nghiên cứu, dựa trên dữ liệu và các mẫu lõi băng, là công trình khoa học đầu tiên khôi phục lại số liệu về lượng băng tan trong cả kỷ Holocene. Theo các nhà nghiên cứu, nếu lượng khí thải nhà kính không được kiểm soát, khối băng dày hàng km sẽ mất đi 36.000 tỷ tấn băng trong thời gian từ năm 2000-2100, khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên 10 cm. Trong ảnh (tư liệu): Băng trôi trên sông băng ở gần Kulusuk, Greenland, ngày 15.8.2019. Ảnh: AFP/ TTXVN