Hải Dương: Chữa cháy ở cơ sở còn khó khăn

Xã hội - Ngày đăng : 13:30, 03/10/2020

Do lực lượng mỏng, lại thiếu trang thiết bị nên công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.


Công an huyện Thanh Hà tổ chức tập huấn phòng cháy chữa cháy tại Trường Tiểu học xã Thanh Cường

Từ khi có lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) ở công an cấp huyện, công tác PCCC trong tỉnh có chuyển biến tích cực. Dù vậy, lực lượng này cũng như công tác PCCC tại cơ sở vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Thiếu thốn thiết bị

Từ khi thành lập, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyện Thanh Hà thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn những kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ PCCC cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong huyện. Việc thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm cũng giúp nâng cao ý thức của người dân và các chủ cơ sở. Đặc biệt, mỗi khi nhận được tin báo cháy xảy ra, lực lượng phản ứng nhanh của đơn vị nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tham gia dập lửa. Nhiều vụ cháy nhỏ như cháy cột điện tại các xã Cẩm Chế, Thanh Thủy, cháy trong Trường Tiểu học xã Thanh Hải đã được đơn vị phối hợp khống chế, dập tắt kịp thời.

Bắt đầu thành lập từ cuối năm 2019, hiện tất cả Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã có đội cảnh sát PCCC và CNCH. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, hoạt động của lực lượng này hiện còn nhiều khó khăn khiến việc chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ tại đội được điều động từ những đơn vị khác về nên không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ PCCC và CNCH. Các đội PCCC và CNCH ở cấp huyện thường chỉ có 1-2 xe mô tô, máy bơm công suất không lớn và một số bình chữa cháy cầm tay.

Trung tá Vũ Văn Khải, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Hà cho biết lực lượng mỏng, thiết bị nghèo nàn nên công tác chữa cháy tại chỗ chưa thực sự hiệu quả. Đối với những vụ cháy lớn trên địa bàn thì việc chữa cháy vẫn phải phụ thuộc, chờ đợi lực lượng của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, các doanh nghiệp có xe chữa cháy chuyên dụng. Khi có cháy, các lực lượng cấp huyện, xã rất khó để vào trong hiện trường vì không có quần áo bảo hộ chuyên dụng, mặt nạ phòng độc.

Nước xa khó cứu lửa gần

Trong khi lực lượng chữa cháy tại cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thì lực lượng chữa cháy của tỉnh cũng có nhiều khó khăn. Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), hiện một số xe chữa cháy tại đơn vị đã sử dụng 10-15 năm nay nên xuống cấp, thường xuyên hỏng hóc khiến công tác chữa cháy thường xảy ra trục trặc, nhất là những vụ cháy lớn, phương tiện, máy móc hoạt động nhiều giờ đồng hồ. Phòng hiện có 2 đơn vị trực tiếp làm công tác chữa cháy đóng tại TP Hải Dương và TP Chí Linh cũng không bảo đảm khoảng cách tiêu chuẩn chữa cháy và CNCH (dưới 5 km). Thời gian di chuyển đến hiện trường lâu và thiệt hại cháy gây ra thường lớn.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ cháy gây thiệt lớn về tài sản như tại Công ty TNHH Nam Sinh (xã Cẩm Hưng, Cẩm Giàng) ngày 26.9, ở cơ sở sản xuất gỗ của hộ kinh doanh Đỗ Xuân Tươi (thị trấn Kẻ Sặt, Bình Giang) ngày 1.2. Ngoài khó khăn của lực lượng cảnh sát, nhiều địa phương, doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư cho công tác PCCC. Hạ tầng giao thông, hệ thống điện, nguồn nước hạn chế khiến công tác chữa cháy chưa phát huy tối đa hiệu quả.

Theo thượng tá Hà Tiến Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra thì một trong những giải pháp căn cơ là nâng cao năng lực PCCC của lực lượng ở cơ sở, phát huy hiệu quả công tác chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ). Cùng với những cố gắng khắc phục khó khăn của lực lượng cảnh sát, các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình cần đề cao cảnh giác, quan tâm hơn nữa, đầu tư thỏa đáng về thời gian, công sức và kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền, tập huấn, thực hành PCCC. "Mỗi gia đình, mỗi người dân cần chủ động tìm hiểu, trang bị những kiến thức chữa cháy, thoát hiểm, thoát nạn, xử lý tình huống ban đầu khi có sự cố cháy nổ xảy ra để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của mình, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa phương", thượng tá Dũng đề nghị.

HẠO NHIÊN