Vợ chồng 25 năm ở nhà giữa sông
Đời sống - Ngày đăng : 20:06, 03/10/2020
Ngôi nhà và các tấm rào bằng lưới tạo thành hình trái tim ở khúc sông Chợ Mới (hạ lưu sông Diêm Điền, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi) là địa chỉ nổi tiếng với biệt danh "Ngôi nhà hạnh phúc".
25 năm trước, ông Phạm Đức Quang (tên thường gọi là Đa) và vợ - bà Phùng Thị Thủy dùng thuyền chở đất ra bãi bồi giữa sông (cách đất liền 200 m) để đắp gò, dựng chòi nuôi vịt. Căn nhà nằm trên khu khai hoang, ở điểm giữa của khu dân cư và đồng lúa bên kia sông.
Sông Diêm Điền tuy nhỏ và nước chảy êm, nhưng phải mất 10 năm vừa đắp đất, vừa trồng cây giữ đất, gò đất của vợ chồng ông Quang mới hình thành với diện tích khoảng 400 m2.
Trên gò, họ dựng nhà băng các vật liệu thô sơ. Ông Quang bị mất một tay do mìn nổ khi còn nhỏ nên thuê thêm người cùng dựng khung nhà, lợp ngói. Còn các việc khác ông điều tự làm được.
Trước mùa Đông, ông cùng vợ sửa lại tấm cửa bằng gỗ, tre và giấy xốp.
Vợ chồng ông Quang lắp lại tấm cửa cho căn nhà đơn sơ. Họ thường ra đây ăn cơm buổi trưa va hóng mát, tối thì thi thoảng ở lại, vì phải ở nhà trong đất liền cùng con cháu. "Lỡ vợ chồng có cãi nhau thì ra đây nói cho con cái khỏi nghe", bà Thủy nói đùa.
Hai vợ chồng nổi tiếng chăn nuôi giỏi. Họ vừa xuất bán đàn vịt trời 100 con, đang nhập 200 con vịt trời từ Hà Nội để tiếp tục nuôi.
Ngoài chăn nuôi, ông Quang trồng nhiều cây cối và nuôi chim cảnh giữa gò đất này.
Bà Thủy rửa chén sau khi cùng chồng ăn trưa. Những khi đông bạn bè, khách, họ có thể mang thêm bếp, nồi để làm tiệc giữa sông.
Chỉ còn một cánh tay, ông Quang vẫn chèo đò rất khéo léo. Sau giờ ăn trưa, ông chèo từ giữa sông về làm việc trong đất liền.
Ngoài công việc gia đình, ông còn phụ trách việc nâng, hạ cửa ngăn nước ở Bờ Đắp, nơi ngăn sông Diêm Điền với biển.
"Thấy tôi trồng lúa nhiều, nuôi vịt giữa sông, lại hay liên hệ với cán bộ nông nghiệp đề nghị điều chỉnh cửa đập nên ngành nông nghiệp giao tôi làm", ông Đa kể.
Hơn 4 năm qua với mức phụ cấp 6 triệu đồng mỗi năm, ông làm người "canh cửa" cho cánh đồng hơn 100 ha của hai xã Tịnh Khê và Tịnh Hòa. Ông phải rành rọt mực nước thủy triều và độ cao ruộng nông, ruộng sâu để điều chỉnh cửa đập, vừa ngăn nước mặn xâm nhập vào sông làm chết lúa, vừa không để lúa bị úng vì nước ứ đọng.
Điều chỉnh cửa đập ngăn mặn xong, ông về lại chòi, cùng vợ chèo thuyền vong quanh để chắc chắn rằng các tấm khoanh bằng lưới không có chỗ thủng, vịt không thể ra ngoài.
"Tôi khoanh lưới để vịt bơi dưới nước mát, mau lớn. Một số con sổng ra ngoài thành vịt hoang sống ở các lùm, gò giữa sông, nhưng chúng rất khôn, không dễ bắt lại được", ông Quang nói.
Lúc nghỉ ngơi, ông Quang nằm trên chiếc ghế tre do ông tự làm, để vợ nhổ tóc sâu.
Bà Thủy kể, chồng bà tuy một tay không còn lành lặn, nhưng ông rất chịu khó và khéo tay. Ông làm nhiều nông cụ bằng tre để bán, làm 17 sào ruộng (8.500 m2)... Ông rất lạc quan và vui tính, được nhiều người quý mến.
"Ổng theo đuổi cô rất kiên trì nên cô thương", bà Thủy tâm sự. Sau hơn 30 năm chung sống, vợ chồng có hai con trai, con lớn đã lấy vợ, sinh cháu nội.
Chiều muộn, ông Đa chất rạ của vụ hè thu thành đống để tránh mưa ướt.
Kết thúc công việc một ngày, vợ chồng ông Quang lùa trâu của mình và hàng xóm về nhà từ cánh đồng bên sông.
Theo Vnexpress