Thả neo bằng con chữ
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 06:54, 04/10/2020
Tỷ lệ học sinh đến trường đúng độ tuổi ở Kim Lai đã tăng gấp đôi so với năm 2008 khi UBND tỉnh quyết định quy hoạch vùng định cư mới cho làng chài
Từ Kim Lai - làng chài có tới hơn 80% số dân mù chữ, hàng trăm con em của làng đã bước ra hòa nhập nhanh chóng với nhịp sống trên bờ.
Bước ra từ làng "nổi"
Ba tuần nay thầy Trần Văn Hưng, giáo viên Trường THCS Chu Văn An - ngôi trường chất lượng cao của TP Chí Linh không về nhà. Nhớ con trai, bà Nguyễn Thị Khánh gọi điện thì được biết anh Hưng ở lại trường để ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi toán. Người mẹ mù chữ ở làng chài Kim Lai (khu dân cư 16, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương) ấy vui không tả hết. Nhà bà suốt ngày có bà con đến chơi, chúc mừng. Bà vừa là đại diện duy nhất của khu đi nhận khen thưởng "Gia đình khuyến học tiêu biểu" của phường Ngọc Châu năm nay.
"Vui lắm vì cháu đã có ngành nghề, không còn phải lênh đênh trên thuyền như mấy đời nhà tôi vẫn thế”, bà Khánh bảo. Anh Hưng vừa tốt nghiệp đi làm và thi đỗ kỳ thi tuyển viên chức. Đây là trái ngọt cho chặng đường đằng đẵng bà Khánh vượt đói nghèo nuôi con ăn học. Anh Hưng cũng là người đầu tiên của làng trở thành thầy giáo.
Người ở Kim Lai vẫn thường gọi nơi này là làng. Họ chưa quen hoặc muốn giữ lại gốc tích của làng chài xưa. Ngày cả làng được cấp đất, dần định cư cũng là tầm lứa tuổi như Hưng cắp sách đến trường. Từ con thuyền nhỏ lênh đênh bước lên bờ, bà Khánh vẫn nhớ chào đón họ là vô kể những khó khăn, từ việc túng thiếu tứ bề vì vay mượn để làm nhà, rồi chưa quen công việc... Người mẹ mù chữ với khát khao cho con có ngành nghề, không phải theo cảnh "gạo chợ nước sông" vừa hằng ngày đưa đón con đi học, vừa tất tả kiếm việc mưu sinh. Nhà có 3 đứa con đi học mà bố mẹ cũng chỉ biết lo cho cái ăn, rồi quát tháo, giục giã chứ không biết con đang được học gì. Cả 2 ông bà chỉ biết viết mỗi tên mình. Con gái lớn thương bố mẹ vất vả nên khi biết đọc, biết viết là xin nghỉ học để đi làm.
Gầy bé, còi cọc hơn các bạn cùng tuổi nên Hưng phải đi học muộn hơn 1 năm. Nhưng em chăm chỉ, cần cù, nhịn ăn sáng, đi bộ đi học. Sách vở càng không có nhiều vì cái ăn còn chưa đủ. Bây giờ nghĩ lại bà Khánh càng thương con vì chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn. Hưng học giỏi một mạch từ lớp 1 đến lớp 12. Học phụ đạo, các thầy, cô giáo đều miễn phí vì biết em ở khu làng chài. Rồi Hưng thi đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội đúng lúc nhà bà Khánh vẫn chồng chất nợ xây nhà. "Dù nhịn đói cũng phải lo cho con học", quyết thế nên vợ chồng bà nai lưng làm đủ mọi việc. Ông đi làm thợ sơn, thợ hồ, bà thì ai thuê gì làm nấy. Năm thứ hai đại học, Hưng tự tìm việc làm thêm để bớt đi gánh nặng cho bố mẹ. "May mắn nhất là nhà tôi được lên bờ. Nếu không thì giờ tôi vẫn lênh đênh trên sông làm nghề chài lưới", thầy giáo Hưng nói.
Cách nhà bà Khánh 2 dãy phố, trước thềm nhà, hằng ngày chị Trần Thị Điểm thoăn thoắt bóc tỏi để kiếm 5.000 đồng/kg. Chị Điểm mới 35tuổi, có trình độ văn hóa lớp 6 nhưng đọc và viết tiếng Anh thành thạo vì đã từng đi xuất khẩu lao động. Có lẽ thừa hưởng sự thông minh từ mẹ nên Cao Văn Tú - con trai lớn của chị học hành chăm ngoan, bộc lộ ước mơ thoát nghèo từ bé. Dường như thấu hiểu cảnh vất vả, nghèo đói từ đời ông bà đến đời bố mẹ, hết cấp 2 rồi THPT, Tú học hành chăm chỉ và thi đỗ Đại học Điện lực. Nhưng do có đam mê nấu ăn từ bé, cậu học sinh làng chài quyết chí đi học cái nghề mà cả làng chưa có ai học: đầu bếp. Không ngờ lại được gia đình ủng hộ, Tú một mình vào TP Hồ Chí Minh vừa học xuất sắc, vừa làm thêm để lo tiền học phí.
"Ở làng chài từng có đến 85% số người mù chữ này tôi thật chưa bao giờ dám mơ đến lúc con cháu mình lại được học hành như vậy", cụ Cao Văn Trường, 84 tuổi, ông nội của Tú vừa ngắm cháu nội qua tấm ảnh trên điện thoại vừa tấm tắc. Tú vừa được một trung tâm dạy nghề ở TP Hồ Chí Minh giữ lại làm giáo viên thỉnh giảng khi còn chưa lấy bằng tốt nghiệp.
Người dân làng chài Kim Lai đều mong muốn cho con em đi học để thoát cảnh mù chữ, tương lai tươi sáng hơn
Vun vén học hành
Sáng sớm yên bình ở Kim Lai bị đánh thức bởi cơn mưa rào và sự xôn xao của hơn 100 học sinh lục tục đến trường. 76 học sinh tiểu học, 51 học sinh THCS, 28 em học THPT và rất nhiều em bé đến trường mầm non. Chưa bao giờ làng chài có đông học sinh như hiện nay.
Ông Đoàn Văn Kính đã choàng kín chiếc áo mưa lên người và chiếc xe máy điện. 3 đứa cháu ngoại, 2 đứa lớp 3, 1 đứa lớp 5 đã gọn gàng trong bộ đồng phục của Trường Tiểu học Phú Lương (TP Hải Dương). 2 đứa bé ríu rít chào bà rồi chui vào tấm áo mưa rộng của ông. Trong màn mưa giăng, ông Kính nổ máy xe chở cháu phóng ào đi. Bà Chanh, vợ ông thì nhắc đứa cháu lớn đeo chắc chiếc ba lô, trùm kín áo mưa để tự đạp xe đến trường.
Hơn 60 tuổi, ông bà Kính định cư trên bờ và nhận nhiệm vụ hằng ngày đưa đón, trông nom cả 5 đứa cháu nội, cháu ngoại vì gia đình 4 người con vẫn ở dưới thuyền. Cảnh nhà còn khó khăn, ông chỉ biết lấy công sức ra để giúp con cháu. “Cả 2 bên nội ngoại đều nhiều đời nghèo khó, đông con, lênh đênh trên thuyền nay đây mai đó nên lớp người già chúng tôi đều mù chữ. Đã không thể lo nổi cho các con lên bờ, thì nay dù đói nghèo chúng tôi cũng cố cho các cháu được đến trường”, ông bảo vậy và miệt mài đan lưới, kiếm 50.000 - 60.000 đồng/ngày để thêm vào lo cho các cháu. Không có điều kiện cho các cháu ăn bán trú, cứ căn đúng giờ nghỉ trưa ông lại đến trường đón cháu về. Ngày 4 lượt như thế, ông Kính chăm chỉ đi chở chữ về cùng các cháu.
Phía đối diện nhà ông Kính, ông Đào Văn Tiến cũng đang nuôi tới 4 đứa cháu ăn học. Thấy ông bà vất vả, bề bộn chăm cho các cháu ăn mặc, học hành, nhiều người thấy ngại nhưng ông bảo: "Nhìn các cháu được học hành, chạy nhảy, nô đùa trên đất liền, chúng tôi không ngại nhọc mệt. Tôi động viên các con cố gắng để đời các cháu không còn phải còng lưng dưới những mái thuyền chật chội nữa". Ông bà không biết chữ nhưng còn khỏe khoắn nên ra sức trông nom các cháu để bố mẹ chúng yên tâm làm lụng. Ông Tiến khoe, trong số các cháu nội, ngoại cũng đã có cháu đang học đại học. Tối đến, cả nhà gần chục người quây quần trong căn nhà gần 50 m2, bàn học của các cháu chỉ nhỏ gọn, đơn sơ. Không biết chữ, ông bảo cháu lớn chỉ bài cho cháu bé. Còn ông thì ngồi cùng để nhắc nhở, động viên cháu học.
Bà Khánh, mẹ của thầy giáo Trần Văn Hưng cũng đang nuôi 3 cháu ngoại ăn học. Lấy anh Hưng ra làm gương, bà rèn các cháu chăm lo việc học. Bà đe "sẽ kiểm tra, đứa nào làm sai bị phạt" nên đàn cháu sợ răm rắp mà không biết là bà không biết chữ. Ngoài giờ, cháu lớn đang học lớp 11 đã biết kiếm việc làm thêm để phụ bà lo cho các em.
Dẫn tôi đi dạo quanh khu với hơn 300 ngôi nhà - những ngôi nhà đặc trưng của làng chài thâm thấp chỉ 2 tầng, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư 16 Hoàng Văn Phúc chỉ rõ từng nhà có đông con em đang đi học. Liền cả dãy phố là nhà các ông Lê Văn Công, Đào Văn Đoan, Đào Văn Tiến… đều có tới 3 - 5 đứa cháu ở với ông bà để đi học. “Khu có hơn 660 hộ nhưng còn non nửa bà con vẫn ở thuyền và đi làm ở khắp mọi con sông”, anh Phúc cho biết và đó chính là nguyên nhân khiến làng có nhiều trẻ em ở với ông bà. Tỷ lệ học sinh đến trường đúng độ tuổi ở khu hiện đã tăng gấp đôi so với năm 2008 khi UBND tỉnh quyết định quy hoạch vùng định cư mới cho làng chài. Việc học của con em trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi nhà, không ai trông chờ, đòi hỏi gì vào chế độ, chính sách.
"Cuộc sống bây giờ như trong mơ", cụ Cao Văn Trường vốn từng là Trưởng Ban công tác Mặt trận của khu so sánh. Cuộc sống trên bờ với nhà cửa khang trang, điều kiện ngày càng khấm khá so với ký ức của lớp người già ở làng chài thì đúng là đã hoàn toàn đổi khác. Từ một làng “nổi” với hàng trăm hộ chài lưới hằng ngày dong thuyền đi khắp các con sông lớn bé, tối về quy tụ ở góc chân cầu Phú Lương, sau 12 năm định cư, Kim Lai đã thành khu dân cư mới sạch đẹp. Niềm vui đang được thắp lên vì sát bên khu là công trường thi công cầu chữ Y nối khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (EcoRivers) sang khu đô thị mới phía đông TP Hải Dương đang rộn ràng ngày đêm. Với nhiều gia đình như nhà bà Khánh, chị Điểm, không chỉ định cư trên bờ, họ còn thả neo chắc chắn trên đất liền bằng niềm tin lớn hơn vào thế hệ con cháu được tới trường và đang trưởng thành nhờ có con chữ. Hơn 20 người đã tốt nghiệp đại học, hàng trăm người tốt nghiệp THPT đi làm công nhân…
Chỉ ríu rít một chập lúc sáng sớm, rồi Kim Lai yên bình đến lạ. Người trẻ đã đi học, đi làm hết. Ở nhà hầu hết là người cao tuổi. Họ mang lưới ra trước cửa nhà ngồi đan vá. Người thì bán hàng, bóc tỏi… Chuyện râm ran từ thềm nhà nọ sang hiên nhà kia như thuở những mạn thuyền còn cập kề nhau.
LINH AN