EU thúc đẩy bảo đảm tính thượng tôn pháp luật ở Biển Đông

Tin tức - Ngày đăng : 07:27, 04/10/2020

Việc ba nước Anh, Pháp, Đức gửi công hàm về vấn đề Biển Đông cho thấy EU quan ngại về tình hình Biển Đông cũng như các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại đây.
Hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Praha, các chuyên gia Séc cho rằng Liên minh châu Âu (EU) ngày càng quan tâm và thúc đẩy giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm góp phần bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Tiến sĩ Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Tổng hợp Charles cho rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông theo yêu sách "đường lưỡi bò" vì năm 2016, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) đã ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines, trong đó khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế.

Ông Hosoda ủng hộ việc ba nước Anh, Pháp, Đức (E3) mới đây gửi công hàm tới Liên hợp quốc thể hiện quan điểm chung về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), trong đó cũng đã nhắc lại phán quyết của Tòa PCA.

Trước đó, E3 cũng đã phối hợp lập trường trong vấn đề Biển Đông khi đưa ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở vùng biển này trong năm 2019.

Theo ông Hosoda, do Đức và Pháp là hai quốc gia có vai trò quan trọng trong định hình chính sách chung của EU nên những động thái trên của nhóm E3 là dấu hiệu cho thấy EU ngày càng quan tâm và thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông dưới góc độ bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế và bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.

Mới đây Đức đã công bố định hướng chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trước đó, Pháp cũng đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh hàng hải ở khu vực.

Tiến sỹ Jan Hornat, chuyên gia nghiên cứu về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng thuộc Đại học Tổng hợp Charles, cho rằng Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với EU không chỉ khía cạnh an ninh và kinh tế, mà còn về khía cạnh "vùng biển mở và tự do."

Khía cạnh quan trọng nhất mà EU quan tâm trong vấn đề Biển Đông là cần phải bảo đảm tính thượng tôn pháp luật. Theo ông Hornat, việc E3 gửi công hàm tới Liên hợp quốc thể hiện sự phối hợp lập trường chung mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông nhằm gia tăng sức ép với Trung Quốc, cũng như để hưởng ứng việc Ngoại trưởng Mỹ mới đây nhắc lại việc tuân thủ phán quyết PCA.

Trong khi đó, việc Đức công bố định hướng chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Pháp thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là minh chứng rõ ràng cho thấy EU ngày càng nhận thức về việc cần phải đóng vai trò trong khu vực.

Trong khi đó, ông Vaclav Kopecky, chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á thuộc Hiệp hội các vấn đề quốc tế (AMO), cho rằng việc E3 gửi công hàm thể hiện lập trường chung trong vấn đề Biển Đông cho thấy E3 nói riêng và EU nói chung quan ngại về tình hình Biển Đông cũng như các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời mong muốn góp phần bảo đảm an ninh hàng hải ở Biển Đông vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Theo TTXVN