Làng tò he

Các em viết - Ngày đăng : 18:46, 04/10/2020

Nặn tò he không chỉ là thú vui mà còn là một nét đẹp ở làng tôi.



Khi không khí lạnh se se tràn về cũng là lúc mùa thu đến. Thu về trong hương cốm mới thơm lừng từng ngõ xóm, trong hương hoa sữa nồng nàn và hương thị, hương ổi nức mũi. Mỗi khi được hít hà những hương vị quen thuộc đó là tôi háo hức lắm bởi một mùa Trung thu lại đến. Thích thú nhất vì làng tôi nặn tò he, những con tò he nho nhỏ, màu sắc sặc sỡ không thể thiếu trong mâm cỗ trông trăng của mỗi gia đình. Đó là một món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa đối với tuổi thơ của mỗi người.

Hồi bé, tôi không được chứng kiến các công đoạn nặn tò he nên không biết gì, thấy bạn bè bảo tò he được nặn bằng cơm nguội cũng tin. Thật uổng công người làng tò he quá. Nhưng khi lớn hơn, được chứng kiến các công đoạn để tạo ra từng chú tò he nhỏ xinh, tôi mới hiểu hết cái vất vả, tỉ mỉ, cầu kỳ để làm ra một con tò he nhỏ xíu. Bước đầu người làm tò he phải chọn gạo rồi ngâm cho mềm, sau đó vớt ra để ráo nước. Sau khi ráo nước, gạo sẽ được giã mịn. Công đoạn này đòi hỏi sức mạnh cùng sự kiên trì, khéo léo. Tôi theo chân anh trai đi giã gạo bằng cái cối đá to và rất nặng. Thấy anh có vẻ mệt nên tôi đề nghị giúp sức. Nhưng chỉ giã được vài cái tôi đã thấy tay mỏi nhừ bởi chiếc chày quá nặng, còn bột bị tôi làm cho vãi ra ngoài. Thế mới biết công việc giã gạo thật không đơn giản. Gạo giã phải mịn thì bột nặn mới mịn, tạo ra sản phẩm đẹp. Đó chính là lý do vì sao gạo phải giã bằng cối mà không đi xay bằng máy. Máy xay không đạt được yêu cầu đó. Khi giã gạo thành bột xong còn phải trải qua một lần lọc bột nữa mới có thể hoàn thành giai đoạn này. 

Giai đoạn hai là giai đoạn hấp bột. Bột được cho vào chõ, đổ nước vào đáy rồi đun sôi cho hơi nước bay lên làm chín. Bột khi hấp xong có thể ăn, ngày bé tôi thường được ăn thứ bột ấy chấm với đường, đó cũng là một thú vui của trẻ con. Bột chín sẽ được cho ra ngoài để nguội cho ráo hơi nước và dễ nhào. Vì cần nước để tạo độ dẻo nên hấp xong bột phải hơi khô; bột chín, mịn là đạt yêu cầu. Sau khi cho nước vào, bố tôi dùng tay nhào bột cho mịn và chắc, tạo thành từng khối lớn. Sau đó bố chia bột thành các khối nhỏ để pha màu. Bây giờ mọi người dùng phẩm màu vì sự tiện lợi nhưng tôi vẫn nhớ cái cảnh đốt lá tre để tạo màu đen. Màu pha đậm hay nhạt tùy sở thích và có nhiều màu nhưng ở quê tôi mọi người thường chuộng màu đỏ, vàng, xanh lá, trắng, tím. 

Có bột rồi thì đến công đoạn nặn tò he. Dưới bàn tay khéo léo của bố và anh, từng chú tò he ra đời. Đủ cả những con vật gần gũi, thân thuộc như trâu, ngựa, gà, có cả nải chuối cho mâm ngũ quả thêm trọn vẹn… Gần đây còn có hoa hồng, ông phỗng và nhiều biến tấu khác. Tôi cũng thử nặn ông phỗng nhỏ nhỏ, tuy không được đẹp lắm nhưng rất ngộ nghĩnh với biến tấu tóc xoăn được trẻ em ưa thích. Tuy sản phẩm chưa hoàn mỹ lắm nhưng cũng giúp tôi học được sự nhẫn nại khi ngồi nặn tỉ mỉ từng chi tiết.

Cuối cùng là công đoạn hấp bánh (sản phẩm nặn xong gọi là từng bánh tò he). Từng bánh được đưa vào nồi hấp, xếp vừa đủ một chõ để đủ lượng hơi nước bốc lên. Giai đoạn này cũng cần chú ý lửa để không làm hỏng bánh. Hấp đủ 15-30 phút là được. 

Nặn tò he không chỉ là thú vui mà còn là một nét đẹp ở làng tôi. 

​VŨ THỊ THANH ANH
(Lớp 11F, Trường THPT Nam Sách)