"4 nhà" cùng làm vụ đông

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:02, 06/10/2020

Năm nay, tỉnh đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng mối liên kết “4 nhà”. Đây được đánh giá là giải pháp bền vững nhất làm gia tăng giá trị sản xuất vụ đông.


Đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.000 ha sản xuất rau màu vụ đông thực hiện liên kết "4 nhà"

Năm nay, với quyết tâm đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chủ lực, Hải Dương đang thắt chặt mối liên kết giữa "4 nhà" là: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học để làm ra nông sản giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thay đổi cách làm

Năm 2017, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm lựa chọn xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) xây dựng mô hình điểm về sản xuất su lơ xuất khẩu. Trước kia, nông dân canh tác theo thói quen, ít quan tâm tới chất lượng điều kiện phục vụ sản xuất như cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... nên sản phẩm không đồng đều, giá bán bấp bênh. Khi được các kỹ sư của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc đạt chuẩn xuất khẩu và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu, người dân Tân Kỳ đã thay đổi cách làm vụ đông. Theo ông Đào Văn Đoàn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Kỳ, mỗi ha su lơ trồng theo quy trình xuất khẩu cho thu lãi từ 80 - 90 triệu đồng, gấp đôi so với sản xuất đại trà nên nông dân rất phấn khởi. Nhận thấy lợi ích lớn, người dân mong muốn duy trì được mối liên kết "4 nhà" trên toàn bộ 100 ha diện tích trồng cây vụ đông của xã.

Có kinh nghiệm gieo trồng cây vụ đông lâu đời nên nông dân xã Lê Lợi (Gia Lộc) không lúng túng khi vụ này Xí nghiệp xuất khẩu nông lâm sản Đức Lộc đề nghị liên kết sản xuất su hào xuất khẩu với diện tích 20 ha. Những năm qua, tại địa phương đã xuất hiện mô hình liên kết giữa người bán, người mua nhưng chỉ là thỏa thuận miệng, không có căn cứ pháp lý. Do vậy, nhiều khi người dân vẫn chịu thiệt thòi. Có đơn vị bao tiêu theo giá cố định, nông dân sẽ yên tâm sản xuất, không lo trượt giá. Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lê Lợi khẳng định với trình độ thâm canh hiện tại, người dân có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. HTX giữ vai trò kết nối, bảo đảm quyền lợi giữa các bên. “HTX đang tìm hiểu một số doanh nghiệp để đặt vấn đề liên kết. Trước đó, chúng tôi đã từng hợp tác thành công với Công ty CP Nông sản Hưng Việt gieo trồng 50 ha cải bắp nên tôi tin là sẽ đạt được kết quả tốt nếu mở rộng liên kết sản xuất”, ông Sơn cho biết.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay toàn tỉnh có hơn 3.000 ha rau màu vụ đông có hợp đồng bao tiêu, gấp đôi so với năm trước. Dự kiến, con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi “4 nhà” phát huy vai trò trong mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nông dân cần đầu ra, doanh nghiệp cần nguyên liệu, còn nhà khoa học và nhà quản lý là cầu nối để thắt chặt liên kết.

Liên kết “4 nhà” là điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích vụ đông

Hướng tới bài bản

Vụ đông năm nay được đánh giá là thuận lợi khi cả thời tiết và thị trường đều ủng hộ. Mùa đông được dự báo lạnh hơn mọi năm giúp Hải Dương có thể phát triển cây trồng ưa lạnh vốn là thế mạnh như su hào, cải bắp, su lơ, hành tỏi… Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trong sản xuất các mặt hàng nông sản nhưng đang gặp khó khăn do dịch bệnh, thiên tai. Nắm bắt thời cơ này, tỉnh quyết liệt chỉ đạo các địa phương thực hiện vượt kế hoạch sản xuất vụ đông. Song không có nghĩa là mở rộng diện tích tràn lan mà phải trên cơ sở nhu cầu của thị trường và khả năng tiêu thụ. Do đó, tỉnh đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng liên kết “4 nhà”.

Trước đây, liên kết trong sản xuất vụ đông thường chỉ có “2 nhà” là nông dân và doanh nghiệp. Vì thế, mối liên kết thường không bền chặt, thường xuyên bị phá vỡ khiến đối phương mất niềm tin. Do vậy, cần phải có chính quyền, cơ quan chuyên môn làm trọng tài. Nhà khoa học tham gia chuỗi liên kết để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Trần Trọng Vinh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu Trần Vinh (Gia Lộc) cho rằng liên kết “4 nhà” là giải pháp bền vững nhất làm gia tăng giá trị sản xuất vụ đông của tỉnh. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong tỉnh có thế mạnh xuất khẩu cây vụ đông nên nếu tạo được liên kết “4 nhà” vững chắc sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển vụ đông của tỉnh. Muốn làm được điều này, liên kết phải được thực hiện bài bản, các chủ thể phải nhận thức được trách nhiệm và quyền lợi trong mối liên hệ này.

Dù đang có chuyển biến tích cực nhưng việc liên kết còn những rào cản nhất định trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài khi người dân và doanh nghiệp chưa thật sự tin tưởng nhau. Để khắc phục, cơ quan quản lý đang nỗ lực thắt chặt liên kết với sự tham gia của "4 nhà". Theo ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông này sở quyết liệt đề nghị mỗi đơn vị cấp xã xây dựng ít nhất 1 vùng sản xuất rau màu tập trung trên cơ sở liên kết bao tiêu sản phẩm.

DŨNG CƯỜNG

Theo kế hoạch, vụ đông năm nay toàn tỉnh gieo trồng 20.500 ha rau màu, gồm 6.000 ha hành tỏi; 4.000 ha cải bắp, su hào, su lơ; 2.000 ha ngô; 1.500 ha cà rốt... Giá trị sản xuất đạt 165 triệu đồng/ha. Do điều kiện sản xuất vụ đông thuận lợi, tỉnh đặt mục tiêu vượt từ 10-15% kế hoạch cả về diện tích và giá trị sản xuất.