Qua một nhiệm kỳ đại hội: Bài 1: Bước đầu phát triển công nghiệp hỗ trợ
Tin tức - Ngày đăng : 07:02, 08/10/2020
Hơn 30% dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Hải Dương là các dự án điện tử. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Huyndai Kefico Việt Nam trong khu công nghiệp Đại An mở rộng
Tạo nền tảng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định phương hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy tốt lợi thế của tỉnh nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh các ngành có lợi thế, có giá trị gia tăng cao. Để thực hiện mục tiêu này, việc phát triển công nghiệp, trong đó ngành CNHT được xác định là yếu tố trọng tâm trong chiến lược phát triển của tỉnh.
Đầu năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển CNHT tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Tỉnh đặt mục tiêu tận dụng tối đa những lợi thế để phát triển CNHT trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, từng bước đáp ứng nhu cầu trong mạng lưới sản xuất vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cả nước và khu vực. Đầu tư và thu hút đầu tư có chọn lọc các lĩnh vực CNHT, phát triển có chiều sâu để tạo ra các mũi nhọn cho phát triển công nghiệp, tập trung phát triển CNHT cơ khí chế tạo, điện, điện tử… Mục tiêu cụ thể tỉnh đặt ra khi xây dựng quy hoạch phát triển CNHT là trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất CNHT đạt 13,7%/năm. Tỷ trọng giá trị sản xuất CNHT trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2020 đạt 16,9% và tăng lên 19,3% trong năm 2030.
Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh những tiềm lực, lợi thế sẵn có, Hải Dương đã tập trung tạo dựng nền tảng để phát triển CNHT như xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, điện; xây dựng cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, từng bước thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT. Các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN).
Những năm qua, Sở Công thương đã tích cực tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị định, thông tư, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương về các vấn đề liên quan đến CNHT để tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành tích cực phối hợp tuyên truyền các nội dung liên quan đến hội nhập quốc tế, thông tin thị trường có tác động đến DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hải Dương đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, CNHT”...
Dệt may - da giày là 1 trong 3 lĩnh vực chủ yếu của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Hải Dương
Phát triển 3 ngành chính
Theo đánh giá của ngành chức năng, đến nay CNHT trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển 3 lĩnh vực chủ yếu gồm cơ khí chế tạo, điện - điện tử và dệt may - da giày. Ngoài ra còn có một số lĩnh vực khác như hóa chất, nhựa, cao su, vật liệu xây dựng...
Theo thống kê sơ bộ, Hải Dương hiện có trên 130 dự án lớn sản xuất sản phẩm CNHT, trong đó các dự án hoạt động trong lĩnh vực điện tử chiếm hơn 30%. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp của 3 ngành CNHT chủ yếu trên địa bàn tỉnh những năm gần đây ước đạt trên 15,4%/năm.
Những năm qua, sản phẩm CNHT trong tỉnh đã góp phần phục vụ sản xuất của các ngành công nghiệp cả trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp. CNHT phát triển đã góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực CNHT và các lĩnh vực sản xuất thành phẩm khác như sản xuất ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị điện. Qua đó tạo môi trường hình thành mối liên kết sản xuất giữa các thành phần kinh tế, giữa cơ sở sản xuất trong nước và các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài, liên kết giữa vệ tinh CNHT và các DN lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.
Hiện nay, DN trong nước có sản phẩm đơn giản, khó tiếp cận và tham gia hệ thống chuỗi sản xuất sản phẩm CNHT của các tập đoàn lớn. Nguyên nhân do DN trong nước thiếu thông tin, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà lắp ráp, khả năng cạnh tranh kém. Đầu tháng 2.2020, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Công thương và Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tổ chức hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ tư vấn cho DN trong lĩnh vực CNHT trên địa bàn tỉnh. Đây là lần đầu tiên một chương trình tư vấn phát triển CNHT được tổ chức riêng cho một tỉnh với sự kết hợp của Trung ương, địa phương và DN. Tại hội nghị, UBND tỉnh, Bộ Công thương và Tập đoàn Samsung đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác 3 bên. Năm 2020, Samsung lựa chọn ít nhất 15 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT của tỉnh để triển khai chương trình đào tạo 3 tháng.
Hải Dương phấn đấu đưa CNHT phát triển theo hướng hiện đại, tham gia vào việc sản xuất và cung cấp các linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp khác. Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất CNHT đạt 12,9%/năm; giá trị sản xuất CNHT đạt 132.317 tỷ đồng vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu này, Hải Dương sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, ưu tiên đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao, công nghệ sạch và các dự án phát triển CNHT.
LAN NGUYỄN
-------------------------
Kỳ sau:Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung