Lỗ hổng trong đấu giá quyền sử dụng đất
Kinh tế - Ngày đăng : 10:00, 11/10/2020
Đã qua 4 tháng nhưng vẫn còn 3 lô đất ở điểm dân cư mới thôn Liên Đông, xã Hồng Quang (Thanh Miện) chưa được người trúng đấu giá nộp tiền vào ngân sách
Bỏ cọc
Tháng 3.2020, UBND xã Hồng Quang (Thanh Miện) thuê đơn vị tổ chức đấu giá quyền sử dụng 11 lô đất tại điểm dân cư mới thôn Liên Đông. Đến nay, vẫn còn 3 lô đất chưa được người trúng đấu giá thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước mặc dù đã quá hạn gần 4 tháng. Theo quy chế riêng của cuộc đấu giá đã được triển khai, nếu trong vòng 90 ngày kể từ khi trúng đấu giá, người trúng phải nộp hết tiền vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, dù đã quá hạn nhưng kết quả trúng đấu giá vẫn chưa bị hủy. Chi cục Thuế khu vực Ninh Thanh đang phối hợp với chính quyền địa phương để liên hệ, đôn đốc người trúng đấu giá nộp tiền vào ngân sách theo đúng cam kết khi tham gia đấu giá.
Tại TP Chí Linh, từ đầu năm 2020 đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố đã tham mưu để UBND thành phố ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá của 21 lô đất thuộc các khu dân cư Đình Đông (phường Cổ Thành), Đồng Đỗ (phường Thái Học), Trại Thượng (phường Văn An), Lạc Sơn (phường Thái Học) và Chí Linh 1 (xã Nhân Huệ). Những người trúng đấu giá đã không thực hiện nghĩa vụ tài chính, chấp nhận mất tiền đặt cọc. Có 1 người trúng đến 5 lô đất ở khu dân cư thôn Chí Linh 1 nhưng đều bỏ cọc, chấp nhận bị hủy kết quả trúng đấu giá.
Tình trạng trúng đấu giá nhưng bỏ cọc, chấp nhận bị hủy kết quả trúng đấu giá diễn ra khá phổ biến thời gian gần đây. Là người thường xuyên tổ chức các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất (SDĐ) trong tỉnh, ông Nguyễn Đại Dân, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Đại Thành cho biết hầu hết những trường hợp bị hủy kết quả đều là các “cò” đất tham gia đấu giá với mục đích bán lại kiếm lời. “Họ bỏ giá thật cao, thậm chí cao hơn giá thị trường để gom đất với hy vọng độc quyền phân phối lại cho người dân có nhu cầu. Khi không bán được, họ chấp nhận mất tiền đặt cọc. Việc này ảnh hưởng xấu đến hoạt động đấu giá quyền SDĐ, khiến những người có nhu cầu thực sự không thể tiếp cận được”, ông Dân nói.
Còn nhiều lỗ hổng
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Sách cho biết mặc dù nhiều trường hợp hết hạn nộp tiền nhưng không dễ để hủy kết quả trúng đấu giá. Luật Đấu giá 2016 không quy định điều kiện để hủy kết quả. Vì vậy, trong từng cuộc đấu giá cụ thể, các đơn vị tổ chức đấu giá thường bổ sung vào quy chế thời hạn bắt buộc người trúng đấu giá nộp tiền vào ngân sách. Nếu quá thời hạn này, kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Tuy nhiên, do luật không quy định, tỉnh cũng không có văn bản hướng dẫn chung nên việc hủy kết quả vẫn cần sự đồng ý của người trúng đấu giá. Chính quyền địa phương và cơ quan thuế gặp gỡ người trúng đấu giá, vận động viết đơn từ chối kết quả trúng đấu giá với lý do không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Căn cứ vào đơn, cơ quan chuyên môn sẽ tham mưu cho UBND cấp huyện ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá.
Luật Đấu giá năm 2016 chỉ quy định về thời gian, địa điểm xem tài sản đấu giá; thời gian, địa điểm bán hồ sơ tham gia đấu giá; giá khởi điểm, tiền mua hồ sơ, tiền đặt trước cũng như hình thức, phương thức đấu giá... Ông Nguyễn Văn Thơm, Trưởng Phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) cho biết Luật Đấu giá 2016 không quy định chế tài thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với tài sản đấu giá là quyền SDĐ ở do Nhà nước giao có thu tiền SDĐ. Việc thu tiền áp dụng theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ. Nghị định này quy định trong 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người SDĐ phải nộp 50% tiền SDĐ; trong vòng 60 ngày tiếp theo, người SDĐ phải nộp 50% tiền SDĐ còn lại; quá thời hạn quy định, người SDĐ chưa nộp đủ số tiền theo thông báo thì phải nộp tiền chậm nộp số tiền chưa nộp theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế trừ trường hợp có đơn xin ghi nợ tiền SDĐ đối với những trường hợp được ghi nợ. Pháp luật không quy định nộp chậm trong thời gian bao lâu thì phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Vì thế, người tham gia đấu giá chây ỳ, không nộp tiền kéo dài nhưng chính quyền địa phương không thể hủy kết quả đấu giá nếu không lập được biên bản vi phạm của người tham gia đấu giá hoặc người đấu giá không có đơn tự nguyện từ bỏ. Lỗ hổng này đã bị một số “cò" đất lợi dụng để kéo dài thời gian nộp tiền SDĐ theo quy định làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách địa phương.
Là người thường xuyên tham gia các cuộc đấu giá quyền SDĐ trong tỉnh, anh Nguyễn Văn Hưng ở Thanh Miện cho biết nhiều người trúng đấu giá sẵn sàng chịu phạt chậm nộp nhằm kéo dài thời gian để tìm khách mua đất. "Nếu bán được đất, họ vừa không mất tiền cọc vừa có lãi sau khi chịu tiền phạt chậm nộp. Vì vậy, có những trường hợp quá hạn nộp tiền vài tháng nhưng kết quả trúng đấu giá vẫn không bị hủy", anh Hưng nói.
VỊ THỦY